GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, thấp hơn dự báo

Anh Nhi
Với mức tăng 6,61% trong quý 2/2021, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,64%, thấp hơn so với mức dự báo 5,8% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trước đó…
Tốc độ tăng GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm qua các năm
Tốc độ tăng GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm qua các năm

Cụ thể, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, GDP quý 2/2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý 2 các năm 2018 và 2019.

Với mức tăng này, GDP 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,8% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi cuối tháng 5/2021. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4/2021 với những diễn biến phức tạp, khó lường đang đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

“Song kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2021”, bà Hương nhận định.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, thấp hơn dự báo - Ảnh 1

Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế chỉ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014-2021.

GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, thấp hơn dự báo - Ảnh 2

Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011-2021.

Bán buôn và bán lẻ vẫn là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với mức tăng 5,63% so với cùng kỳ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.

Tin mới

Tương lai của ngành xe điện sau khi ông Trump nhậm chức

Tương lai của ngành xe điện sau khi ông Trump nhậm chức

Các sắc lệnh hành pháp do ông Trump ban hành vào ngày nhậm chức thực chất là sự phủ nhận toàn diện đối với một trọng tâm trong chương trình trị giá hàng tỷ USD của cựu Tổng thống Biden nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mà đảng Cộng hòa coi là một chiến dịch cấm xe chạy bằng xăng.
Trung Quốc vừa kỳ vọng vừa lo lắng khi ông Trump trở lại Nhà Trắng

Trung Quốc vừa kỳ vọng vừa lo lắng khi ông Trump trở lại Nhà Trắng

Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump vừa mang theo hy vọng nhưng cũng là sự lo lắng với Trung Quốc với ngành công nghiệp ô tô nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Nguyên nhân là bởi một cuộc chiến thương mại gây tổn thương đã gây chia rẽ giữa các siêu cường kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Bức tranh xe điện toàn cầu và bước ngoặt năm 2025

Bức tranh xe điện toàn cầu và bước ngoặt năm 2025

Trong nhiều năm, chính phủ nhiều quốc gia đã đưa ra các khoản trợ cấp hào phóng để khuyến khích người lái xe chuyển sang sử dụng xe điện. Các nhà sản xuất ô tô bắt đầu tái thiết nhà máy và cung cấp nhiều loại xe điện hơn để đáp ứng nhu cầu. Khi giá giảm và công nghệ được cải thiện, xe không phát thải đã chuyển từ phân khúc xe nhỏ sang xe phổ thông và có vẻ như kỷ nguyên động cơ đốt trong có thể kết thúc sớm hơn dự kiến.
Top xe hybrid bán chạy nhất thị trường Việt 2024

Top xe hybrid bán chạy nhất thị trường Việt 2024

Theo số liệu Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ôtô hybrid tại Việt Nam trong năm 2024, Toyota là hãng xe bình dân có nhiều dòng xe hybrid nhất. Doanh số các mẫu xe hybrid của các thương hiệu là thành viên VAMA trong năm 2024 đạt khoảng 10.000 xe.