Doanh nghiệp bán lẻ “gồng mình” bình ổn giá

Tuệ Mỹ
Chưa có năm nào mà giá hàng hóa lại liên tục tăng trong quý 1. Theo thông lệ hàng năm, giai đoạn sau Tết, sức mua yếu, các doanh nghiệp thường giảm giá để kích cầu. Năm nay thì ngược lại...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá xăng dầu tăng trong thời gian vừa qua đã gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp phân phối. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất chính là ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Do vậy, đa số các doanh nghiệp đều đang nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn, giúp người tiêu dùng có thể mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể.

NỖ LỰC “KÌM GIÁ” VÌ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Khảo sát của phóng viên với 9 loại mặt hàng thiết yếu trên thị trường cho thấy, ngoại trừ giá thịt heo giảm, giá gạo tăng nhẹ, còn lại đều tăng mạnh trên hai chữ số so với một năm trước đây. Lãnh đạo một doanh nghiệp về ngành hàng tiêu dùng ở TP.HCM cho biết buộc phải điều chỉnh giá bán sỉ và lẻ bởi chi phí nhân công tăng cao, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào quý 1 tiếp tục tăng 20% so với đầu năm và tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện VinCommerce (đơn vị quản lý, vận hành chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+) cho biết, thị trường tiêu dùng đang có xu hướng bước vào mặt bằng giá mới khi nhiều nhà cung cấp, nhà kinh doanh điều chỉnh tăng giá do tác động bởi giá xăng dầu tăng cao. “Chúng tôi cũng đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá của rất nhiều nhà cung cấp. Tuy nhiên, WinCommerce chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm nhu yếu phẩm phục vụ người tiêu dùng”, đại diện VinCommerce nói.

Tương tự, ông Bùi Trung Chính, Giám đốc Khối Thu mua ngành hàng thực phẩm của AEON Việt Nam, cho biết doanh nghiệp này đã nhận được đề xuất từ khoảng 5% nhà cung cấp mong muốn tăng giá với mức tăng trung bình từ 5 - 10%. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để giữ nguyên mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng”, ông Bùi Trung Chính cho biết.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cho biết cùng với việc giá xăng dầu và gas tăng, dịch Covid-19 cũng khiến chuỗi cung hàng hóa bị gián đoạn, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng theo do khan hàng. “Giá đường cát, bơ, bột và ngay cả hương liệu làm bánh cũng tăng… Cái khó của các doanh nghiệp là sức mua không tăng nên phải cân đối mức tăng giá, nếu không việc tiêu thụ càng chậm hơn”, vị này cho biết.

Đa số các doanh nghiệp chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm nhu yếu phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Đa số các doanh nghiệp chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm nhu yếu phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), chia sẻ, từ cuối quý 4/2021, Vissan đã dự báo thời gian quý 1/2022 sẽ có biến động giá nguyên liệu là tăng 10 - 30% tùy mặt hàng. “Nhưng lúc ấy, chúng tôi chưa tính toán đến chuyện giá xăng tăng mạnh và liên tục như hiện nay. Với tình hình này, doanh nghiệp chỉ có thể gồng mình chịu đựng chứ chưa thể tăng giá bán vì sức mua hiện quá thấp”, ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, nói: “Khoảng 2 tuần trở lại đây, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 40%. Hiện doanh nghiệp chúng tôi đang rất vất vả để kìm giữ giá bán ra, vì vẫn đang tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng ngồi lại cùng các doanh nghiệp sản xuất lẫn bán lẻ để chia sẻ giải pháp giảm chi phí bán hàng, nhằm hạn chế tác động thấp nhất của giá xăng dầu lên giá sản phẩm”.

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG?

Tại cuộc họp báo định kỳ của TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thành phố có chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp tham gia đã cam kết sẽ không tăng giá đến cuối tháng 3 này. “Các doanh nghiệp bán lẻ hiện đã nhận được nhiều đề xuất điều chỉnh tăng giá của các nhà cung cấp. Tuy nhiên, đến nay gần như chưa có đề nghị nào được hệ thống phân phối xem xét điều chỉnh. Các hệ thống phân phối đang rà soát, kiểm tra, tính toán các yếu tố đầu vào, các đề xuất và nếu có cơ sở, hợp lý thì mới xem xét điều chỉnh”, ông Phương nêu rõ. 

 
Mặc dù đánh giá sức mua trên thị trường duy trì ở mức thấp trong thời gian qua thì việc điều chỉnh giá hàng hóa tăng là bất lợi, nhưng trước tình hình "căng thẳng" nguồn nguyên vật liệu đầu vào thì doanh nghiệp bắt buộc phải vận hành theo cơ chế thị trường.

Trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, Sở Công Thương đã vận động các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối ký hợp đồng với các nhà cung cấp với thời lượng hợp đồng dài hạn để bình ổn giá thường xuyên. Như vậy, sẽ giảm sự tác động của biến động giá xăng dầu, cố gắng giữ được giá thành ổn định nhất. Hiện tại, các hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực làm việc đó. 

Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp sản xuất, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, giá thành nguyên vật liệu tăng, nên chắc chắn thời gian tới, các nhà cung cấp sẽ tiếp tục tăng giá bán của sản phẩm. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm TP.HCM, cho biết trong tình hình này, các doanh nghiệp sản xuất đang tìm cách giảm chi phí vận chuyển bằng cách phối hợp với nhà phân phối cung ứng hàng hợp lý nhất. Trước đây một đơn hàng lớn có thể đi 2 - 3 chuyến xe, nhưng giờ doanh nghiệp cố gắng dồn vào một chuyến, thậm chí là một chuyến xe sẽ đến với nhiều nhà phân phối.

Để giá thành sản phẩm không tăng quá cao, các doanh nghiệp sản xuất mong muốn nhà phân phối cùng chia sẻ khó khăn và Chính phủ có giải pháp đối với giá xăng dầu. “Chính phủ cần đứng ra chỉ đạo Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu tốt nhất, ví dụ như xuất Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như thế nào, tăng giá thì nên cập nhật bao nhiêu ngày một lần để ít nhất có khoảng thời gian cố định cho doanh nghiệp ổn định sản xuất. Tôi nghĩ lúc này lượng xăng dầu dự trữ nên được sử dụng”, bà Chi kiến nghị.

Doanh nghiệp phải linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian, qua đó giữ bình ổn giá bán sản phẩm.
Doanh nghiệp phải linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian, qua đó giữ bình ổn giá bán sản phẩm.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, mặc dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định, do hầu hết đều đã có những ràng buộc hợp đồng từ trước.

Dự kiến đầu quý 2/2022, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao, các siêu thị sẽ nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và buộc phải tăng giá từ 5 - 7%. Nhưng nếu tăng giá quá cao thì sẽ không tiêu thụ được sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp phải linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian, qua đó giữ bình ổn giá bán sản phẩm.

“Các ngành chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá, bảo đảm kiểm soát thị trường, trong đó, cần tổ chức những điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là tại khu công nghiệp, khu dân cư đông người. Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần cân đối giảm thuế, phí để kéo giá xăng dầu xuống, với những biện pháp như vậy thì may ra mới bình ổn thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng hóa tăng giá”, ông Vũ Vinh Phú kiến nghị.

Tin mới

Tái chế lốp xe: Xu hướng xanh hoá ngành ô tô toàn cầu

Tái chế lốp xe: Xu hướng xanh hoá ngành ô tô toàn cầu

Tái chế lốp xe thời gian gần đây đã nổi lên như một giải pháp thay thế tiết kiệm năng lượng hơn cho sản xuất lốp xe truyền thống, nơi nguyên liệu thô được chiết xuất, chế biến và định hình thành lốp xe mới.
VinFast miễn phí sạc thêm 2 năm: Các đối thủ ngoại đối mặt thêm nhiều khó khăn

VinFast miễn phí sạc thêm 2 năm: Các đối thủ ngoại đối mặt thêm nhiều khó khăn

VinFast vừa công bố áp dụng chính sách miễn phí sạc pin cho tất cả khách hàng cá nhân đã và sẽ mua xe tới hết ngày 30/06/2027. Với “0 đồng nhiên liệu” trong vòng hơn 2 năm tới, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm nhiều động lực để chuyển đổi sang xe điện, góp phần kiến tạo môi trường xanh bền vững. “Nước cờ” mới này của VinFast cũng sẽ khiến các đối thủ ngoại đứng ngồi không yên.
Top 10 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn thế giới 2024

Top 10 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn thế giới 2024

Trong danh sách top 10 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới do Forbes công bố, đó là những người tiên phong trong lĩnh vực xe điện đến các nhà sản xuất xe thể thao hạng sang, những công ty này đại diện cho hình mẫu của sự đổi mới, hiệu suất và sự xuất sắc trong thế giới ô tô.
“Gã khổng lồ” Geely sắp vào Việt Nam vượt mốc doanh số 3 triệu xe toàn cầu trong năm 2024

“Gã khổng lồ” Geely sắp vào Việt Nam vượt mốc doanh số 3 triệu xe toàn cầu trong năm 2024

Zhejiang Geely Holding (Tập đoàn Geely) vừa công bố báo cáo doanh số toàn cầu 11 tháng đầu năm 2024, trong đó tổng doanh số lũy kế của các hãng xe thuộc Tập đoàn này đã chính thức vượt mốc 3 triệu xe, tăng trưởng tới 20.7% so với cùng kỳ năm trước. Với thành tích này, Geely giữ vị thế nằm trong Top 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu trên thế giới.