Xuất khẩu nông sản sẽ đạt đích 41 tỷ USD
Trong quý 4/2020, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu cả năm nay đạt hơn 41 tỷ USD
Bất chấp khó khăn do dịch Covid trên thế giới, xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 quý vừa qua đạt hơn 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019. Dự báo cả năm, toàn ngành nông nghiệp sẽ đem về 41 tỷ USD từ xuất khẩu.
Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm nông sản chính giảm 1,1%; thủy sản giảm 3%; lâm sản tăng 13,2%.
"ĐÒN BẨY" TỪ EVFTA
Điểm nhấn trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay chính là việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đã như một đòn bẩy tạo sức bật cho xuất khẩu. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang châu Âu ghi nhận tăng trưởng nhanh hơn, với tổng trị giá xuất khẩu từ ngày 1/8 đến hết tháng 9 đạt hơn 766 triệu USD.
Vừa qua, chúng ta chứng kiến các lô xuất khẩu nông sản sang EU tận dụng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA như các lô hàng: 30 tấn sản phẩm tôm đông lạnh (ngày 11/9); 100 tấn chanh leo xuất khẩu sang Đức ngày 16/9; trái cây (gồm 2.200 thùng, và 15 tấn bưởi, thanh long) xuất khẩu đi Anh, Đức, Hà Lan; 126 tấn gạo thơm xuất khẩu sang Séc ngày 22/9/2020. Đây là những lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào EU.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2019 đã phản ánh tác động tích cực của Hiệp định này trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản được ưu đãi thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.
"So với các nước đối thủ cạnh tranh khác tại thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế khi hưởng thuế 0%. Như sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS03 đang chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam) so với Thái Lan đang bị áp mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2%", ông Toản nói.
Đối với mặt hàng gạo, ngày 22/9/2020, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ công bố xuất khẩu hơn 126 tấn gạo thơm sang châu Âu theo Hiệp định VFTA. "Với 80.000 tấn gạo trong đó có 30.000 tấn gạo thơm được cấp hạn ngạch ưu đãi thuế sang EU, dư địa cho xuất khẩu gạo sang EU đang rất lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc các vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất xứ nguồn gốc để tận dụng cơ hội do EVFTA mang lại", ông Toản chia sẻ.
ĐÃ CÓ 6 NHÓM MẶT HÀNG ĐẠT TRÊN 2 TỶ USD
Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã có 8 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Trong đó, 6 nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, gạo, rau quả, hạt điều, cà phê.
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 quý đạt 8,48 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng mạnh ở các thị trường như: Hoa Kỳ tăng 26,1%; Trung Quốc tăng 10,6%; Canada tăng 10,3%...
Ngành thủy sản có mặt hàng tôm đã đạt kim ngạch xuất khẩu 2,75 tỷ USD trong 9 tháng. Tuy vậy, nhìn toàn cảnh ngành thủy sản lại không được "sáng" như lâm sản, khi kim ngạch xuất khẩu 3 quý đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 6,03 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản tăng 7% ở thị trường Hoa Kỳ, nhưng lại suy giảm ở nhiều thị trường chủ lực khác: Nhật Bản (giảm 2,9%); EU (giảm 17,35%); Trung Quốc (giảm 3,3%).
Đối với mặt hàng gạo, xuất khẩu đã bước sang giai đoạn chuyển đổi, giảm về số lượng nhưng lại tăng về giá trị kim ngạch. Thực tế trong 9 tháng qua, xuất khẩu gạo đạt hơn 5 triệu tấn, trị giá 2,51 tỷ USD; giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Senegal (gấp 3,55 lần), Indonesia (gấp 2,9 lần) và Trung Quốc (tăng 82,5%).
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 489,2 USD/tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2019. Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 40,7% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,6%; gạo nếp chiếm 17,4%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2019, kim ngạch rau quả giảm 11%. Trung Quốc, Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường lớn về xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan...
Hai mặt hàng trên 2 tỷ USD còn lại cũng chứng kiến sự suy giảm giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hạt điều 9 tháng đạt 363 nghìn tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị. xuất khẩu cà phê 9 tháng đạt 1,25 triệu tấn và 2,16 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng và giảm 1% về giá trị.
