VNPT, "bà đỡ" của chính quyền điện tử
Rất nhiều tỉnh thành hợp tác với Tập đoàn VNPT đã thu được "quả ngọt" bước đầu trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử và tiến tới là chính quyền số
Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, việc triển khai Chính phủ điện tử được xem là tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã không nằm ngoài trong quỹ đạo phát triển này.
VNPT với thế mạnh là một trong những nhà cung cấp các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, đã, đang đồng hành và hợp tác toàn diện với hầu hết các tỉnh thành trong cả nước trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin - truyền thông, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, nhằm hướng tới hướng đến chính quyền điện tử, bởi vậy, VNPT đang được xem là "bà đỡ" của chính quyền điện tử của các tỉnh thành trong cả nước.
Hợp tác toàn diện với 53 tỉnh/thành phố
Đến thời điểm hiện tại, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với 53 UBND tỉnh/thành phố; triển khai các giải pháp Chính quyền điện tử cho 61/63 tỉnh thành phố, cung cấp Phần mềm quản lý y tế cho hơn 7.000 cơ sở y tế (trên tổng số khoảng 13.000 cơ sở y tế trên cả nước), triển khai Hệ thống quản lý Giáo dục cho hơn 12.000 trường học với gần 5 triệu hồ sơ học sinh.
VNPT cũng đã xúc tiến hợp tác, tư vấn triển khai đô thị thông minh cho khoảng 28 tỉnh, thành phố, trong đó 21 tỉnh, thành VNPT đã có đề án triển khai tổng thể, chưa kể các dự án trong lĩnh vực giao thông (Smart Transportation), nông nghiệp (Smart Agriculture), du lịch (Smart Tourism)… được triển khai riêng lẻ.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, ông Huỳnh Quang Liêm, cho biết, trên phương châm "VNPTđồng hành cùng chính quyền điện tử", tập đoàn đang đưa ra nhiều ưu đãi lớn các dịch vụ công nghệ thông tin có tính ứng dụng cao trong công tác hành chính - quản trị tại các cơ quan hành chính nhà nước như: VNPT iOffice hệ thống điều hành văn bản, Hệ thống một cửa điện tử VNPT-iGate, Cổng thông tin điện tử vn- Portal , Dịch vụ hội nghị truyền hình VNPT Meeting, Di động Vinaphone dành cho doanh nghiệp, Dịch vụ điện thoại vệ tinh Vinaphone -S…
Nhưng không chỉ dừng lại ở những dịch đã có, VNPT còn đang tiếp tục nghiên cứu và ra mắt nhiều dịch vụ áp dụng công nghệ thông tin hiện đại như các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên nền điện toán đám mây (VNPT - Cloud) hay smart city... Đây là những giải pháp mà các hãng công nghệ lớn trên thế giới hướng đến và mong muốn đem đến cho khách hàng cuộc sống công nghệ ngày càng hiện đại.
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, VNPT có bề dày kinh nghiệm và các thế mạnh về nền tảng hạ tầng ICT, an ninh thông tin, nền tảng dữ liệu mở và các giải pháp chuyên ngành trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, y tế, giáo dục, du lịch… do đó VNPT sẽ hỗ trợ các tỉnh/thành phố xây dựng thành công chính quyền điện tử và hướng đến đô thị thông minh, góp phần nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động phục vụ tối đa nhu cầu của nhân dân và chính quyền địa phương.
VNPT đã đề ra những mục tiêu cụ thể và sớm có những bước chuẩn bị để tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 bằng việc tập trung xây dựng và không ngừng nâng cấp hạ tầng băng rộng và siêu rộng trên cả mạng cố định cũng như di động.
Chính những đóng góp trên, ông Liêm cho biết, VNPT đã luôn nhận được sự tin tưởng của các cơ quan chính quyền các cấp, thể hiện qua các chương trình hợp tác triển khai Chính quyền điện tử; triển khai thành phố thông minh và hợp tác triển khai các hệ thống dịch vụ công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế điện tử và giáo dục điện tử.
"Quả ngọt" bắt đầu hình thành
Là tập đoàn đi đầu với những sản phẩm dịch vụ chủ lực về tầng viễn thông, chính quyền điện tử/chính quyền số, các giải pháp về y tế, giáo dục, an ninh trật tự, du lịch, nông nghiệp, môi trường, an ninh thông tin… nên nhiều tỉnh, thành phố trong quá trình hợp tác với VNPT đã có sự phát triển vượt bậc về chỉ số ICT Index của cả nước, đồng thời đang thực hiện những bước đi đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, bền vững.
Trường hợp như tỉnh Lào Cai. Tháng 9/2014, Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Lào Cai đã ký kết hợp tác chiến lược về viễn thông và công nghệ thông tin giai đoạn 2014 – 2020. Trải qua 4 năm, VNPT đã triển khai xây dựng hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành, phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển chính quyền điện tử của tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc, đã phát huy hiệu quả với những sản phẩm dịch vụ phần mềm do chính VNPT xây dựng.
Đơn cử như khối cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước, hành chính sự nghiệp, VNPT đã hoàn thành triển khai 3 bộ phần mềm chính quyền điện tử gồm: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-Office đến 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, UBND các xã và được tích hợp với chữ ký số của Ban cơ yếu Chính phủ; Phần mềm dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa liên thông điện tử VNPT-iGate tại địa chỉ http://tthc.laocai.gov.vn và sử dụng cho 18/18 sở, ban, ngành có thủ tục hành chính, 9/9 huyện, thành phố và 164/164 UBND xã, phường, thị trấn với tổng số 1.800 dịch vụ công trực tuyến được cập nhật.
Đến hết quý 1/2018, tổng số hồ sơ được tiếp nhận qua hệ thống là trên 200.000 hồ sơ, tổng số hồ sơ được giải quyết qua hệ thống là trên 194.000 hồ sơ, trong đó 85% hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn, 15% hồ sơ quá hạn…
Hay tại Quảng Bình. VNPT không chỉ giúp Quảng Bình trong việc xây dựng chính quyền điện tử mà còn xây dựng Hệ thống quản lý bệnh viện (VNPT-His). Thông qua hệ thống VNPT-His, các cơ sở khám chữa bệnh có thể kết xuất các báo cáo thanh quyết toán bảo hiểm y tế nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ hiệu quả cho ngành Y tế trong công tác quản lý và điều hành.
Hoặc trong lĩnh vực giáo dục, VNPT Quảng Bình đã triển khai hệ thống chương trình phần mềm quản lý giáo dục (VNEdu) tới 250/308 trường, đạt 81%. VNPT cũng đã cung cấp tổng số tài khoản đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử cho 19.216 phụ huynh học sinh và cung cấp thử nghiệm cho trên 22.000 phụ huynh học sinh để tạo kênh giao tiếp giữa nhà trường và gia đình…
Còn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, VNPT mới đây đã xúc tiến đầu tư Khu công viên phần mềm Mekong để thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia đầu tư, khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu của toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long và vươn ra tầm khu vực. Tập đoàn cũng đã nhanh chóng xây dựng hệ thống mạng viễn thông di động 4G và Internet tốc độ cao rộng khắp trong vùng, đồng thời phối hợp rất hiệu quả với các địa phương trong triển khai các giải pháp chính quyền điện tử và đô thị thông minh như Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang…
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, sự hợp tác giữa VNPT với các tỉnh thành trong cả nước sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp của tỉnh, góp phần đưa các tỉnh/thành phố trong cả nước sẵn sàng năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tiến tới xây dựng thành công Chính quyền số theo những định hướng của Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ.