09:00 08/07/2019

Vụ Big C: Doanh nghiệp sản xuất đang quá chủ quan

Lê Mây

Thời gian tới liệu các doanh nghiệp trong nước có đứng vững được tại sân nhà

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kể từ khi mở cửa 100% thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp trong nước không ít lần chới với khi ông chủ ngoại các hệ thống phân phối giở "bài" quyền sở hữu. Vậy, thời gian tới liệu các doanh nghiệp trong nước có đứng vững được tại sân nhà?

Mấy ngày nay, doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc cung cấp cho hệ thống siêu thị Big C hoang mang sau khi nhận được email thông báo của Big C về việc tạm ngưng nhập hàng của 200 nhà cung cấp hàng may mặc kể từ ngày 2/7. Như chia sẻ của các doanh nghiệp thì họ rất sốc với quyết định đột ngột này của Big C.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM cho biết, sau khi được nhận thông tin, Hội có liên lạc với một số doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng và rất bức xúc khi email thông báo rất chung chung, không cho biết tạm ngưng đến khi nào. 

Việc nhà bán lẻ tạm ngưng không nhận hàng như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, bởi họ đều đã có kế hoạch sản xuất hàng từ lâu. Thậm chí, việc tạm ngưng này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp vì hầu hết các nhà cung cấp đều còn hàng tồn, hàng chưa giao theo đơn đặt hàng trước đó, thậm chí cả các đơn hàng đang trong quá trình sản xuất.

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 4/7, lãnh đạo Tập đoàn Central Group cho biết, việc tạm ngưng nhập hàng của các doanh nghiệp dệt may xuất phát từ việc hệ thống siêu thị này thay đổi chiến lược kinh doanh theo chỉ đạo của Tập đoàn bên Thái. 

Theo đó, trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn này tại Việt Nam thời gian sắp tới, Big C sẽ thu hẹp một số trung tâm thương mại mang thương hiệu Big C. Chiến lược kinh doanh mới của Central Group sẽ tập trung vào các mặt hàng cao cấp hơn, tái cấu trúc lại tài chính, tái cấu trúc việc cung ứng hàng cũng như sắp xếp tại các cửa hàng mới mang thương hiệu Go!Market. 

Đây là lí do mà doanh nghiệp bán lẻ này đang rà soát lại các nhà cung cấp các mặt hàng, trong đó có mặt hàng may mặc.

Qua vụ việc của ngành hàng may mặc lần này và đợt Big C thông báo tăng mức chiết khấu lên tới 25% hồi năm 2016, các doanh nghiệp ngành thủy sản cũng đã một phen đau đầu và phản ứng quyết liệt. 

Sân chơi bán lẻ khi có nhiều doanh nghiệp ngoại tham gia sẽ tạo nên độ phong phú cho thị trường nhưng có vẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà cơ quan quản lý vẫn không lường trước được. Bản thân các doanh nghiệp lại quá chủ quan.

Các nhà bán lẻ luôn chăm chăm vào lợi nhuận, đây là điều tất yếu khi đi đầu tư kinh doanh. Nếu mô hình này không mang lại hiệu quả tích cực thì lập tức họ sẽ chuyển đổi mô hình, thay thế đối tượng hàng hóa. 

Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh với hàng hóa cao cấp hơn liệu có thành công hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Dù vậy, chúng ta vẫn phải tôn trọng đường hướng của doanh nghiệp, bởi khi đã làm kinh doanh thì yếu tố lợi nhuận là tiên quyết.

Trên thị trường bán lẻ, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ là yếu tố góp phần và tạo nên sự thành công của các mô hình kinh doanh. Nếu thương hiệu chọn đúng và được người tiêu dùng ủng hộ thì khả thi còn không thì kết quả sẽ ngược lại. 

Trước kia, Maximart đã từng gặp nhiều hạn chế khi siêu thị này "chê" đối tượng bình dân và kết quả là không mở rộng được hệ thống sau nhiều năm hoạt động. Trong khi đó, thương hiệu được nhiều người ví như ngôi chợ hiện đại của người dân là Saigon Coop lại lớn mạnh qua từng ngày cả về số lượng điểm kinh doanh lẫn tầm vóc, từ một nhãn hiệu ban đầu nở thêm nhiều nhãn hiệu khác để đi vào sâu tận trong các ngóc ngách tiếp cận người tiêu dùng.

Cũng thông qua vụ việc của sản phẩm may mặc cung ứng cho hệ thống Big C lần này càng thấm câu chuyện doanh nghiệp không thể đứng mãi một chỗ. Nếu không chủ động tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng hàng hóa để cạnh tranh, để xây dựng vị thế trên thị trường, vị trí với các đối tác phân phối tức là luôn bị phụ thuộc và tiềm ẩn rủi ro. 

Đã làm kinh doanh thì không có chuyện cho và nhận mà phải đứng ở góp độ hợp tác "win – win". Với các doanh nghiệp Thái họ luôn đắc thắng việc hàng hóa của họ chắc chắc trội hơn hàng Việt thông qua mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng xưa nay. Dù là sản phẩm cùng loại, trong nước có sản xuất nhưng không ít người tiêu dùng vẫn chọn mua hàng Thái. Đó là cơ hội để hàng Thái khai thác thị trường ngay tại Việt Nam. 

Bởi vậy, một khi đã có trong tay một hệ thống phân phối thì không dại gì doanh nghiệp Thái không tận dụng cơ hội "của nhà" để phát triển hàng hóa mà họ có.

Để tránh những việc tương tự xảy ra như đối với sự việc của sản phẩm may mặc đang gặp ở Big C, có lẽ cơ quan chức năng sẽ phải tìm hiểu và nghiên cứu giải pháp thích hợp để vừa tạo thuận lợi cho hàng hoá của doanh nghiệp trong nước mà vẫn giúp các doanh nghiệp phân phối ngoại phát triển ở thị trường.