08:58 28/03/2018

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 9 tỷ USD trong quý 1/2018

Chu Khôi

Giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng nông sản tăng 9%; thủy sản tăng 11,5%; lâm sản tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017

Quý I, chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của lâm sản, thủy sản và nhiều loại nông sản.
Quý I, chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của lâm sản, thủy sản và nhiều loại nông sản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3/2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu quý đầu năm lên 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Ước giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản tháng 3/2018 đạt 2,43 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 6,89 tỷ USD tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, đến thời điểm này, ngành nông lâm ngư nghiệp đạt xuất siêu gần 2 tỉ USD.

Tiêu, cao su, cà phê, chè suy giảm

Trong quý đầu năm, đã chứng kiến sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu ở nhiều mặt hàng nông sản: cà phê, chè, tiêu, cao su. Mặt hàng tiêu đang được phập phồng trông ngóng về diễn biến xuất khẩu. 

Với khối lượng xuất khẩu tháng 3 đạt 24 nghìn tấn, đem về 88 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu cả quý đầu năm chỉ đạt 54 nghìn tấn và 203 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng nhưng giảm 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

Giá tiêu xuất khẩu bình quân giảm xuống tới mức kỷ lục chỉ còn 3.822 USD/tấn, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2017. 

Thị trường hồ tiêu trong nước tiếp tục biến động giảm giá mạnh trong tháng 3/2018 với mức giảm là 9.000 - 10.000 đ/kg. 

Giá tiêu tại Đắk Lắk – Đắk Nông, Gia Lai hiện là 53.000 đ/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai là 54.000 đ/kg. Đây là các mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, so cùng kỳ năm trước thì chỉ bằng một nửa và bằng 1/4 giá giữa năm 2016.

Xuất khẩu cà phê tháng 3/2018 ước đạt 190 nghìn tấn với giá trị đạt 367 triệu USD, đưa khối lượng cà phê xuất khẩu quý I lên 520 nghìn tấn và 1 tỷ USD, tăng 15,1% về khối lượng nhưng giảm 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

Giá cà phê xuất khẩu giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,1% và 11,3%. So với tháng trước, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 600 – 700 đ/kg xuống còn 35.400 – 35.800 đ/kg.

Đối với mặt hàng cao su, ước tính khối lượng xuất khẩu tháng 3 đạt 86 nghìn tấn, đem về với 130 triệu USD, lũy kế 3 tháng ước đạt 272 nghìn tấn và 403 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 20,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

Giá cao su xuất khẩu giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 53,4%, 8,4% và 6,9%.

Ở mặt hàng chè, xuất khẩu tháng 3/2018 ước đạt 9 nghìn tấn với giá trị đạt 13 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu quý I đạt 25 nghìn tấn và 39 triệu USD, giảm 9,7% về khối lượng và giảm 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

Chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 22,9% thị phần – giảm 40,9% về khối lượng và giảm 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

Các thị trường có giá trị xuất khẩu chè tăng mạnh là Hoa Kỳ (tăng 93,5%), Malaysia (tăng 79,2%), Ba Lan ( tăng 50,6%), Indonesia (tăng 41,7%) và Trung Quốc (tăng 40,3%).

Xuất khẩu gạo, thủy sản cùng bùng nổ

Quý I, cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của lâm sản, thủy sản, và nhiều loại nông sản. 

Trong đó, vui nhất là mặt hàng lúa gạo. Tháng 3/2018, nước ta đã xuất khẩu 524 nghìn tấn gạo, đem về 261 triệu USD. Lũy kế 3 tháng, xuất khẩu gạo được 1,36 triệu tấn và 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

Điều đáng mừng là giá gạo bình quân tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt tới 491 USD/tấn, vượt xa giá gạo trung bình của đối thủ Thái Lan. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 24,4% thị phần, tuy vậy giảm 18,7% về khối lượng và giảm 11,2% về giá trị so với cùng kỳ. 

Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh: Irắc (gấp 5,7 lần), Malaysia tăng gấp 2,7 lần, Ghana tăng gấp 2,05 lần, Hồng Kông tăng 73,5% và Singapore tăng 33,9%.

Trong tháng 3/2018, xuất khẩi hạt điều ước đạt 26 nghìn tấn với giá trị 265 triệu USD. Lũy kế cả quý I, xuất khẩu hạt điều được 73 nghìn tấn và 739 triệu USD, tăng 30,9% về khối lượng và tăng 43,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

Giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 10.261 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tại thị trường trong nước, tháng 3/2018, giá điều nguyên liệu diễn biến giảm. 

Tại Đồng Nai, giá hạt điều khô giảm từ mức 40.583 đ/kg xuống 40.500 đ/kg, có lúc xuống mức thấp trong tháng là 40.000 đ/kg.

Trong ngành lâm sản, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 3/2018 đạt 661 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt 1,87 tỷ USD trong quý I, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. 

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam - chiếm 77,6% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. 

Kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng mạnh ở các thị trường: Hàn Quốc tăng 51,3%, Pháp tăng 29,5%, Hoa Kỳ tăng 14,8%, Hà Lan tăng 11,6% và Canada tăng 10,1%.

Lĩnh vực thủy sản cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, với giá trị kim ngạch 604 triệu USD trong tháng 3/2018. Lũy kế cả quý I, xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. 

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong quý I, chiếm tới 50,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. 

Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là: Hà Lan tăng 49,7%; Thái Lan tăng 35,3%; Trung Quốc tăng 34,9%; Hàn Quốc tăng 29,2%; Đức, Anh và Canada đều tăng hơn 20%.

Trong nước, thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tháng 3/2018 tiếp tục nóng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá thiết lập mức đỉnh mới, trung bình dao động ở mức 28.000 – 30.000 đ/kg, có nơi giá được đẩy lên đến 31.000 - 32.000 đ/kg. Hiện giá cá tra giống đã tăng gấp 2-3 lần, dao động ở mức từ 70.000 - 80.000 đ/kg tùy loại do nguồn cung khan hiếm.