08:52 14/03/2022

Cho F1 đi làm: Gỡ khó cho doanh nghiệp

Lưu Hà

F0, F1 có thể đi làm là một trong những đề xuất của Bộ Y tế chuẩn bị cho việc tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Với doanh nghiệp sản xuất, việc này có thể phần nào giảm bớt áp lực về nhân sự, nhưng thực tế triển khai cũng có những điểm cần lưu ý...

Bộ Y tế vừa có đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể theo hình thức trực tuyến, có thể chăm sóc người bệnh Covid-19 tại gia đình, cơ sở điều trị. Đồng thời, F1 được chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm (thay vì cách ly tại nhà 5 ngày), tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến. Người F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến; nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.

GIÚP GIẢM ÁP LỰC NHÂN SỰ

Ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản xin ý kiến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 về việc cho F1 có thể làm việc trực tiếp hoặc trực tuyến, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cũng đã có kiến nghị về nội dung này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, đề xuất này đã và đang tiếp tục nhận được sự đồng thuận cao của giới chuyên môn và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, công nhân là F1, nếu test âm tính vẫn có thể đến nhà máy làm việc là hợp lý. Vì nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần 1 công nhân ở nhà trọ là F0, có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1. Đồng thời, nếu 1 công nhân được xác định là F0 tại nhà máy, có nguy cơ các công nhân của tổ sản xuất đó hoặc chuyền sản xuất đó bị quy vào diện F1. Nhà máy không có công nhân đi làm trong khi các doanh nghiệp hiện nay thiếu lao động rất trầm trọng.

Từ đó, HBA kiến nghị khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2m. Các F1 này có sự giám sát của quản lý nhà máy. Đến ngày thứ 5, nếu xét nghiệm vẫn âm tính, công nhân đó được hòa nhập lao động trở lại.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Tổ chức Công ty Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho biết, từ sau Tết đến nay, công ty đã trở lại hoạt động, tình trạng công nhân mắc Covid-19 vì biến chủng mới Omicron có chiều hướng tăng. Hàng tuần, công ty đều test nhanh cho hơn 1.000 người để phát hiện các trường hợp F0 sớm nhất có thể. Ông Hùng kiến nghị: “Nếu một người F0, tất cả người xung quanh đều là F1 phải cách ly thì doanh nghiệp lấy đâu ra người làm việc? Theo tôi, nên bố trí cho F1 làm việc bình thường nhưng được theo dõi sức khỏe thường xuyên và có biện pháp phòng dịch Covid-19 khi làm việc ở xưởng”.

Số F0 trong các nhà máy, doanh nghiệp là khá lớn, nếu người lao động nghỉ nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.
Số F0 trong các nhà máy, doanh nghiệp là khá lớn, nếu người lao động nghỉ nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

Tại phía Bắc, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, cho biết, F1 tại tỉnh này hiện vẫn phải nghỉ làm 5 ngày và chỉ đi làm khi có xét nghiệm âm tính. Đồng tình với phương án người F1 đi làm bình thường, ông Phúc cho rằng bản thân công nhân F1, người khỏi bệnh cũng rất mong muốn đi làm vì nếu nghỉ thì chỉ hưởng 70% lương, đời sống rất khó khăn. “Tỉnh sắp hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vaccine cho công nhân nên phương án F1 đi làm có thể được xem xét,” ông Phúc cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết, ngành lao động thành phố ủng hộ đề xuất F1 đi làm. “Sự thiếu hụt lao động tại Hà Nội không nóng như các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, số F0 trong các nhà máy, doanh nghiệp là khá lớn, nếu người lao động nghỉ nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. F1 xét nghiệm âm tính thì nên cho đi làm với phương án phù hợp,” ông Dân bày tỏ. Theo ông Dân, cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra chủ trương chung, còn doanh nghiệp sẽ căn cứ quy mô, phương án sản xuất để có quyết định cụ thể cho từng nhà máy, phân xưởng.

