Xu thế giải quyết tranh chấp trực tuyến ngày càng tăng
Giải quyết tranh chấp trực tuyến là xu hướng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và đây cũng là con đường phía trước của toà án có thẩm quyền, trọng tài thương mại Việt Nam…
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC Symposium 2024) với chủ đề: “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp và trọng tài” ngày 26/6, các chuyên gia, luật sư đều nhận định hiện nay, giải quyết tranh chấp trực tuyến hay ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp đã và đang là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia là chủ trương được Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ.
Hơn nữa, các chỉ số thương mại điện tử cũng cho thấy những tiềm năng của nền kinh tế số ở Việt Nam, như quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029. Mua sắm hàng hóa qua thương mại điện tử hiện đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông…
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh: Kinh tế số là một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số được triển khai từ nền tảng là các giao dịch thực hiện trên không gian số - Giao dịch điện tử (các Hợp đồng điện tử).
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện chúng ta có các yếu tố về khung pháp lý để giúp thúc đẩy Hợp đồng điện tử như: Luật Giao dịch điện tử, định danh điện tử, chữ ký điện tử, chứng thực giao dịch điện tử… đang được các Bộ, ngành triển khai mạnh mẽ.
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 80% doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng để các chủ thể dân sự sử dụng hợp đồng điện tử cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, thực hiện. Nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc, phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả. Phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới kinh tế số của đất nước.
Nhấn mạnh những lợi ích của giải quyết tranh chấp trực tuyến, ông Vũ Anh Dương, Tổng Thư ký VIAC, lấy ví dụ thực tế từ một doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng với đối tác là doanh nghiệp Nhật Bản để xuất khẩu quả vải thiều của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Nhưng không may, hai bên xảy ra tranh chấp do có những tranh cãi về việc cung cấp thư tín dụng đúng thời hạn và quyết định đưa tranh chấp ra trọng tài tại VIAC.
Nếu sử dụng giải quyết tranh chấp trực tuyến, doanh nghiệp Nhật Bản không cần bay sang Việt Nam và tới văn phòng trực tiếp của VIAC để nộp đơn khởi kiện. Luật sư của doanh nghiệp Nhật Bản cũng không cần phải di chuyển tới VIAC nhiều lần để nộp các tài liệu trong quá trình giải quyết tranh chấp, mà hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến trên nền tảng nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến (VIAC eCase).
“Phương thức giải quyết tranh chấp này giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp, đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới”, ông Dương nhấn mạnh.
Hơn nữa, việc cung cấp thêm cách thức tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến bên cạnh cách thức truyền thống sẽ góp phần hưởng ứng các chiến dịch phát triển xanh và bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng của carbon đối với môi trường thông qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy trong quá trình giải quyết tranh chấp. Từ đó, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và giảm thiểu rác thải giấy và hạn chế tác động của khí thải nhà kính.
Ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, cũng đồng tình khi cho rằng trên thế giới, các vụ việc tranh chấp được giải quyết bằng công nghệ số chiếm đa số.
Thông thường, để yêu cầu trọng tài giải quyết 1 vụ việc, các đương sự phải đến trung tâm trọng tài hoặc ra bưu điện để gửi đơn. Nhưng khi giải quyết qua nền tảng trực tuyến, doanh nghiệp có thể ngồi ngay tại nhà hoặc tại công ty, sử dụng thiết bị công nghệ kết nối mạng Internet gửi đơn tới cơ quan hữu quan yêu cầu giải quyết. Việc áp dụng nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình, giảm thiểu chi phí và thời gian, mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ VIAC Symposium 2024, với sự đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), VIAC đã phát triển Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý vụ tranh chấp trực tuyến (VIAC eCase) và được ra mắt ngày 26/6.
Đây là một nền tảng với nhiều cải tiến nhằm giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới.
VIAC eCase hiện có 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, gồm các tính năng chính: Nộp hồ sơ điện tử và quản lý tài liệu điện tử; theo dõi vụ việc; thông báo các diễn biến quan trọng trong vụ tranh chấp và nhắc lịch khi tới hạn nộp tài liệu… VIAC eCase sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới kinh tế số của đất nước.