19:06 20/09/2009

3G không phải là "kẻ hủy diệt" 2G

Hà Anh

Liệu dịch vụ 3G có chỉ dành cho những “nhà giàu”? Người dùng sẽ được hưởng những dịch vụ gì từ 3G?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng: Ảnh - Vietnamnet.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng: Ảnh - Vietnamnet.
Liệu dịch vụ 3G có chỉ dành cho những “nhà giàu”, người dùng sẽ được hưởng những dịch vụ gì từ 3G, yếu tố nào quyết định thành công của 3G?...

Những thắc mắc trên đã được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng trả lời thẳng thắn trong buổi đối thoại trực tiếp về Công nghệ 3G và triển vọng tại Việt Nam, sáng ngày 20/9/2009 - khi mà chỉ khoảng nửa tháng nữa, những dịch vụ đầu tiên của công nghệ 3G sẽ được cung cấp ra thị trường.

VnEconomy giới thiệu một số nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm tại buổi đối thoại.

Nhà nghèo có được “hưởng thụ” dịch vụ 3G?

Xin Thứ trưởng cho biết, khi triển khai công nghệ 3G tại Việt Nam, người dân sẽ được thụ hưởng những lợi ích gì khác biệt so với hiện nay? (trannhatkien77@yahoo.com)

Từ trước đến nay, ở Việt Nam đã triển khai dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 2, gọi là 2G. Dịch vụ chủ yếu ứng dụng công nghệ 2G hiện nay cũng chủ yếu là dịch vụ điện thoại.

Ngoài ra cũng có thêm một vài dịch vụ giá trị gia tăng khác, nhưng cũng chủ yếu là dịch vụ SMS. Trên cơ sở dịch vụ SMS người ta có thể phát triển một vài ứng dụng như là tải nhạc chuông, hình ảnh tĩnh, video clip cũng có nhưng chất lượng không tốt.

Tuy nhiên, khi chuyển sang dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3, gọi là 3G, thì đây là hệ thống dịch vụ thông tin băng rộng. Ngoài những dịch vụ giống thế hệ 2G, thì trên nền tảng truyền tải dữ liệu tốc độ cao, truyền tải hình ảnh, doanh nghiệp có thể phát triển ứng dụng các dịch vụ khác nhau như: thương mại điện tử, ngân hàng, giải trí....

Ví dụ như truy nhập internet di động, vào các mạng xã hội để tải, những điều mà với dịch 2G thì rất khó khăn, hay như với dịch vụ ngân hàng: xác thực, chuyển tiền… độ tin cậy, tốc độ nhanh hơn.

Nhiều người cho rằng 3G chỉ là trang trí cho người có tiền, vì nội dung số ở Việt Nam hiện nay nghèo nàn. Thứ trưởng có đồng tình với quan điểm này? (Văn Phong, Trương Định, Hà Nội)

Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định như thế này. Công nghệ 3G, nói nôm na dễ hiểu như đường cao tốc trong giao thông, hoặc các khách sạn 5 sao, 4 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp… trong du lịch.

Thế nên phải đặt câu hỏi ngược lại là có nên xây dựng đường cao tốc, khách sạn 5 sao… hay không, ở thời điểm nào, ở đâu cho phù hợp. Chẳng hạn người ta không thể xây dựng khách sạn 5 sao ở vùng rừng núi, nhưng ở Hà Nội và Tp.HCM thì vẫn rất thiếu. Thế nên vấn đề là triển khai 3G ở đâu, vào thời điểm nào, dùng cho ai. Đó mới là vấn đề quan trọng.

Lại nói như chuyện đường giao thông, khi đường tốt rồi người ta mới mua ô tô. Tất nhiên đây là quá trình đẩy – kéo. Khi người ta mua ô tô nhiều rồi thì nó lại thúc đẩy quá trình cải thiện hạ tầng giao thông. Tôi giải thích một cách đơn giản như thế về công nghệ 3G.

