Xả cực sốc, cổ phiếu rụng như sung
Thị trường đột ngột đảo chiều trong những phút cuối phiên hôm nay do nhà đầu tư bán đổ bán tháo cổ phiếu, dù mới hai phiên cuối tuần trước còn tranh nhau mua.
Không có thông tin nào ảnh hưởng bất ngờ đến thị trường cả, cũng không thể đổ lỗi cho diễn biến bên ngoài, vì thị trường Việt Nam cho đến trước 2h chiều còn tăng mạnh nhất thế giới.
Lý do duy nhất khiến thị trường bất ngờ đảo chiều là nhà đầu tư muốn thu lãi về. Dù hai ngày nghỉ có đủ thứ lý do tích cực để lý giải đà tăng đột biến cuối tuần trước, nhưng đến chiều nay cũng vẫn các thông tin đó, chỉ khác là các nhà đầu tư nghĩ ngược lại.
Thị trường tăng cực tốt trong buổi sáng, thậm chí VN-Index còn đạt đỉnh cao nhất 970,15 điểm lúc 1h37 chiều. Mức tăng ở đỉnh là 0,92% so với tham chiếu và không mấy người nghĩ rằng thị trường sẽ đảo chiều thành giảm tận 1,09% lúc đóng cửa. Biên độ dao động tối đa trong ngày hôm nay ở VN-Index tới trên 19 điểm, tương đương 2,04%.
Đà đi lên của thị trường chung lẫn các chỉ số được hỗ trợ từ diễn biến tăng của nhóm blue-chips lớn. VN30-Index lúc đạt đỉnh tăng tới 1,34%, với VIC tăng 5,29%, VNM tăng 2,27%, VHM tăng 2,01%, SAB tăng 1,45%, TCB tăng 3,96%, MWG tăng 2,27%, HPG tăng 3,56%...
Lúc các chỉ số đạt đỉnh, riêng nhóm VN30 có tới 18 cổ phiếu tăng trên 1% thậm chí 10 mã tăng hơn 2%. Đột nhiên mọi thứ thay đổi rất nhanh. Dù ở thời điểm 2h chiều, thị trường tương lai của Mỹ có sụt giảm gần 1% nhưng đó không phải là tác động chính. Thị trường này đã giảm suốt cả buổi sáng và VN-Index vẫn lừng lững đi ngược thế giới. Thực tế là trong mấy phiên gần đây, thị trường Việt Nam đi đường hoàn toàn riêng và không chịu ảnh hưởng từ thế giới.
Vì vậy thay đổi trên thị trường về cuối phiên hôm nay hoàn toàn là do nhà đầu tư thay đổi. Những người cầm cổ phiếu muốn chốt lời và nhiều người cũng suy nghĩ giống nhau. Cổ phiếu đồng loạt đảo chiều rất mạnh và đến cuối ngày, rổ VN30 thậm chí chỉ còn có 6 cổ phiếu tăng giá, trong khi 23 mã rụng xuống dưới tham chiếu. Trong số giảm có 18 mã giảm trên 1%, với 11 mã giảm trên 2%.
Có thể thấy tình thế đảo ngược hoàn toàn so với thời điểm cách đó chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ. Nhóm ngân hàng buổi sáng và đầu phiên chiều còn được xem như trụ cột đưa thị trường lên đỉnh cao mới. Mức giảm cực sốc ở nhóm này tạo cảm giác giá được thổi lên để xả, vì thanh khoản vẫn rất cao, chỉ có giá là ngược hướng so với những phiên trước. BID đóng cửa giảm 4,21%, CTG giảm 4,09%, MBB giảm 2,38%, STB giảm 3,09%, TCB giảm 2,71%, VCB giảm 1,71%, VPB giảm 5,45%, EIB giảm 1,14%, HDB giảm 1,77%.
Dao động của những cổ phiếu này thực tế gây thiệt hại lớn hơn nhiều mức giảm giá cuối phiên vì trước đó khoảng 1 giờ đồng hồ còn được đẩy lên rất cao. Chẳng hạn TCB xuýt soát giá 25.000 đồng nhưng rồi rơi xuống tận 23.350 đồng. Biến động như vậy khiến nhà đầu tư đua giá có thể thiệt tới hơn 6% chỉ trong 1 tiếng.
Những cổ phiếu thúc đẩy thị trường khác là VIC, VNM, VHM, MSN cũng chịu sức ép rất lớn dù hầu hết đóng cửa vẫn trên tham chiếu. VIC chốt tăng 1,06%, VNM tăng 0,45%, MSN tăng 2,21%. Riêng VHM giảm 1,26%. Nếu nhóm trụ này cũng đổ gục giống ngân hàng, VN-Index sẽ còn rớt thảm hơn nữa.
Độ rộng thị trường cũng xác nhận hiện tượng đảo chiều diễn ra hàng loạt chứ không chỉ riêng với blue-chips. HSX đóng cửa chỉ với 138 mã tăng và 285 mã giảm. Tất cả các chỉ số đều đổ gục từ khoảng 2h15 trở đi, nghĩa là nhà đầu tư đều phản ứng giống nhau.
Thanh khoản phiên chiều này rất cao, hai sàn khớp lệnh khoảng 4.835 tỷ đồng và cả ngày giao dịch 8.730 tỷ đồng. Đây là mức khớp lệnh cao chỉ sau phiên 9.300 tỷ ngày 15/10 vừa qua. Rất tiếc là giá lại đi ngược hướng cho thấy có lực xả áp đảo.
Tính chất của nhịp lao dốc cuối phiên hôm nay sẽ còn tạo mối hồ nghi lớn trên thị trường, vì không có lý do nào khả dĩ để lý giải. Yếu tố duy nhất là có lực bán lớn xuất hiện và bán hầu khắp thị trường. Khối ngoại thậm chí giao dịch cũng không nhiều hơn các phiên trước, bán ròng khoảng 415 tỷ đồng trên sàn HSX. Điều duy nhất có thể chắc chắn là giá cổ phiếu càng lên cao thì càng dễ bị chốt lời. Càng lên cao thì mức độ kỳ vọng càng giảm và càng có nhiều nhà đầu tư suy nghĩ giống nhau.