14:47 14/12/2021

Covid-19 tiếp tục khiến hàng may mặc tăng giá trong năm 2022?

Minh Nguyệt

Đi đôi với những khó khăn mà đại dịch mang lại, thị trường thời trang cũng đã có những tia hy vọng khởi sắc hơn như: tăng doanh số quần áo tái chế, thị trường quốc nội, xu hướng mới của ngành, phục hồi thương mại xã hội...

Tuy nhiên, tác động tổng hợp của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng tại tất cả cảng và sự chậm trễ trong vận chuyển khiến các nhà điều hành thời trang phải tăng giá hàng may mặc thêm 3% trong năm tới, theo báo cáo của The Business of Fashion và McKinsey and Company. Trong khi đó, 15% giám đốc điều hành trong cuộc khảo sát cho biết họ sẽ tăng giá hàng may mặc lên hơn 10%.

Nghiên cứu trên đã khảo sát hơn 220 giám đốc điều hành và chuyên gia thời trang. Tuy không đề cập đến khả năng một số mặt hàng thời trang sẽ có mặt chậm trễ để bán vào dịp lễ, nhưng báo cáo nhấn mạnh việc nhiều nhà bán lẻ như Walmart, Best Buy, Macy’s cùng nhiều hãng khác đều dự đoán giá quần áo sẽ tăng. Họ đã đặt những đơn đặt hàng trọng yếu vào đầu năm để bán hàng trong dịp lễ.

Các chuyên gia dự đoán có thể đến năm 2023 - 2024, các khách du lịch quốc tế mới có thể xuất hiện trở lại. Trong lúc chờ đợi, quốc nội sẽ trở thành thị trường tiềm năng để phát triển của các thương hiệu.Tập trung vào thị trường này sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng được thị trường, tạo dựng uy tín vững chắc ở nội địa cũng như ‘cầm cự’ vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Chi phí vận chuyển tăng mạnh và tình trạng thiếu hụt hàng hóa càng khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chiến lược tìm nguồn cung ứng mới.
Chi phí vận chuyển tăng mạnh và tình trạng thiếu hụt hàng hóa càng khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chiến lược tìm nguồn cung ứng mới.

Ngành công nghiệp thời trang vốn dĩ phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới chuỗi cung ứng. Hiện tại, chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên phức tạp và bị gián đoạn hơn bao giờ hết bởi các lệnh giới nghiêm do đại dịch gây ra. Không những vậy, chi phí vận chuyển tăng mạnh và tình trạng thiếu hụt hàng hóa càng khiến tình cảnh trở nên khó khăn hơn, buộc các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chiến lược tìm nguồn cung ứng mới, thực hiện quản lý hệ thống kho bãi chặt chẽ và cải thiện tính linh hoạt để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng trong mọi trường hợp, trong mọi bối cảnh. 

Một yếu tố khác cần xem xét là tăng trưởng doanh số bán quần áo tái chế. Nhu cầu về quần áo cũ đang tăng lên. Trong khi thị trường dệt may toàn cầu hiện chỉ chiếm chưa đến 10%, quần áo tái chế dự kiến trở thành xu hướng phổ biến vào năm 2022. Xu hướng mới này là "thương mại xã hội", khuyến khích khách hàng sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm trực tiếp.

Mùa Xuân Hè 2022 sẽ đánh dấu sự hồi sinh của làng thời trang sau hai năm “ngủ đông” vì đại dịch toàn cầu. Màu sắc trở nên tươi vui hơn và đầm dạ tiệc trở lại. Những phom dáng kịch tính, không cần thiết khi bạn chỉ ở nhà suốt ngày, lại một lần nữa được trọng dụng. Vì vậy, những phong cách thời trang của thập niên 2000, còn được gọi là phong cách Y2K, lại một lần nữa xuất hiện. Các thương hiệu nên nắm bắt được xu hướng này và cho ra mắt nhiều bộ sưu tập mới để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

15% giám đốc điều hành trong cuộc khảo sát cho biết họ sẽ tăng giá hàng may mặc lên hơn 10% trong năm tới.
15% giám đốc điều hành trong cuộc khảo sát cho biết họ sẽ tăng giá hàng may mặc lên hơn 10% trong năm tới.

Thực tế là, trong năm 2021, chúng ta cũng đã thấy sự tăng giá bán của các thương hiệu thời trang xa xỉ, như Chanel và Louis Vuitton. Nhưng nguyên nhân của sự tăng giá được cho là từ chiến lược kinh doanh hơn là lạm phát. Vừa qua, Nike cũng đã thông báo về tình trạng cắt giảm nguồn hàng của thương hiệu với các đại lý. Nguyên do nằm ở nhà xưởng gia công của Nike tại Việt Nam đối mặt với tình trạng tạm ngừng hoạt động một thời gian do giãn cách xã hội trong thời gian vừa qua. 

Tuy nhiên, trong năm 2022, những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt sẽ chiếm ưu thế hơn trong cuộc đua hồi phục kinh tế. Trong bối cảnh phức tạp đó, những thương hiệu thời trang toàn cầu sẽ cần phải cân nhắc các quyết định đầu tư một cách chính xác, thường xuyên đánh giá lại các điều kiện địa phương, đồng thời có kế hoạch giảm thiểu rủi ro cho từng khu vực cụ thể. Với tốc độ tăng trưởng của năm 2022, dự báo giá các loại trang phục sẽ tăng từ 3 - 8%, và người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn với mức giá này.