Những người dân nghèo, những người dân nông thôn như tôi, rồi thì vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng những thành quả của công nghệ hiện đại. Liệu chúng tôi có được hưởng lợi ích gì từ công nghệ 3G? Hay là với mức đầu tư đắt đỏ và các thiết bị hỗ trợ sử dụng công nghệ này chắc hẳn cũng phải có giá trị lớn, thì công nghệ này cũng sẽ chỉ được dành cho bộ phận người được coi là khá giả trong xã hội, thưa ông? (Trịnh Hoàng Giang, Thanh Trì, Hà Nội)

Đối với thành phố các lợi ích của 3G đã là rõ ràng. Còn ở vùng sâu, vùng xa, nếu chỉ sử dụng điện thoại thông thường thì công nghệ 2G như hiện nay đã có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, việc sử dụng nền tảng công nghệ 3G trong việc đưa internet về các trung tâm, bưu điện, trường học ở các vùng sâu, vùng xa sẽ còn rẻ hơn việc sử dụng công nghệ vệ tinh, hoặc kéo đường cáp để cung cấp internet về vùng sâu , vùng xa.
 
Chào chú, cháu là một học sinh ở Nghệ An. Thời gian gần đây nghe trên đài báo thì cháu thấy nói nhiều về công nghệ 3G với các dịch vụ như internet hay thoại có hình. Thực sự là cháu cũng rất hào hứng với những dịch vụ như thế, vì xem trên các bộ phim nước ngoài thì điện thoại của họ cũng làm được như thế mà Việt Nam thì lại không. Cháu rất băn khoăn là liệu học sinh như chúng cháu thì có đủ điều kiện để sử dụng những dịch vụ như thế hay không? Cháu cũng không biết là chi phí cho những dịch vụ đó sẽ như thế nào? Rất mong nhận được câu trả lời của chú. Cảm ơn chú"!

Với các thành phố, lợi ích 3G mang lại thì tôi đã nói rồi, còn đối với nông thôn, vùng sâu vùng xa thì nếu chỉ sử dụng điện thoại thì 2G đã có thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, 3G là dịch vụ băng rộng nên cho phép truy nhập internet di động tốc độ cao, với nền tảng 3G đó có thể các doanh nghiệp di động sẽ có điều kiện đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất, rẻ tiền nhất để đưa về nông thôn, vùng sâu vùng xa các dịch vụ, đặc biệt là tại những nơi như điểm bưu điện văn hóa xã, các cơ quan chính quyền, các trường học, trang trại…

Còn đối với người dân, những người dân có nhu cầu sử dụng các dịch vụ truy cập internet thì trước đây rất khó khăn vì phải kéo đường dây về tận nhà, tuy nhiên với 3G thì việc đó dẽ dàng hơn và tôi tin chi phí rẻ hơn.

Tại sao lại triển khai 3G thời điểm này?

 Tại sao Việt Nam lại lựa chọn thời điểm cuối năm nay và đầu năm tới để triển khai công nghệ 3G mà không phải là một thời điểm khác? (Vũ Huy Phương, Tp. Đà Nẵng)

Công nghệ luôn phát triển và luôn đi trước, nhưng việc đưa công nghệ vào thị trường để cuộc sống hóa là do bản thân người dân, xã hội đòi hỏi, và 3G cũng không ngoại lệ.
 
Ở trên thế giới do nhu cầu sử dụng đặc biệt là công nghệ hình ảnh nên việc sử dụng 3G là rất sớm. Từ năm 2002 - 2003 ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản đã sử dụng công nghệ này, còn ở Việt Nam thời điểm đó nhu cầu chủ yếu là điện thoại liên lạc, giao lưu tình cảm là chính. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, khi nhu cầu sử dụng dữ liệu hình ảnh đòi hỏi băng thông rộng, chất lượng cao nên việc triển khai 3G tại thời điểm này là phù hợp nhất.
 
Một lý do nữa là khi mới triển khai thì giá thiết bị mạng lưới, thiết bị đầu cuối của công nghệ này rất đắt, chưa phù hợp với mức thu nhập của người dân Việt Nam.