Điều đáng nói năm nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng, hàng hóa nói chung đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức, do dịch Covid đã gây tê liệt lưu thông, tiêu thụ ở nhiều thị trường trên thế giới. Có những tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam phải tạm dừng giao thương biên mậu. Hậu quả là giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đã giảm mạnh trong 3 quý đầu năm. Cụ thể, 9 tháng so với cùng kỳ năm trước: rau quả giảm 11%; cà phê giảm 1%; chè giảm 5%, hồ tiêu giảm 17,6%; điều giảm 4%; cao su giảm 4%; chăn nuôi giảm 19,7%; thủy sản giảm 3%...
"Tuy có một số ngành hàng đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid trên thế giới, dẫn đến suy giảm xuất khẩu, nhưng chúng ta vui mừng nhận thấy, tăng trưởng về chiều sâu của kim ngạch trong 9 tháng, đặc biệt thặng dư thương mại nông sản hiện chiếm tới 80- 85% thặng dư thương mại của cả nước. Điều này cho thấy, sự trỗi dậy trong quản trị và kiềm chế tốt nhập khẩu vật tư đầu vào cùng với gia tăng về xuất khẩu, đã làm gia tăng xuất siêu của nông sản. Cộng đồng doanh nghiệp đã sáng tạo, đổi mới phương thức quản trị, chuyển sang phương thức bán hàng phi truyền thống như thương mại điện tử. Cho thấy, đại dịch cũng là liều thuốc thử để minh chứng cho sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam", TS.Nguyễn Quốc Toản nói.
NHIỀU "CHƯỚNG NGẠI" CẦN "HÓA GIẢI"
Trong quý 4/2020, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu cả năm nay đạt hơn 41 tỷ USD.
Mặc dù giai đoạn khó khăn nhất dường như đã qua, nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý cuối năm vẫn còn đối mặt với nhiều "chướng ngại". Dịch bệnh Covid vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, nguy cơ tái bùng phát ở những nước đã kiểm soát được, vẫn đang là những thách thức gây trở ngại cho vận chuyển hàng hóa nông sản ra thế giới.
Hiện nay, ngày càng nhiều nước nhập khẩu đưa ra hàng rào kỹ thuật rất khắt khe đối với chất lượng hàng hóa nông sản. Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Thái Lan mới đây đã ban hành các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhập khẩu nông sản tươi, đã khiến một số đơn hàng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Thái Lan bị trả lại do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước này.
Tháng 6/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.
Xuất khẩu nông sản nay đã khác trước, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã có vùng trồng, thực hiện theo VietGAP hay GlobalGAP... thì sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Ngược lại, đối với những doanh nghiệp chỉ chuyên thu mua hàng hóa trôi nổi rồi xuất khẩu sẽ rất dễ bị vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cho rằng, việc quản lý mã số tại một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu: đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu. Hiện Cục bảo vệ thực vật đang ráo riết phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để rà soát chấn chỉnh kịp thời việc cấp mã số vùng trồng, kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số. Phải quyết liệt ở mọi khâu thì xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng giá trị kim ngạch trong năm 2020, mở đường cho những năm tiếp theo.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cùng các cục, vụ, các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó.
Phải theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, kịp thời làm việc với phía bạn mỗi khi có vấn đề xảy ra để bảo đảm thông quan hàng hóa.
Trong 3 tháng cuối năm, công tác thị trường xuất khẩu phải tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường (công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Brazil... và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ảrập Xêút, tôm vào thị trường Australia, cá tra vào Hoa Kỳ. Cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực XK có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành gỗ Việt Nam đã có những bước chuyển mình để thích ứng và vượt qua thách thức. Nhờ đó, ngành gỗ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng. Điển hình trong nỗ lực vượt qua thách thức của ngành gỗ không thể kể đến những sáng kiến về nền tảng thương mại trực tuyến của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA).
HAWA đã ra mắt Nền tảng triển lãm trực tuyến của HAWA (HOPE - HAWA Online Platform for Exhibition) nhằm kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ và nội thất Việt Nam với các nhà mua hàng quốc tế. Trên cơ sở nền tảng này, các nhà trưng bày được thể hiện năng lực cạnh tranh thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, quy mô sản xuất và cung ứng toàn cầu một cách trực quan, chuyên nghiệp để gia tăng cơ hội bán hàng cho các thị trường quốc tế. Nhà mua hàng có thể yên tâm trải nghiệm, tìm kiếm, và lựa chọn các đơn vị cung cấp tiềm năng dựa trên các thông tin phong phú được xác thực bởi HAWA.
Dự báo các tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến kim ngạch cả năm 2020 đạt trên 12 tỷ USD. Chúng tôi tự tin với dự báo này, bởi vào mùa Noel của các nước tăng mức chi tiêu, mua sắm; tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất trong nước dần trở lại bình thường