17:47 10/06/2019

Yêu cầu hàng loạt nhãn hàng dừng quảng cáo trong clip phản động trên YouTube

M.Chung

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử vừa có văn bản yêu cầu hàng chục nhãn hàng dừng ngay việc quảng cáo trong các clip phản động, chống phá nhà nước

Quảng cáo của Adayroi bị gán vào các video có nội dung vi phạm pháp luật trên YouTube.
Quảng cáo của Adayroi bị gán vào các video có nội dung vi phạm pháp luật trên YouTube.

Ngày 10/6, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi công văn đến hàng chục nhãn hàng, thương hiệu đang có quảng cáo trong các clip mang nội dung phản động, chống phá nhà nước trên YouTube, đồng thời yêu cầu các nhãn hàng này dừng ngay việc quảng cáo trong các clip chống phá nhà nước.

Trong công văn của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng nêu rõ, đầu năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google.

Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại và gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn cảnh báo tới các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức làm việc với các doanh nghiệp và các đại lý quảng cáo, đại diện của Google yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng nêu trên. Vì vậy, sau tháng 3/2017 tình trạng gán quảng cáo trên các clip phản động đã tạm thời được khắc phục.

Tuy nhiên, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, thời gian gần đây, qua theo dõi, rà soát thông tin trên mạng xã hội YouTube, Cục nhận thấy tình trạng này đã và đang tái diễn trở lại. Quảng cáo của các công ty đã bị gán vào các video có nội dung vi phạm pháp luật trên YouTube.

Vì vậy Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu các công ty và nhãn hàng dừng ngay việc quảng cáo trong các video trên YouTube có nội dung xấu độc, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước, chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo với các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo phù hợp với quy định của pháp luật. Các nhãn hàng và thương hiệu vi phạm cũng phải báo cáo giải trình với Cục trước ngày 17/6/2019.

Trước đó, chiều 7/6/2019, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã tiếp tục công bố tới báo chí các hành vi sai phạm trên nền tảng Youtube, Google. Lãnh đạo Cục cho biết, trong 2 năm qua, Google đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông rất tích cực trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Bộ, gỡ khoảng 8.000 clip. Tỷ lệ đáp ứng của Goolge lên hơn 90%, còn 6 tháng đầu năm nay lên tới 95%.

Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và theo rà soát của Bộ có chiều hướng gia tăng. Cụ thể trên Youtube hiện nay có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật – một con số theo ông Tự Do là rất lớn, gấp rất nhiều lần số clip đã được gỡ bỏ.

Cục này cũng cho biết, quá trình theo dõi, rà soát cho thấy, các sai phạm này đến từ nhiều chủ thể tham gia hoạt động trên Youtube gồm: Youtube, Google; các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; những người mua quảng cáo trên nền tảng Youtube, Google (bao gồm các nhãn hàng, thương hiệu); những nhà sáng tạo nội dung trên Youtube(content creator); và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN).

Danh sách các công ty có các nhãn hàng xuất hiện quảng cáo trên các clip phản động, gồm: Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VINCOMMERCE, Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI, Công ty TNHH Công nghệ HUAWEI Việt Nam, Công Ty Cổ Phần Bán Lẻ Kỹ Thuật Số FPT, Công Ty TNHH Grab, Công ty TNHH Điện Tử Samsung Vina, Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam, Công ty TNHH Shopee, Công ty TNHH Watsons (Việt Nam), Công ty CP Dược phẩm Thái Minh, Công ty TNHH thiết bị máy móc Đại Chính Quang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời, Công ty Cổ phần VNG, CÔNG TY CỔ PHẦN VACXIN VIỆT NAM, Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Đức, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, Công ty TNHH Trung tâm Thể dục Thể hình và Yoga California, Công ty TNHH Đức Nhân, Công ty TNHH Sản xuất Trầm Hương Việt Nam, Công ty cổ phẩn giáo dục Topica English, Công ty TNHH Yamaha Motor Vietnam.