12:27 30/03/2023

250.000 USD cho dự án giáo dục trẻ em gái dân tộc thiểu số giai đoạn 2

Minh Tâm

“Dự án Giáo dục trẻ em gái Việt Nam” là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ mở rộng cơ hội giáo dục, việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số…

Lễ công bố giai đoạn 2 dự án Thúc đẩy bình đẳng giới và Giáo dục cho trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Lễ công bố giai đoạn 2 dự án Thúc đẩy bình đẳng giới và Giáo dục cho trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Tại Việt Nam, các vùng dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác bởi các định kiến và rào cản văn hóa. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái vẫn có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác. Chính vì thế, dự án “Chúng tôi Có thể” (We are ABLE) do Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khởi xướng và thực hiện từ năm 2019 với mong muốn xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ mở rộng cơ hội giáo dục, việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn 1 (từ 2019-2022), dưới sự hỗ trợ tài chính 500.000 USD (khoàng 12 tỷ đồng) và kỹ thuật từ Tập đoàn CJ, dự án tập trung triển khai tại 12 huyện ở 3 tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

Ở giai đoạn 1 này, dự án đã tiếp cận được 16.296 học sinh, trong đó có 8.021 nữ sinh. Tại 24 trường triển khai dự án, trong số học sinh dân tộc thiểu số, tỷ lệ nhập học tăng từ 62% lên 67%, tỷ lệ bỏ học giảm từ 3,8% xuống 2,9% và tỷ lệ chuyển tiếp lên Trung học Cơ sở tăng từ 69,7% lên 76,7%. Nhiều trường học đã thu hút được 100% học sinh đến trường, không có trẻ em phải nghỉ học đi lấy chồng sớm.

Bên cạnh đó, có 2.136 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được đào tạo về tư vấn trường học có nhạy cảm giới và hàng nghìn người khác được tiếp cận thông qua việc triển khai khóa học trực tuyến trên toàn quốc…

Tiếp nối giai đoạn 1, giai đoạn 2 của dự án kéo dài 02 năm (2023-2024) cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về việc giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số, trao quyền cho giáo viên, nhân viên và giáo dục tại các tỉnh Ninh Thuận, Cao Bằng và Kon Tum. Tập đoàn CJ tiếp tục hỗ trợ 250.000 USD (khoảng 6 tỷ đồng) cho giai đoạn 2 này.

Giai đoạn 2 sẽ xây dựng các kỹ năng và nền tảng, thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các hoạt động truyền thông, vận động do học sinh khởi xướng và tăng cường cam kết của Chính phủ về giáo dục cho trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.

Bà Bế Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc Việt Nam cho biết: “Dự án Giáo dục trẻ em gái Việt Nam” là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ mở rộng cơ hội giáo dục, việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Dự án này đã giúp ích rất nhiều cho phong trào chung tay phát triển kinh tế xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Dự án sẽ đóng góp vào Kế hoạch Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ Việt Nam, Chiến lược công tác dân tộc và cam kết quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu 4 về giáo dục và mục tiêu 5 về bình đẳng giới.