12:08 06/11/2023

Xuất khẩu thủy sản “nhọc nhằn” về đích, thách thức lớn từ thị trường Mỹ

Chu Khôi

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 10/2023 đạt trên 863 triệu USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022…

Xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2023 suy giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2023 suy giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế và biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới hết tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 2,8 tỷ USD, chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng. Với con số này cho thấy, xuất khẩu tôm đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10/2023, xuất khẩu tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10/2022.

DOANH NGHIỆP CÁ TRA ĐÓN NHỮNG TIN VUI

VASEP cho biết trong hơn một năm qua, ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới. Tại Mỹ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Mỹ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này.

Với ngành hàng cá tra, xuất khẩu trong tháng 10/2023 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. "Có vẻ xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn, sau những thông tin tích cực về thị trường Mỹ", VASEP nhận định.

Sau chương trình thanh tra của FSIS, cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022 có mức thuế thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Dù chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.

“Nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ cũng đang hồi phục. Hiện nay Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ ba của Bộ vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound phi lê cá da trơn chưa tẩm bột với tổng trị giá 41,8 triệu USD (38 triệu EUR) vào tháng 3/2023”, VASEP thông tin.

Theo VASEP, nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này...

 

"Xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ trong tháng 10 có chiều hướng khả quan hơn với mức tăng trưởng 2 con số, tăng lần lượt 13% và 40% so với cùng kỳ, đạt 87 triệu USD và 28 triệu USD. Tính đến hết tháng 10/2023, cá ngừ đã mang về lượng ngoại tệ 704 triệu USD, giảm 20% và cua ghẹ thu về 164 triệu USD, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái".

Theo VASEP.

Trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 11.900 tấn cá tra từ Việt Nam, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số bán cá tra phile tẩm bột vẫn tăng, khi mà sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn các nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc với giá 5,47 – 6,83 USD/suất. Sản phẩm này cũng nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc.

Đối với ngành hải sản, các mặt hàng mực, bạch tuộc và nhuyễn thể có vỏ vẫn giữ tăng trưởng âm từ 10-13% trong tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận doanh số trên 540 triệu USD, giảm 14%, nhuyễn thể có vỏ đạt trên 109 triệu USD, giảm 10%.Xuất khẩu các loại cá biển khác trừ cá ngừ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 8%, riêng trong tháng 10 đạt 166 triệu USD, giảm 11%.

Theo VASEP,  tiêu thụ cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số hải sản cao cấp tiếp tục bị tác động bởi những bối cảnh kinh tế suy giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng chi tiêu thận trọng. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản đang có xu hướng đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Xu hướng này hy vọng sẽ kích cầu hải sản tốt hơn trong thời gian tới.

THỊ TRƯỜNG MỸ ĐÃ CẢI THIỆN NHƯNG CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Mỹ luôn là đối tác nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt kỷ lục 2,15 tỷ USD (chiếm 19,5 % trong tổng kim ngạch xuất khẩy thủy sản của Việt Nam), tăng 80% so với cách đó 10 năm, trước thời điểm Việt Nam – Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013.

Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực sang Mỹ đều có doanh số tăng đột phá sau 10 năm: xuất khẩu tôm tăng 77% từ 454 triệu USD lên 1 tỷ USD năm 2021; cá tra tăng 50% từ 359 triệu USD lên 537 triệu USD năm 2022, cá ngừ tăng gấp đôi từ 244 triệu USD lên 489 triệu USD năm 2022. Ba ngành hàng này chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ.

Tuy nhiên trong 3 quý của năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm tới 34% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ còn đạt 1,16 tỷ USD. Đây cũng là thị trường có kim ngạch giảm mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu của ngành.

Nhận định về thị trường Mỹ trong 2 tháng cuối năm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng thị trường Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện nhu cầu tiêu dùng, tỷ lệ tồn kho sản phẩm của công ty tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ đã giảm về mức trung bình, cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nói chung.

Bên cạnh những chỉ dấu sáng mở ra cơ hội hồi phục cho xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, hiện cũng có nhiều thách thức doanh nghiêp phải vượt qua. Trong đó, Mỹ áp dụng rất nhiều chính sách bảo hộ phi thuế quan. Hàng hóa của Việt Nam, trong đó có thủy sản chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, chủ yếu phân phối qua trung gian hoặc hệ thống bán lẻ của nhóm châu Á. Vấn đề Logistics vận chuyển cũng khiến sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam bị giảm sút.

Một thông tin không vui tại thị trường Mỹ, là mới đây Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ, đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) gần đây đã quyết định duy trì thuế chống bán phá giá đối với tôm từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam trong đợt rà soát 5 năm vừa qua – một động thái được ASPA ủng hộ. Tuy nhiên, hiệp hội cho biết tôm nhập khẩu vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành tôm nội địa của Mỹ.

 

"ASPA đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC), dự kiến câu trả lời sẽ được đưa ra vào ngày 15/11/2023. Ngày 8/12/2023, ITC sẽ bỏ phiếu về việc nhập khẩu tôm từ các quốc gia châu Á có đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành tôm nước Mỹ hay không. Nếu cả hai đơn vị cùng đồng thuận, một cuộc điều tra trên diện rộng sẽ được thực hiện tại hai cơ quan này đến cuối mùa thu năm 2024".

Bốn quốc gia bị ASPA nhắm đến là bốn nhà cung cấp tôm hàng đầu vào Mỹ (Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam), lượng tôm nhập khẩu từ các nước này đã tăng hơn 100 ngàn tấn trong giai đoạn 2020 – 2022, và chiếm 90% tổng lượng tôm đông lạnh nhập khẩu vào năm 2022.

Trong một thông cáo, ASPA cho biết thị trường tôm Mỹ đã bị choáng ngợp bởi số lượng lớn tôm nhập khẩu được định giá thấp, dẫn đến giá tại cảng thấp và thiếu ổn định, thị phần trong nước giảm, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn rất nhiều và mức tồn kho đặc biệt lớn.

Để giúp thủy sản của Việt Nam trở lại đường đua xuất khẩu sang Mỹ, VASEP cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường đàm phán và ký kết các hiệp ước, hiệp định với Mỹ để hạn chế biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời thúc đẩy mở cửa thị trường cho những sản phẩm tiềm năng như cá ngừ, mực và bạch tuộc.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm cho mặt hàng thế mạnh như tôm, cá da trơn, cá rô phi để tiếp tục mở rộng thị trường tới các bang/tiểu bang mà sản phẩm của Việt Nam chưa có mặt. Thường xuyên cập nhật xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp và hiệp hội để có kế hoạch ứng phó hiệu quả, có chiến lược kinh doanh hợp lý và thận trọng.

VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp nên tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm bởi Mỹ có phổ phân khúc sản phẩm theo giá thành rất rộng do mức độ chênh lệch thu nhập trong các tầng lớp dân cư, nhu cầu tiêu dùng cả hàng cao cấp lẫn bình dân.

Doanh nghiệp nên tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ, đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế; lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng của Mỹ.