16:25 14/05/2009

3G và “sức bật” của công nghiệp nội dung số

Mạnh Chung

“Mảnh đất" 3G sẽ tạo sức bật cho ngành công nghiệp nội dung số, liệu ngành công nghiệp này có thể "cất cánh"

Công nghệ 3G sẽ là "sức bật" của ngành công nghiệp nội dung số?
Công nghệ 3G sẽ là "sức bật" của ngành công nghiệp nội dung số?
Công nghệ 3G được coi là “mảnh đất màu mỡ” để tạo sức bật cho ngành công nghiệp nội dung số.

Nhất là khi thời điểm cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ 3G theo cam kết của các nhà mạng di động đang ngày càng đến gần. Dự tính, trong quý 3 tới, một số dịch vụ 3G đầu tiên sẽ được cung cấp ra thị trường.

“Mảnh đất vàng” cho nhà cung cấp nội dung số

Hiện công nghệ 2G - hạ tầng băng hẹp đang sử dụng chỉ có thể truyền tải được các nội dung dịch vụ giải trí ở mức độ “đơn sơ” như nhạc chuông, logo - hình nền, tin nhắn hình, nhắn tin trúng thưởng hay xổ số trên di động…

Nhưng trên nền công nghệ 3G sẽ cho phép truyền tải các dịch vụ nội dung như: thoại video, kết nối Internet, xem phim trực tuyến, thực hiện giao dịch thanh toán qua mạng..., với tốc độ doawload lên tới hàng chục MB/giây. Vì thế, 3G đang từng ngày trở thành “mảnh đất vàng” cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông VMG (đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ nội dung) phân tích, 3G chính là mobile Internet. Khi chuyển từ 2G sang 3G, tất cả các dịch vụ, tiện ích và nội dung sẽ được cung cấp trên mobile Internet.

Vì thế công nghệ 3G được đánh giá là cơ hội xã hội hóa nội dung thông tin. “Mảnh đất vàng” 3G không chỉ dành cho cả các nhà mạng viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ nội dung, hạ tầng, thiết bị đầu cuối; còn cho cả những các nhà cung cấp khổng lồ như Nokia, Apple, Google… và mọi người đều có thể tham gia vào phát triển nội dung trên di động.

Như nhìn thấy trước “mảnh đất vàng” nên nhiều nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP - content provider) cho biết đã lên kế hoạch chuẩn bị từ năm 2008, đón chờ và sẵn sàng cung cấp dịch vụ nội dung khi các nhà mạng triển khai 3G. Một đại diện của Công ty Cổ phần Truyền thông GAPIT nói, từ giữa năm 2008, GAPIT đã thành lập riêng một bộ phận nghiên cứu về công nghệ 3G và những sản phẩm dịch vụ gia tăng để cung cấp ra thị trường.

Cụ thể, “mảnh đất vàng” sẽ được GAPIT và nhiều nhà cung cấp nội dung số khai phá đầu tiên và cung cấp ra thị trường là video calling, xem truyền hình trực tiếp hoặc truyền hình theo yêu cầu trên di động, kết nối nghe nhạc và đàm thoại truyền hình qua Internet trên điện thoại di động, games trực tuyến trên di động…; sau đó mới tiến tới cung cấp tính năng thương mại điện tử trên di động.

Mặc dù đến thời điểm này mới chỉ có 137 CP với khoảng 4.600 nhân viên. Năm 2008, tổng doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung đạt khoảng 2500 tỷ, sau khi chia chác với các doanh nghiệp di động còn lại khoảng 1500 tỷ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, ngay trên nền băng hẹp, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp nội dung số đã là 35- 40%/ năm nên khi phát triển trên nền băng rộng 3G, tốc độ của ngành công nghiệp này sẽ còn cao hơn nữa, có thể đạt trên 50% ngay trong năm 2009 và năm 2010. “Chắc chắn số doanh nghiệp và số lao động hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung số sẽ còn tăng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển dịch vụ nội dung trên công nghệ 2G”, ông Thắng nhận định.

Bởi theo ông, đơn cử như với kế hoạch kinh doanh của hai doanh nghiệp VinaPhone và MobiFone của VNPT và Viettel trong năm tới, với doanh thu dự định khoảng 120 nghìn tỷ, phần di động chiếm 70 - 80%, thì ngành nội dung chỉ cần chiếm 10% trong số đó cũng đã là tăng trưởng rất lớn.

Cơ chế “ăn - chia”

Tại các buổi tọa đàm về 3G lâu nay, các chuyên gia đều nhận định, việc 3G có phát triển thành công hay không phụ thuộc quan trọng vào việc phát triển các dịch vụ nội dung số. Điều đó có nghĩa vai trò của doanh nghiệp nội dung số có ý nghĩa quyết định đối với tiềm năng phát triển công nghệ 3G.

Mặt khác, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, khi phát triển hạ tầng băng rộng 3G sẽ tạo ra cơ chế “đẩy- kéo”, kéo những ứng công nghiệp dụng nội dung trên và ngành công nghệ thông tin nói chung phát triển theo.

Nhưng, cơ chế “ăn - chia” mà các doanh nghiệp viễn thông, thông tin di động đã áp dụng đối với các CP trước đây, khiến “mảnh đất vàng” trở thành có “gai” và vẫn còn là nỗi lo của các CP.

Sẽ nhiều CP chưa quên, với chính sách chia sẻ chi phí khuyến mại của các nhà mạng MobiFone và Viettel áp dụng đã “buộc” các CP phải chi trả cho khoản chi phí khuyến mại của nhà mạng còn cao hơn cả phần doanh thu mà các CP được hưởng, khiến không ít các CP đạt mức lợi nhuận âm, thậm chí âm rất nặng nếu xét theo từng loại thuê bao khuyến mại của nhà mạng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, đại diện cho Câu lạc bộ các CP trên toàn quốc chia sẻ rằng, có rất nhiều tiềm năng để lĩnh vực nội dung số phát triển nhưng đã “không thể phát triển được” do một trong những nguyên nhân lớn nhất là cơ chế chia sẻ doanh thu của các nhà mạng di động rất thấp khiến nhiều CP không dám đầu tư phát triển hạ tầng và các dịch vụ nội dung. Chính vì thế, theo thống kế của  Câu lạc bộ các CP trên toàn quốc, trong tổng số 137 các CP đang hoạt động thì chỉ có khoảng 50 CP là hoạt động có hiệu quả.

Theo ông Hà, nếu các nhà mạng triển khai 3G không có cơ chế ăn chia rõ ràng, hấp dẫn thì sẽ khó mà khuyến khích và thu hút được các nhà cung cấp nội dung tham gia đẩy mạnh phát triển.

Ở một góc độ khác, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin Bưu điện (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) cũng phân tích lâu nay công nghiệp và kinh doanh nội dung số chưa phát triển và đang phát triển là vì các doanh nghiệp nội dung thấy hiệu quả phát triển và lợi nhuận không đáng bao nhiêu nên không dám dồn công sức vào làm.

Tất nhiên, “nước nổi thì bèo trôi” nhưng, “nếu doanh nghiệp triển khai 3G không có các chính sách kinh tế phù hợp, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ nội dung thì sẽ khó kéo được ngành công nghiệp nội dung số, và tác động ngược trở lại, kéo công nghệ 3G phát triển thành công”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng khẳng định.