CÂN NHẮC THẬN TRỌNG TỪ NHIỀU PHÍA

Hiện nay tại một số địa phương, F1 vẫn phải nghỉ làm 5 ngày và chỉ đi làm khi có xét nghiệm âm tính. Đồng tình với phương án người F1 đi làm bình thường, nhiều doanh nghiệp cho biết đề xuất từ Bộ Y tế sẽ tạo sự đồng nhất ở các địa phương. Tuy nhiên, với phương án F1 đi làm khu riêng, xưởng riêng, theo đại diện nhiều doanh nghiệp là không khả thi, bởi đặc thù của một số ngành sản xuất là làm theo dây chuyền, không phải ai cũng có tay nghề giống nhau, chuyên môn khác biệt. Đó là chưa kể có nhiều công việc cần thực hiện với máy móc rất nặng, không thể di chuyển.

 
Phương án hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho F1 đi làm tại doanh nghiệp cũng nên cân nhắc từ nhiều phía. Trường hợp tăng quyền lợi cho người lao động cũng cần cân nhắc tùy theo điều kiện mỗi doanh nghiệp, theo thực tế nhu cầu của cả doanh nghiệp lẫn người lao động.

Đại diện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Nếu F1 đi làm thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể hỗ trợ chi phí xét nghiệm vào các ngày 3, 5, 7 để đảm bảo an toàn, quản lý chặt chẽ, sắp xếp khu vực ăn uống riêng biệt”. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ khó có thể sắp xếp khu vực làm việc riêng cho các công nhân F1, bởi lẽ PouYuen sản xuất theo dây chuyền liên tục từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Do vậy, giải pháp phù hợp nhất với doanh nghiệp này hiện nay vẫn là F0 tự cách ly và F1 đi làm với sự quản chế chặt chẽ.

Trong khi đó, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho rằng “cần có hỗ trợ của bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian họ bị F0, F1 mà tình nguyện làm việc. Còn đối với chi phí hỗ trợ thêm của doanh nghiệp, cũng cần có, nhưng tùy theo khả năng của từng doanh nghiệp nhằm động viên, chia sẻ và tri ân họ”. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cũng nhận định phương án hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho F1 đi làm tại doanh nghiệp cũng nên cân nhắc từ nhiều phía. Trường hợp tăng quyền lợi cho người lao động cũng cần cân nhắc tùy theo điều kiện mỗi doanh nghiệp, theo thực tế nhu cầu của cả doanh nghiệp lẫn người lao động.

Dù được phép đi làm thì nhóm F1 vẫn cần tuân thủ 5K, xét nghiệm sau 5 - 7 ngày theo quy định của Bộ Y tế.
Dù được phép đi làm thì nhóm F1 vẫn cần tuân thủ 5K, xét nghiệm sau 5 - 7 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Mặc dù đề xuất cho F1 đi làm là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên gia y tế cũng khuyến cáo trong trường hợp đề xuất được chấp thuận thì việc tổ chức cho F1 làm việc trực tiếp trở lại do chính doanh nghiệp quyết định và phải có biện pháp linh hoạt. Chẳng hạn, với vùng dịch có số lượng F1 cao, doanh nghiệp có thể xem xét cho đi làm. Còn ở nơi ít ca nhiễm, bảo đảm nhân lực thì nên để F1 làm trực tuyến nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trường hợp cho F1 đi làm trực tiếp, ngoài việc tuân thủ 5K, họ phải xét nghiệm vào ngày thứ 5, không tiếp xúc với người nguy cơ cao (người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền...).

“Dù được phép đi làm thì nhóm F1 vẫn cần tuân thủ 5K, xét nghiệm sau 5 - 7 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, ý thức tự giác của F1 là rất quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng. Mọi người vẫn phải theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng cần xét nghiệm ngay và cần có những biện pháp điều trị, cách ly phù hợp,” PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khuyến cáo.