15:45 22/12/2021

Vượt đại dịch, May 10 không nhờ may mắn

Song Hoàng

Khi dịch Covid-19 tràn vào Việt Nam, Tổng Công ty May 10 phải đối mặt với những “khúc cua” nguy hiểm, nhiều thời điểm cả cung và cầu đều đứt gãy. Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 đã có những chia sẻ với VnEconomy về câu chuyện vượt khó của May 10 mùa dịch...

Ông Thân Đức Việt Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10
Ông Thân Đức Việt Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10

Thưa ông, hai năm qua là khoảng thời gian thử thách với mọi doanh nghiệp tại Việt Nam. May 10 là một doanh nghiệp có quy mô sản xuất rất lớn với 18 nhà máy, 12.000 công nhân, chắc hẳn những khó khăn sẽ nhiều hơn, lớn hơn?

Nếu nói về tình hình dịch Covid-19, trong 2 năm qua, tôi nghĩ, không chỉ Tổng Công ty May 10 mà cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước đều phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng chưa từng có từ dịch bệnh.

Đối với Tổng Công ty May 10, từ khi Covid-19 gây ra làn sóng dịch bệnh đầu tiên tại Trung Quốc, chúng tôi đã ngay lập tức phải “nếm trải” khó khăn sớm hơn nhiều doanh nghiệp ở các nhóm ngành khác tại Việt Nam. Dịch xảy ra tại Vũ Hán đã khiến các đối tác cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi phải đóng cửa đột ngột. Do vậy họ không thể cung cấp nguyên phụ liệu cho May 10 một cách ổn định và đều đặn.

Mặc dù hiện nay dịch bệnh với biến thể Omicron đang diễn biến phức tạp, song nhìn chung chúng ta đã vượt qua được giai đoạn cam go nhất, điều mừng nhất là kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang hồi phục tăng trưởng.
Mặc dù hiện nay dịch bệnh với biến thể Omicron đang diễn biến phức tạp, song nhìn chung chúng ta đã vượt qua được giai đoạn cam go nhất, điều mừng nhất là kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang hồi phục tăng trưởng.

Trong khoảng thời gian dài không nhập được hàng, chúng tôi phải tìm nguồn cung thay thế trong nước, đồng thời đàm phán với các bạn hàng để có thể xin giao muộn hơn. Rất may, bằng uy tín lâu năm nên May 10 đã nhận được sự thông cảm, chia sẻ của nhiều đối tác trong và ngoài nước.

Sau khi dịch Covid-19 được khống chế ở Trung Quốc, May 10 đã chủ động được nguồn nguyên liệu, nhưng dịch ở các thị trường tiêu thụ lớn như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… lại bùng lên. Vì vậy, việc phục hồi sản xuất không thực hiện được. Bước sang năm 2021, khi tình hình xuất khẩu đang có nhiều dấu hiệu tốt, mức tăng trưởng nhiều tháng đã đạt từ 20 - 30%, nhưng May 10 tiếp tục phải căng sức chống dịch ở ngay sân nhà.

Covid-19 bùng phát ở Việt Nam với nhiều đợt lây nhiễm, đặc biệt là làn sóng thứ 4 xảy ra ở hàng loạt tỉnh thành nên Tổng Công ty luôn trong trạng thái phấp phỏng, lo lắng. May 10 có quy mô lớn, với hơn 12.000 cán bộ, công nhân viên, vì vậy rủi ro mà chúng tôi phải đối mặt là rất lớn. Nhà máy có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào.

Thực tế, vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 May 10 đã phải đóng cửa nhà máy sản xuất áo sơ mi lớn nhất trong hệ thống. Đó là nhà máy tại tỉnh Quảng Bình. Tiếp theo, đóng cửa thêm một nhà máy sản xuất quần áo tại Thanh Hóa, khi cộng đồng có ca nhiễm mới liên quan tới May 10. 

Tại Hà Nội, chúng tôi cũng đã phải thực hiện sản xuất 3 tại chỗ khi chưa có Nghị quyết 128. Công nhân và cán bộ thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập trong nhiều ngày. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý và năng suất lao động của công nhân.

Trước những khó khăn chưa có tiền lệ như vậy, ban lãnh đạo May 10 đã tìm ra hướng đi nào để ổn định sản xuất và kinh doanh?

May 10 là một đơn vị có bề dày truyền thống. Tôi cũng đã nhiều lần nói với cán bộ, công nhân viên của mình rằng trong chiến tranh rất gian khổ, khốc liệt, các thế hệ đi trước cũng chưa khi nào để nhà máy ngừng sản xuất hoàn toàn, công nhân mất việc. Vậy không lý do gì để tập thể May 10 đầu hàng trước hoàn cảnh hiện tại. Càng khó khăn, chúng tôi càng nỗ lực, sáng tạo, cố gắng và đoàn kết để tìm mọi cách vượt qua khó khăn.

Nhắc lại năm 2020, khi đối mặt với chuỗi đứt gãy cả cung và cầu, tôi và ban giám đốc đã ngay lập tức quyết định chuyển hướng. Thay vì tiếp tục tìm cách xuất khẩu hàng may mặc, chúng tôi quay sang sản xuất trang phục bảo hộ y tế, khẩu trang để xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước. Với hướng đi này, chúng tôi tạm thời đã thoát khỏi khó khăn.

