Chuyên gia: “Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là rất khó khăn”
Sáng nay, Tổng cục Thống kê đã công bố tình hình kinh tế vĩ mô quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021, trong đó cho biết, với mức tăng 6,61% trong quý 2/2021, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,64%, thấp hơn so với mức dự báo 5,8%.
Đánh giá về con số này tại toạ đàm "Kinh tế Vĩ mô và Thị trường chứng khoán" sáng 29/6, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng con số này thấp hơn với dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng khớp với dự báo của nhóm nghiên cứu BIDV khoảng 5,5% cho 6 tháng đầu năm và không đạt kế hoạch như Nghị quyết 01 của Chính phủ đề ra mong muốn quý 1 tăng trưởng khoảng 5,12%, quý 2 là 7,11%.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn đáng khích lệ vì 6 tháng đầu năm 2021 dịch bệnh nặng hơn năm ngoái dù đã điều chỉnh chiến lược kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Theo ông Lực, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ sở 6,1 - 6,3% thấp hơn dự báo World Bank và ADB dành cho Việt Nam. "Các tổ chức vẫn dự báo lạc quan Việt Nam tăng trưởng 7% nhưng các đợt dịch qua tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực khác nhau, khả năng đạt được tăng trưởng 6,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra là cực kỳ khó khăn, cố gắng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6% là thành công rồi”, ông Lực nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Cũng giống như nền kinh tế thế giới là khan hiếm nguồn cung, nguyên liệu, sản phẩm, con chip…
Thứ hai, logistics, năng lực vận tải, hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng được quá trình phục hồi kinh tế. Giá cả đang có xu hướng tăng. Đối với Việt Nam dịch Covid 19 còn ảnh hưởng đến trung tâm sản xuất VIệt Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, nguy cơ vẫn còn hiện hữu ở TP.HCM, Bình Dương và thậm chí là Đồng Nai. “Khả năng đạt được mục tiêu 6,5% khó khăn hơn rất nhiều tuy nhiên quá trình phục hồi vẫn đang tiếp tục và chúng ta hi vọng vào những điều tốt hơn xảy ra”, ông Thành nhấn mạnh.
Nói thêm về mối quan hệ tăng trưởng kinh tế với thị trường chứng khoán, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, đây là mối quan hệ mật thiết. Lâu nay, thị trường chứng khoán vẫn là hàn thử biểu của nền kinh tế, nhà đầu tư đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên sàn và đưa ra mức giá tương ứng cho cổ phiếu. Giá chứng khoán thường đi trước tăng trưởng kinh tế 4-5 tháng.
Thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng, 10 năm qua, vào năm 2015, kênh chứng khoán đóng góp 13-14% tổng lượng đầu tư toàn xã hội còn hiện nay vốn từ chứng khoán chiếm khoảng 20% tổng lượng vốn đầu tư.
Chứng khoán cũng là kênh đầu tư quan trọng cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh nhiều lĩnh vực gặp khó, kênh chứng khoán hấp dẫn.
“Về mối quan hệ giữa lạm phát và thị trường chứng khoán, theo một nghiên cứu nếu như lạm phát ở Mỹ bình quân ở mức 1-3% là tuyệt vời nhất cho chỉ số P/E trên thị trường chứng khoán. Ví dụ, thời kỳ lạm phát 1-3% hệ số P/E là 18x. Lạm phát từ 5-8% thì P/E 10-12x. Lạm phát tăng cao tiêu cực đối với triển vọng chứng khoán”, ông Lực nhấn mạnh và cho biết, lạm phát theo nhóm BIDV dự báo 6 tháng cuối năm bình quân tăng 1,8% - 2%, đây là mức tăng tương đối mạnh.