Đến đầu những năm 2000 ở Việt Nam chỉ mới triển khai thông tin di động 2G. Lúc đó, nếu đầu tư sẽ phải bỏ một số tiền đầu tư tương đối lớn mà hiệu quả không cao. Hiện giờ, khi công nghệ sử dụng dữ liệu, hình ảnh đã phát triển, khi mà giá cả các thiết bị, mạng lưới đã rẻ đi rất nhiều và nhất là doanh nghiệp đã được hoàn vốn từ đầu tư công nghệ 2G. Do vậy việc đầu tư vào công nghệ 3G tại thời điểm lúc này là thích hợp nhất.

Ông có thể giải thích tại sao các nhà dịch vụ lại phải quyết liệt đến vậy trong cuộc chạy đua giành được tấm giấy phép 3G, khi mà chi phí phải bỏ ra là vô cùng đắt đỏ mà nhiều dự báo cho thấy lượng người dùng di động 3G tại Việt Nam sẽ chỉ chiếm 4-8%, nghĩa là chưa chắc hiệu quả thu được đã tương xứng?

Như chúng ta đã biết, 3G là sự phát triển tiếp theo của thế hệ 2G. Để dễ hiểu việc triển khai 3G cũng như sự phát triển của TV đen trắng sang TV màu. Dịch vụ 3G không phải chỉ mang lại lợi ích cho nguời dùng mà còn cho cả nền kinh tế.

Khi có được 3G thì doanh nghiệp có thêm được băng tần nên chi phí đầu tư sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vì đã tận dụng được mạng lõi của 2G, chỉ phải đầu tư thêm phần mạng vô tuyến. Tuy nhiên, việc đầu tư này cũng không phải là đầu tư toàn bộ mà cũng là cải tiến từ hệ thống 2G. Do vậy các doanh nghiệp muốn lấy được giấy phép 3G để phát triển cho doanh nghiệp mình.

Trong việc triển khai dịch vụ mạng 3G của các nhà dịch vụ mạng, Nhà nước có hỗ trợ gì hay không và nếu có thì ở mức độ nào, thưa ông? (lananh2201@yahoo.fr)

Thực ra như ở các nước phát triển, theo kinh tế thị trường, việc giành giấy phép 3G rất tốn kém thông qua việc đấu giá. Mỗi giấy phép 3G rẻ thì cũng phải mất vài trăm triệu, đắt thì đến 7-8 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại Việt Nam không dùng hình thức đấu giá tốn kém đó mà học theo mô hình của một số nước Bắc Âu là thi tuyển. Việc này không làm tốn kém vốn đầu tư của doanh nghiệp. Đó chính là một sự hỗ trợ đắc lực của nhà nước cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà nước còn hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện cần thiết như thủ tục hợp chuẩn, nhập khẩu các thiết bị, đầu tư đảm bảo doanh nghiệp có thể triển khai 3G một cách nhanh chóng nhất. Đây lại là một cách hỗ trợ gián tiếp khác.

Chỗ đứng của 3G

Khi 3G được triển khai thì dịch vụ nội dung số sẽ là cốt lõi để khai thác giá trị của công nghệ này. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, nội dung cho các mạng di động còn ở mức sơ khai và nghèo nàn, vì tôi có đọc một bài báo nào đó nói là có tới hơn 90% vẫn chỉ là dịch vụ tải hình ảnh và nhạc chuông. Như vậy thời gian tới những dịch vụ nội dung nào nữa cũng sẽ được ứng dụng, triển khai thưa ông? (Trần Minh Hoàng, Nha Trang)
 
Đúng là mối liên quan giữa hạ tầng và nội dung rất chặt chẽ. Nếu hạ tầng kém, băng thông sẽ khó triển khai. Băng thông của hệ thống thông tin thế hệ thứ 2 là hạn chế, nhưng khi phát triển hệ thống thứ 3, tôi hoàn toàn tin tưởng khả năng ứng dụng sẽ rất lớn.

Có thể ví như người dân sẽ không mua ô tô khi hạ tầng phục vụ cho ô tô không cao, nghĩa là, khi hạ tầng 3G được triển khai thì nhiều nội dung cũng sẽ phát triển tương ứng.
 