Kết thúc năm 2020, doanh thu may mặc của chúng tôi giảm 20% nhưng bù lại, có doanh thu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế bù vào. Vì vậy doanh thu, lợi nhuận và thu nhập người lao động trong năm 2020 đã không bị sụt giảm so với mục tiêu đề ra.

Trong suốt quãng thời gian khó khăn vì dịch bệnh, chúng tôi cũng không sa thải người lao động nào mà thậm chí vẫn giữ vững và vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm trong năm 2020. Kết quả, năm 2020 chúng tôi đã đạt doanh thu 3.450 tỷ đồng và vượt 30% so với kế hoạch điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh đầu quý 1/2020.

Nhờ những ứng biến linh hoạt, May 10 đã thoát khỏi khó khăn do Covid -19 gây ra
Nhờ những ứng biến linh hoạt, May 10 đã thoát khỏi khó khăn do Covid -19 gây ra

Bước sang năm 2021, cái khó nhất không phải yếu tố thị trường, vì thị trường lúc này được đánh giá đã hồi phục rất nhanh, thậm chí nhìn các chỉ số thì tốt hơn cả thời kỳ trước dịch. Tuy nhiên, với nhiều lần bùng phát dịch tại Việt Nam, May 10 phải đối mặt với các yếu tố hoàn toàn phi thương mại, đó chính là những ảnh hưởng từ dịch Covid -19.

Trong giai đoạn này, Tổng Công ty đã có kinh nghiệm hơn, chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người lao động để họ thực hiện đúng “5k”, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh từ cộng đồng vào nhà máy. Đồng thời chúng tôi đã cho thành lập các tổ Covid-19 ở Tổng Công ty cũng như các xí nghiệp địa phương. Các tổ đội này có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra để ngăn ngừa các yếu tố có thể gây lây nhiễm.

May 10 cũng là đơn vị triển khai xét nghiệm rất sớm, giảm lệ thuộc vào chính quyền. Chúng tôi chủ động được các bộ kit test, chủ động được các phương án phòng chống dịch bệnh, thậm chí là đơn vị khá sớm lo được việc tiêm vaccine cho người lao động. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để giúp doanh nghiệp hoàn thành chỉ tiêu doanh số, lợi nhuận.

Có thể nói, nhiệm vụ khó khăn nhất là đảm bảo an toàn cho người lao động, chúng tôi đã làm tốt vì chỉ có đảm bảo được an toàn, thì mới sản xuất và ngược lại, chỉ sản xuất khi mọi thứ an toàn. Kết thúc năm 2021, May 10 đã vượt kế hoạch doanh thu đề ra, tính riêng doanh thu may mặc, con số này tăng trưởng khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước và vượt năm 2019 - năm chưa có dịch.

Theo ông, việc ra đời Nghị quyết 128 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự sống còn của các doanh nghiệp?

Thực lòng chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ. Chính phủ đã rất lắng nghe, chia sẻ rất kịp thời với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chúng ta đã thay đổi phương thức chống dịch, từ “zero Covid” sang thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả. Đây chính là thông điệp chủ đạo của Nghị quyết 128 ra đời tháng 10/2021.

Ngay sau khi có nghị quyết này, tôi nghĩ không chỉ có Tổng Công ty May 10, mà các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp chế biến chế tạo, phục vụ cho xuất khẩu đã có kế hoạch cũng như phương án để lập tức hồi phục lại sản xuất.

Mặc dù hiện nay dịch bệnh với biến thể Omicron đang diễn biến phức tạp, thế giới cũng đang bị tác động, ảnh hưởng lớn, song nhìn chung chúng ta đã vượt qua được giai đoạn cam go nhất, điều mừng nhất là kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang hồi phục tăng trưởng.

Với doanh nghiệp của chúng tôi, các đơn hàng xuất khẩu hiện đang rất lạc quan, tốt hơn cả trước dịch, lượng đơn hàng đã phủ kín đến hết quý 1, thậm chí, 80% đơn hàng đã đủ để công nhân yên tâm sản xuất đến quý 1/ 2022.

Với thị trường trong nước, ngay thời điểm hiện nay, May 10 đang phải căng mình để hoàn thành các đơn hàng đồng phục cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Vì có thể trong giãn cách xã hội, các cửa hàng bán lẻ cũng gặp khó khăn, đến nay khi không còn phong tỏa, doanh nghiệp đặt hàng rất nhiều, điều này cũng góp phần bù đắp doanh thu cho Tổng Công ty.

Với hai tín hiệu tích cực như trên, chúng tôi tin rằng, năm 2022, Tổng Công ty sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra tương đối cao, đó là tăng trưởng doanh thu trên 20% so với năm 2021.

Với những con số rất khả quan như vậy, có thể dùng cụm từ “thần kỳ” của May 10 hay không, thưa ông?

May 10 đã trụ vững được, nhưng nếu nói về tốc độ tăng trưởng cũng như tốc độ vượt qua khó khăn có thể nói chưa đạt được kết quả để gọi là thần kỳ.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân viên, sự đổi mới, sáng tạo để thích ứng, tôi và ban lãnh đạo doanh nghiệp có cơ sở vững chắc để tin rằng, năm 2022, May 10 sẽ đạt được những kết quả tốt hơn nữa.
Tôi cũng mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ chung sức, đồng lòng để sớm vượt qua khó khăn và đạt được những thành quả tốt đẹp trong năm 2022 và những năm tiếp theo