Xuất khẩu nông sản: Trái ngọt dành cho người có tâm
Xuất khẩu nông sản không đơn giản là bán sản phẩm cho đối tác mà còn phải tặng cho khách hàng cơ hội được thưởng thức cả những giá trị văn hóa của sản phẩm đó...
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam đúng vào lúc Công ty đang căng mình chuẩn bị hàng chục tấn vải thiều Thanh Hà xuất sang thị trường Nhật Bản. Khi theo sát từng khâu sơ chế, đóng gói, khử khuẩn... ông Tiến luôn tâm niệm rằng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không đơn giản chỉ là “mua tận gốc, bán tận ngọn” đâu.
Ông Tiến chia sẻ: “Cùng là trái vải nhưng thị trường Nga thích vị ngọt đậm, người Pháp lại ưa vị ngọt thanh, còn người Nhật thì thích vị chua... Để đáp ứng được đúng nhu cầu thị trường, cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp thu mua, chế biến đều cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, và cả công nghệ nữa”.
THAY ĐỔI TƯ DUY "NÔNG NGHIỆP THÔ SƠ"
Ngoài đầu tư thời gian, công sức và cả công nghệ, điều quan trọng nhất làm nên thành công của một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản là gì, thưa ông?
Yếu tố rất quan trọng trong xuất khẩu cũng như giữ được bạn hàng phải là uy tín và cam kết trách nhiệm đến cùng với các sản phẩm mình cung cấp cho đối tác. Tôi biết có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bán hàng cho khách hàng quốc tế, khi bị họ phản hồi về chất lượng hàng hóa là tìm cách thoái thác, trốn tránh trách nhiệm dẫn đến hậu quả mất uy tín không chỉ cho doanh nghiệp đó nói riêng mà cho cả cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung.
Có vẻ như các doanh nghiệp kinh doanh nông sản đang hướng tới xây dựng hệ thống chuỗi giá trị liên kết. Muốn làm được điều đó, nông nghiệp có cần số hóa?
Rất cần, đặc biệt là việc xây dựng được những vùng nguyên liệu sản xuất gắn với số hóa có thể truy xuất được nguồn gốc, thay đổi tư duy làm nông nghiệp một cách thô sơ của người nông dân. Chỉ khi người nông dân nhận thấy việc làm ăn với doanh nghiệp giúp họ giảm thiểu rủi ro, thậm chí không có rủi ro, thì họ mới biết nên làm và trồng thế nào. Nghĩa là, từ vấn đề chuẩn hóa quy trình chúng ta mới có được nền nông nghiệp có thể xuất khẩu sang các thị trường lớn, thị trường cao cấp và cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước.
Vậy mấu chốt của việc chuẩn hóa quy trình nằm ở đâu, thưa ông?
Doanh nghiệp không thể giám sát 100% khâu sản xuất của bà con nông dân, hợp tác xã. Vì vậy, bắt buộc phải nâng cao ý thức của người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu - đó là điều quan trọng nhất. Khi chuyển đổi từ sản xuất hàng hoá thông thường, sang hàng hoá xuất khẩu, với năng lực, trình độ của bà con nông dân thì cần có thời gian để tạo ra sự thay đổi về tư duy.
Để thay đổi được tư duy thì cần có nhiều hoạt động liên quan đến đào tạo, tập huấn, đầu tư, nhà xưởng, trang thiết bị đóng gói. Tôi nghĩ mấu chốt nằm ở mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân, hợp tác xã. Mối liên hệ đó đã đủ sức mạnh, đủ tính liên kết, đủ tính bền vững để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt hay chưa. Đây mới chính là nút thắt cần được tháo gỡ nếu muốn đưa nông sản Việt ra thế giới.
KHÔNG CÓ THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH, CHỈ CÓ SẢN PHẨM DỄ DÃI
Chúng ta vẫn thường nói với nhau, Nhật Bản là thị trường khó tính, vậy phải làm sao để đưa nông sản Việt tới với thị trường khó tính này và được họ chấp nhận, yêu thích?
Theo tôi không nên gọi Nhật Bản là thị trường khó tính, bởi thực ra họ đâu có khó. Chẳng qua là từ trước đến nay chúng ta quá dễ dãi trong quản lý trồng trọt, chế biến dẫn đến những sản phẩm nông sản do chúng ta sản xuất ra chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường cao cấp.
Với kinh nghiệm của tôi, điều kiện cần thiết nhất để nông sản có thể vào thị trường Nhật Bản là tính tuân thủ trong việc thực hiện nghiêm các quy trình về trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến để tạo ra các sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng. Chỉ khi chúng ta nghiêm túc tuân thủ thì chúng ta mới kiểm soát được các sản phẩm đáp ứng đủ các yêu cầu để xuất khẩu, bất kể là tới thị trường nào đi nữa.
Nông sản tươi là một mặt hàng nhạy cảm, không ai có thể đảm bảo 100% tỷ lệ thành công cho các đơn hàng. Phải học cách chấp nhận rủi ro để ngày càng hoàn thiện hơn cho các đơn hàng tiếp theo.
Nhớ lại thời điểm nhận được thông tin doanh nghiệp của mình được Bộ NN&PTNT lựa chọn trở thành đơn vị xuất khẩu trái vải thiều sang Nhật, lúc đó ông có suy nghĩ gì?
