06:00 08/11/2021

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng tốc về đích

Chu Khôi

Trong tháng 10/2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 3,4 tỷ USD, giảm 15,6% so với tháng 10/2020 nhưng tăng 4,2% so với tháng 9/2021. Kết quả này đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành sau 10 tháng lên 38,75 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tốc độ này được giữ vững trong hai tháng còn lại, thì mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD cả năm 2021 hoàn toàn khả thi.

Xuất nhập khẩu nông sản 10 tháng của năm 2021
Xuất nhập khẩu nông sản 10 tháng của năm 2021

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 10 tháng năm 2021 đạt 74,31 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 38,75 tỷ USD, tăng 13,1%; nhập khẩu 35,56 tỷ USD, tăng 39,1%. Như vậy, nông lâm thủy sản vẫn xuất siêu 3,19 tỷ USD.

NHIỀU SẢN PHẨM TĂNG GIÁ MẠNH

Trong 10 tháng qua, nhiều nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế… Trong đó, xuất khẩu cao su tăng 13,9% về khối lượng và tăng 46,5% về giá trị; xuất khẩu hạt điều tăng 14,1% về khối lượng và tăng 13,5% về giá trị; xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tăng 7,7% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị.

Riêng hồ tiêu, dù khối lượng xuất khẩu giảm, chỉ được 232 nghìn tấn (giảm 5,7%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 52,9% nên kim ngạch xuất khẩu tăng tới 44,2%.

Với mặt hàng cà phê, khối lượng xuất khẩu giảm 5,1% nhưng giá trị vẫn tăng 4,1%.

Những mặt hàng khác tăng giá trị như: sản phẩm chăn nuôi tăng 6,1%, tôm tăng 0,1%; sản phẩm gỗ tăng 20,6%; nhóm mây, tre, cói thảm tăng 42,6%; quế tăng 14,5%. Mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu dù giá xuất khẩu bình quân tăng là chè, giảm 7,2% về khối lượng và giảm 3,4% về giá trị.

 
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương:
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương:
"Dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch, nhưng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam vẫn ổn định, đạt giá trị tăng trưởng cao, với 782 triệu USD trong 10 tháng, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt hơn 3.300 USD/tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới và xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam cũng sẽ khả quan hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã bắt đầu thu mua trở lại để chuẩn bị nguồn hàng cho xuất khẩu. Dự báo kết thúc năm 2021, ngành hồ tiêu sẽ giành lại được mốc 1 tỷ USD.
Đến thời điểm này, lượng hồ tiêu trong dân gần như đã hết, nếu đà tăng giá tiếp tục diễn ra, thì sẽ giải phóng hết khối lượng hồ tiêu tồn kho từ các năm trước. Cho dù, còn nhiều khó khăn do cước phí tăng cao, đứt gãy chuỗi tiêu thụ, nhưng có nhiều chỉ dấu cho thấy ngành hàng hồ tiêu đang trở lại thời hoàng kim, giúp nông dân làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi ha đất canh tác".

Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 42,8% thị phần; châu Mỹ chiếm 30,0% thị phần, châu Âu chiếm 11,4% thị phần, châu Phi chiếm 1,9% thị phần, châu Đại Dương (chiếm 1,5% thị phần).

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành hàng nông lâm thủy sản vẫn là Hoa Kỳ đạt trên 10,8 tỷ USD, chiếm 27,9% trong tổng thị phần; trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ.

Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc đạt gần 7,5 tỷ USD (chiếm 19,3% thị phần); với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Trung Quốc. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về: thị trường Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,6 tỷ USD (chiếm 6,8%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị đạt khoảng 1,7 tỷ USD (chiếm 4,3%).

XUẤT KHẨU GẠO THUẬN LỢI

Đặc biệt, sau những tháng giảm giá liên tiếp, giá gạo xuất khẩu đã tăng rất mạnh trong tháng 10/2021, từ 438 USD/tấn đã vọt lên 530 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Lý giải nguyên nhân giá gạo Việt tăng, một doanh nghiệp có trụ sở tại Long An cho biết, hiện vụ hè - thu đã thu hoạch hết trong khi Chính phủ đang tăng lượng dự trữ quốc gia, từ đó kéo giá cả trong nước và xuất khẩu tăng lên.

Không riêng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng, gần đây giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng trở lại, do lũ lụt xảy ra ở một số quốc gia sản xuất gạo, đã ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng này.

 
Tính đến hết tháng 10/2021, Việt Nam đã xuất khẩu đạt 5,1 triệu tấn gạo, trị giá 2,65 tỷ USD.

Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tích cực khôi phục sản xuất trở lại để đáp ứng tiến độ giao hàng trong hai tháng cuối năm 2021 cũng như nhu cầu từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á cho nhu cầu cuối năm.

Có thể thấy sau nhiều tháng trầm lắng vì căng thẳng dịch bệnh thì tới nay hoạt động thông thương của ngành gạo đã phần nào khởi sắc hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh hơn với các đối thủ xuất khẩu khác.

Tuy vậy, theo chia sẻ của ông Phan Văn Có, Giám đốc Công ty TNHH Vrice, hiện giá gạo không phải là yếu tố cạnh tranh chính bởi vấn đề mà các đối tác nhập quan tâm chính là tiến độ và cam kết giao hàng của doanh nghiệp Việt.

Với việc hoạt động xuất khẩu gạo đang sôi động trở lại, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn kỳ vọng năm nay nước ta có thể xuất khẩu được 6-6,2 triệu tấn gạo các loại, với kim ngạch đạt khoảng 3,325 tỷ USD.

 

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng tốc về đích - Ảnh 1Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

"Ngành nông lâm ngư nghiệp đề ra mục tiêu xuất khẩu đem về 42,5 tỷ USD trong năm 2021. Thông thường, xuất khẩu nông sản cuối năm tăng cao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong kỳ lễ Giáng sinh, mừng năm mới. Nếu chỉ cần tính giá trị xuất khẩu tháng 11 và tháng 12 bằng với tháng 10, ta sẽ có kim ngạch xuất khẩu hai tháng cuối năm gần 7 tỷ USD, thì sẽ đạt trên 45,5 tỷ USD, tức là vượt xa mục tiêu.
Để tận dụng cơ hội hồi phục, tăng tốc xuất khẩu nông lâm thủy sản, công tác xúc tiến thương mại hai tháng cuối năm sẽ tập trung vào mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc; các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định EVFTA và UKVFTA tới các địa phương, doanh nghiệp… Chúng tôi cũng đang chuẩn bị nội dung và làm việc với Hoa Kỳ để xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận với Hoa Kỳ về gỗ; đàm phán trợ cấp thủy sản trong WTO và dự Hội nghị Bộ trưởng WTO, đàm phán việc Anh gia nhập CPTPP".