09:47 13/12/2009

0 đồng thưởng tiền mặt cho lãnh đạo Goldman Sachs

Mai Phương

Giám đốc điều hành (CEO) Lloyd C. Blankfein của Goldman Sachs vừa công bố chế độ tiền thưởng mới

Năm ngoái, CEO Blankfein của Goldman từ chối nhận thưởng. Năm 2007, ông được trả 67,5 triệu USD, mức thù lao kỷ lục ở Phố Wall.
Năm ngoái, CEO Blankfein của Goldman từ chối nhận thưởng. Năm 2007, ông được trả 67,5 triệu USD, mức thù lao kỷ lục ở Phố Wall.
Giám đốc điều hành (CEO) Lloyd C. Blankfein của Goldman Sachs vừa công bố chế độ tiền thưởng mới, theo đó, lãnh đạo ngân hàng này năm nay sẽ không được nhận thưởng tiền mặt mà chỉ được thưởng bằng cổ phiếu.

Động thái trên của ông Blankfein được xem là sự hưởng ứng trước những lời kêu gọi siết thưởng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Năm nay, 30 lãnh đạo cao cấp nhất của Goldman sẽ được thưởng dưới dạng cổ phiếu dài hạn. Không một đồng thưởng tiền mặt nào sẽ được phát cho nhóm này.

Điều này đồng nghĩa với việc, “bữa tiệc” tiền thưởng cho lãnh đạo năm nay sẽ không diễn ra ở Goldman. Tuy nhiên, nếu Goldman tiếp tục ăn nên làm ra, giá trị số cổ phiếu thưởng có thể  tăng vùn vụt trong những năm tới, giúp họ gặt hái những khoản siêu lợi nhuận.

Cách thưởng này của Goldman cũng nhằm giải quyết những lo ngại xung quanh việc trước đây, lãnh đạo của Goldman được thưởng đậm nhờ kết quả kinh doanh ngắn hạn của tập đoàn. Quy định mới mà CEO Blankfein vừa đưa ra nêu rõ, người được thưởng cổ phiếu sẽ không được bán ra số cổ phiếu này trong vòng 5 năm, đồng thời cổ phiếu thưởng có thể bị thu hồi trong trường hợp tình hình kinh doanh của ngân hàng xấu đi.

Hiện Goldman chưa công bố cụ thể giá trị thưởng năm nay cho 30 lãnh đạo cao nhất. Giới phân tích cho rằng, Goldman sẽ tiếp tục duy trì “tập tục” của ngành ngân hàng đầu tư tại Mỹ là chi một nửa doanh thu hàng năm cho lương thưởng.

Việc Goldman đưa ra quy định mới về chế độ thưởng cho lãnh đạo có thể được xem là một bước tiến tích cực, nhưng chưa chắc đã đủ khả năng xoa dịu những lời chỉ trích dành cho Phố Wall xung quanh vấn đề tiền thưởng.

“Một số ngân hàng đã tắng đầu áp dụng chính sách tiền thưởng theo hướng phù hợp với các nguyên tắc mà Chính phủ mong muốn, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Neal Wolin phát biểu.

Đã một năm trôi qua kể từ ngày Chính phủ Mỹ tung hàng trăm tỷ USD tiền thuế của dân để cứu các ngân hàng khỏi bờ vực sụp đổ. Các nhà băng lớn của Mỹ giờ đã tạm thời vượt qua được sóng gió và bắt đầu làm ăn có lãi. Những định chế lớn như Goldman Sachs, Bank of America (BofA), JPMorgan Chase... đã trả lại các khoản cứu trợ từ Chính phủ để không còn bị ràng buộc bởi chế độ thù lao siết chặt áp dụng cho các ngân hàng và doanh nghiệp được giải cứu.

Nếu Citigroup trả lại tiền cứu trợ, chỉ còn hãng bảo hiểm AIG và các hãng xe General Motors (GM) và Chrysler là nằm trong diện giám sát tiền thưởng. Vì thế, quyền lực của vị quan chức thay mặt Chính phủ Mỹ giám sát vấn đề tiền thưởng là Kenneth R. Feinberg đang suy giảm dần.

Tiền thưởng trong ngành ngân hàng nước này năm nay được dự báo là có thể ngang bằng hoặc thậm chí còn nhiều hơn cả trong thời kỳ kinh tế phát triển bong bóng trước đây.

Theo giới phân tích dự báo, tiền thưởng năm nay tại Goldman sẽ “khủng” hơn cả. Hiện Goldman đã dành riêng số tiền kỷ lục 16,7 tỷ USD để trả thưởng cho nhân viên, bình quân 700.000 USD mỗi người. Năm nay là một trong những năm làm ăn tốt nhất của Goldman trong lịch sử 140 năm của tập đoàn này.

Năm ngoái, CEO Blankfein của Goldman từ chối nhận thưởng. Năm 2007, ông được trả 67,5 triệu USD, mức thù lao kỷ lục ở Phố Wall.

Theo giới phân tích, đối với nhiều người Mỹ, việc những khoản thưởng khổng lồ trở lại với Phố Wall giữa lúc kinh tế nước này còn èo uột có thể được xem là một cú sốc. Không ít người coi thực tế này là một bằng chứng về sự thất bại của các nhà hoạch định chính sách trong việc điều chỉnh hoạt động trả thưởng - một vấn đề từng bị coi là nằm trong số những nguyên nhân thúc đẩy sự ham thích rủi ro, dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính này.

Tại châu Âu, một số quốc gia như Pháp và Anh mới đây đã công bố biện pháp đánh thuế vào tiền thưởng của ngành ngân hàng. Tại Anh, mức thuế suất là 50%, nhưng do ngân hàng trả.

(Theo New York Times)