Một khi dịch vụ mạng 3G chính thức được triển khai thì các mạng khác sẽ có chỗ đứng như thế nào? Liệu mạng 2G sẽ có bị thất thế không, thưa thứ trưởng? (Lan Phượng, Mỹ Đức, Hà Nội)
 
Sự phát triển 3G không phải là sự phủ nhận cái cũ, mà là sự tiếp nối trên nền tảng của 2G, nhiều thành tố của 2G được sử dụng lại. Vì thế, đây là sự phát triển tiếp theo chứ 3G không phải là kẻ hủy diệt 2G.

3G và 2G cùng song song tồn tại  phát triển, trong đó 3G sẽ tồn tại ở thành phố nhiều hơn, khi 3G đi ra ngoài vùng phủ sóng thì được roaming vào mạng 2G. 3G sẽ triển khai ở vùng nào mang lại hiệu quả kinh doanh và từng bước triển khai rộng cả nước.

Hai mạng này cùng tồn tại song song và roaming với nhau, có lúc sẽ khó phân biệt đâu là 2G hay 3G, mà chỉ có thể gọi chung là mạng di động.

Tôi là một người dùng thuê bao di động của mạng Viettel. Trước đây tôi dùng trả trước nhưng 2 năm nay tôi chuyển sang trả sau. Từ khi chuyển sang trả sau thì nói thật là tôi thấy thiệt thòi hơn rất nhiều so với hồi dùng thuê bao trả trước. Chẳng mấy khi có khuyến mại, chẳng mấy khi có ưu đãi như trước đây. Tôi muốn hỏi Thứ trưởng là nếu bây giờ mà các mạng chuyển sang 3G - một công nghệ mà tôi hiểu đại khái là nó hiện đại hơn công nghệ hiện có - thì liệu có tình trạng các nhà mạng “có mới nới cũ” và bỏ quên các thuê bao dùng công nghệ cũ hay không? Nếu có thì theo thứ trưởng là sẽ phải xử lý như thế nào? Tôi xin cảm ơn”. (Thái Bình, quận Tân Bình, Tp.HCM)

Đúng là hiện nay khi triển khai các gói cước dịch vụ khác nhau, các doanh nghiệp có những chiến sách phát triển của mình, có thể nhiều mặt không quan tâm đến lợi ích khách hàng. Trong thời gian tới khi triển khai dịch vụ 3G, tuy giữa 3G và 2G có mối quan hệ khăng khít với nhau, nhưng sẽ không phân ra đâu là khách hàng 2G hay khách hàng 3G, chỉ có các gói cước là khác nhau thôi, và các gói cước đều mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Đứng ở góc độ kinh doanh mà nói thì khách hàng chính là người trả lương cho doanh nghiệp. Thế nên tôi tin tưởng và hy vọng rằng các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến tất cả các gói cước dịch vụ.

Trong một phát biểu của mình, một lãnh đạo cao cấp của một tập đoàn chuyên cung cấp giải pháp và thiết bị 3G có nói: “Băng rộng di động có ảnh hưởng tích cực tới GDP của một quốc gia, cũng như ảnh hưởng tới công ăn việc làm, cuộc sống và xã hội”. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này? Và có thể nói rõ hơn? (Đào Anh Chiến, sinh viên tài chính, Đại học Dân lập Thăng Long).

Tôi hoàn toàn nhất trí với bạn. Đúng là hệ thống này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, chứ không chỉ cho ngành di động nói riêng. Bởi nhờ hệ thống băng rộng này mà thông tin được truyền tải tốt nhất, rộng nhất trong xã hội, các ứng dụng công nghệ điện tử sẽ mang lại nhanh lợi ích cho nền kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên khi Tổng thống Mỹ Obama nói sẽ bảo đảm toàn nước Mỹ phủ rộng băng thông rộng. Mới đây, một tổng kết từ 1980 -2006 tổng kết: Nếu băng thông rộng tăng lên 10% thì GDP trên đầu người ở các nước phát triển tăng 28%... Qua báo cáo của ngân hàng thế giới cũng cho thấy tầm quan trọng của băng thông rộng.

Hay một giáo sư của Ngân hàng Thế giới cũng nói: Riêng việc cấp phép 3G tại Trung Quốc trong 2009 tạo ra lượng giá trị tương đương 3.000 việc làm. Vì thế, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam không nằm ngoài sự phát triển này.