13:56 02/10/2023

Xuất khẩu thủy sản sẽ mang về 9,3 tỷ USD, cổ phiếu nhóm này đang dưới chân "sóng thần"?

Thu Minh

Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủy sản trở thành tâm điểm phiên giao dịch sáng nay khi hàng loạt cổ phiếu như FMC, ANV, CMX cùng tăng trần, IDI tăng 5,9% lên 14.300 đồng/cổ phiếu, VHC tăng 3,2%,...

ĐỘNG LỰC TỪ XUẤT KHẨU

Tăng trưởng cổ phiếu nhóm thủy sản nhờ đón tin vui từ ba thị trường chính Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo Vasep, tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý III/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ.

Trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua – ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6-12%.

Tính tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tới cuối tháng 9/2023, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ…Trong tháng 9/2023, xuất khẩu sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự như tôm, xuất khẩu cá ngừ cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng XK cá ngừ vẫn giảm 23% đạt 623 triệu USD.

Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc – HK mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Nhật Bản ít nhiều có xáo trộn trong tháng 9, do vậy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 9/2022.

Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.

Xuất khẩu thủy sản sẽ mang về 9,3 tỷ USD, cổ phiếu nhóm này đang dưới chân "sóng thần"? - Ảnh 1

SÓNG CỔ PHIẾU THỦY SẢN?

Sóng ngành cổ phiếu thủy sản được kỳ vọng mới thực sự bắt đầu khi triển vọng cho ngành này tích cực hơn trong cuối năm 2023.

Dự báo về lợi nhuận nhóm thủy sản, SSI Research tin rằng các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu thấy ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm: giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản);  chi phí vận chuyển giảm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ như VHC, sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ trong Q3/2023 (do giá bán trung bình đạt đỉnh trong Q3/2022) và tăng trưởng lợi nhuận dương từ Q4/2023. ANV cũng được hưởng lợi khi được miễn thuế chống bán phá giá của Mỹ trong năm nay.

Đối với VHC, theo ban lãnh đạo, đơn đặt hàng trong Q3/2023 đang dần cải thiện so với Q2/2023 xét về sản lượng tiêu thụ. Kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 11 nghìn tỷ đồng (-17% so với cùng kỳ) và 1,3 nghìn tỷ đồng (-34% svck) trong năm 2023. Trong năm 2024, kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 12,4 nghìn tỷ đồng (+12,4% svck) và 1,5 nghìn tỷ đồng (+14% svck).

Đối với ANV, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt là 4,9 nghìn tỷ đồng (+1% svck) và 465 tỷ đồng (-31% svck). Trong năm 2024, SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (+8% svck) và 611 tỷ đồng (+32% svck), do kỳ vọng xuất khẩu sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối Q4/2023 hoặc đầu năm 2024.

Với FMC, trong năm 2023, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 5,7 nghìn tỷ đồng (+0,2% svck) và 330 tỷ đồng (+7,0% svck). Trong năm 2024, ước tính doanh thu thuần và LNST của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 6,2 nghìn tỷ đồng (+8,2% svck) và 368 tỷ đồng (+11,2% svck). Với giá bán bình quân cao hơn, thị trường Nhật Bản sẽ giúp FMC đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm 2023.

BSC cũng nâng triển vọng cho nhóm thủy sản nhờ mức tồn kho thấp tại thị trường Mỹ. Theo bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, tồn kho cá da trơn cỡ nhỏ T7 = 67,820 giảm 8% so với cùng kỳ, 22% so với giai đoạn đầu năm và tương đương T7.2021 (giai đoạn đầu của chu kỳ cá tra 2021 – 2022).

Nhu cầu cá tra kỳ vọng trong 2H.2023 và 2024 khi lạm phát hạ nhiệt. Tại Mỹ, CPI T5 = 4.1% hạ nhiệt đáng kể so với T1.2023 = 6.3% và vùng đỉnh T6.2022 = 8.9%, do vậy, BSC kỳ vọng tiêu thụ cá da trơn tại thị trường Mỹ sẽ có cải thiện tích cực hơn khi lạm phát đã hạ nhiệt và hoạt động tiêu dùng, ăn uống trở lại (kênh nhà hàng chiếm 70% lượng tiêu thụ cá da trơn). Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại Mỹ thường có xu hướng tăng trong hai quý cuối năm nhằm phục vụ cho các kỳ lễ như giáng sinh, năm mới

Thị trường Trung Quốc, BSC kỳ vọng sẽ có sự hồi phục rõ ràng từ Q4/2023 cùng với kênh nhà hàng khi chính phủ nước này thực hiện nhiều chính sách kích cầu nội địa nhằm thúc đẩy kinh tế.

Nguồn cung cá tra dần thu hẹp là điểm hỗ trợ cho giá cá tra xuất khẩu. Đầu Q2.2023, diện tích ảo nuôi cá tra có xu hướng giảm hoặc tăng chậm lại ở Cần Thơ = 477 ha (-10% yoy), Vĩnh Long = 310 ha (+0.9% yoy) do giá cá tra nguyên liệu = 26,500 VND/kg giảm mạnh (mức thấp nhất kể từ năm 2022) trong khi giá TACN tăng cao gây lỗ cho người dân, việc tái thả thấp của các hộ nuôi cá tra trong những tháng đầu Q2.2023 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên nguồn cung cá tra trong cuối năm 2023 và đầu năm 2024.