Tôi rất mừng nhưng lại lo lắng nhiều hơn. Trước đó, Ameii Việt Nam cũng đã xuất khẩu nhiều loại nông sản, trái cây của Việt Nam sang Nhật và cũng đã có một số lần phải “nếm trái đắng” tại thị trường Nhật Bản do sản phẩm không đạt chất lượng.
Trái vải Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn trái vải từ Trung Quốc về mẫu mã, hương vị nên được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa chuộng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Trái vải Việt Nam cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đa dạng hình thức bán hàng... để có thể bám rễ sâu vào thị trường Nhật Bản.
Dường như ông đang “thiên vị” trái vải Thanh Hà hơn so với trái vải từ các vùng trồng khác ở nước ta?
Chọn trái vải Thanh Hà xuất sang thị trường Nhật, là vì tôi rất ấn tượng với câu chuyện về nguồn gốc của cây vải Tổ. Bản thân câu ví von của ông bà ta xưa: “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như dáng tuyết. Vị ngọt đậm, ăn vào thấy hương thơm, tưởng chừng như thứ rượu tiên trên đời”...
Đấy là lời thuyết minh tuyệt vời nhất cho trái vải Thanh Hà. Chúng tôi không chỉ bán sản phẩm cho đối tác mà chúng tôi còn mong muốn được “gói” theo cả câu chuyện về sản phẩm cho khách hàng, để họ được thưởng thức cả những giá trị văn hóa của sản phẩm đó.
Trong quá trình xuất khẩu vải sang thị trường Nhật Bản, nghe nói mỗi nhân viên của Công ty Ameii Việt Nam đều có thể kể những câu chuyện đáng nhớ. Còn với riêng mình, ông có thể chia sẻ kỷ niệm nào?
Đó là một kỷ niệm “hú hồn” khiến tôi suýt đứng tim. Dạo đó, chúng tôi xuất khẩu cho khách hàng Nhật những đơn hàng cuối vụ, bỗng đột nhiên nhận được phản hồi là khách muốn kiện công ty. Chúng tôi rất hoang mang, cả công ty ngồi họp bàn với nhau để tìm nguyên nhân trong khâu chọn lọc nguyên liệu, chế biến, đóng gói, xuất khẩu xem có sai sót ở khâu nào không.
Sau khi hỏi lại, phía khách hàng mới nói thêm rằng họ rất thất vọng khi chúng tôi không còn trái vải để xuất sang nữa, trong khi tại Nhật Bản người tiêu dùng vẫn liên tục hỏi mua... Đó thực sự là một câu chuyện rất đáng nhớ và cũng tạo động lực cho chúng tôi rất nhiều.
NÔNG SẢN CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG ĐỂ KHỞI NGHIỆP
Kinh doanh nông sản có phải là lựa chọn của ông ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp hay không?
Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp của trường Đại học Nông nghiệp 1, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trước khi bước vào ngành kinh doanh nông sản, tôi cũng đã từng làm việc ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều bà con nông dân. Tôi nhận thấy rằng nông sản của Việt Nam rất có tiềm năng, vì thế tôi mạnh dạn chuyển hẳn sang tìm hiểu về nông sản, nhất là trái cây và các loại hạt dinh dưỡng, chuyên phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Vậy hiện tại, với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, ông có lời khuyên nào dành cho họ?
Mấu chốt nằm ở mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân, hợp tác xã. Mối liên hệ đó đã đủ sức mạnh, đủ tính liên kết, đủ tính bền vững để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt hay chưa?
Hãy bắt đầu ngay và luôn! Tiềm năng cho lĩnh vực này còn rất lớn. Nhưng trước tiên, để tham gia sân chơi này, các bạn cần có sự nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ cho bản thân và cộng sự những kiến thức chuyên sâu về nông sản và xuất khẩu. Chúng ta phải cạnh tranh trên một sân chơi lớn, sân chơi đa quốc gia và không biên giới, với những đối tác xuất khẩu truyền thống và giàu kinh nghiệm như Thái Lan, Malaysia, Úc, Mỹ... Vì thế, cần phân tích được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm, để khi chúng ta “ra khơi” đảm bảo sẽ thành công và “trúng đàn cá lớn”.
Ngoài ra, có một yếu tố rất cần thiết để tham gia sân chơi này là dám chấp nhận rủi ro. Vì nông sản tươi là một mặt hàng nhạy cảm, không ai có thể đảm bảo 100% tỷ lệ thành công cho các đơn hàng. Phải học cách chấp nhận rủi ro để ngày càng hoàn thiện hơn cho các đơn hàng tiếp theo.
Có lẽ vì thế mà nhiều người nói rằng làm xuất khẩu nông sản mất rất nhiều thời gian, phải chấp nhận đi đường dài và phải có “máu liều”. Ông có nghĩ vậy không?
Tôi cho rằng bản thân mình không phải là người có máu liều, tôi là người thích chậm mà chắc. Thực tế tôi thấy những ai làm công việc kinh doanh liên quan đến nông nghiệp đều là vì đam mê thực sự. Không được kỳ vọng quá lớn, nhưng lại phải vững tin. Khi nhìn thấy những ánh mắt của người nông dân tươi vui, hạnh phúc sau cả một năm vất vả trồng trọt, thì đó chính là trái ngọt của doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Trái ngọt này đáng giá lắm đấy...