Gói phục hồi kinh tế nên chọn doanh nghiệp “đủ sức khỏe”, không “giải cứu” doanh nghiệp khó khăn
Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 7/1, đại biểu Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) quan tâm tới tác động hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp của chương trình.
Theo ông, với mục tiêu khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng của chương trình, vai trò của nhà nước là làm cho nguồn lực của xã hội được sử dụng có hiệu quả nhanh nhất. Do vậy, việc triển khai hỗ trợ của chương trình này cần có sự khác biệt với các hỗ trợ hiện có.
“Theo tôi hiểu, mục tiêu của chương trình là phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả chứ không phải là giải cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn”, ông Tân nêu ý kiến.
Theo đó, đại biểu đề xuất giải pháp Chính phủ lựa chọn tập trung nguồn lực cho những doanh nghiệp có đủ sức khỏe, có khả năng làm ra nhiều sản phẩm hoặc tạo ra nhiều việc làm mong muốn cho xã hội trong thời gian nhanh nhất.
“Để làm được việc này, cần lựa chọn doanh nghiệp có sức khỏe tốt, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp bật dậy bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm nhất. Từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP và ổn định cuộc sống cho người lao động, như vậy chương trình hỗ trợ sẽ có cơ hội thu hồi vốn cao nhất. Đồng thời, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp khỏe này sẽ kéo theo sự phục hồi dần của các doanh nghiệp khó khăn hơn”, đại biểu đoàn TP. Hải Phòng phân tích.
Làm rõ thêm về ý kiến này, ông Tân nhấn mạnh doanh nghiệp có sức khỏe tốt nhất không có nghĩa là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất hay to nhất mà những doanh nghiệp này có thể là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn là doanh nghiệp có các chỉ số sức khỏe lành mạnh. Ông kiến nghị các chỉ số sức khỏe này cần được Chính phủ nhanh chóng công bố và đưa ra công khai kèm theo các thủ tục xác định hỗ trợ rõ ràng, minh bạch và nhanh gọn.
“Với việc đáp ứng các chỉ số sức khỏe, các tiêu chí doanh nghiệp phải đạt được sau khi được hỗ trợ cũng cần đặt ra như: Tiêu chí về sản phẩm, ví dụ tỷ lệ tăng sản phẩm xuất khẩu sau 6 tháng là bao nhiêu; tiêu chí về việc làm, ví dụ tỷ lệ tăng việc làm sau 6 tháng được hỗ trợ là bao nhiêu...”, đại biểu đề xuất.
Ông cho rằng những tiêu chí này là thước đo đánh giá hiệu quả hỗ trợ, tạo thêm động lực để các doanh nghiệp theo đuổi chương trình hỗ trợ cũng như có trách nhiệm với sự phục hồi và phát triển chung của nền kinh tế.
Cũng quan tâm tới đối tượng thụ hưởng của chương trình, nhưng đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) lại cho rằng cân nhắc ưu tiên hơn nữa cho việc phục hồi mà kết quả cần đạt được là vực dậy các doanh nghiệp gặp khó khăn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng, tập trung hỗ trợ chuỗi sản xuất lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Đại biểu cho rằng đề xuất của Chính phủ đang có phần thiên lệch về mục tiêu phát triển hơn so với mục tiêu phục hồi.
"Nội dung về phát triển khó có thể gói gọn trong 2 năm và cũng khó giải ngân do phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng như sự chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm bám sát và cân bằng giữa hai mục tiêu phục hồi và phát triển", bà Nhung nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hoá) cho rằng chương trình cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ một số lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch như là lĩnh vực du lịch, lĩnh vực vận tải mà đặc biệt là vận tải hành khách, nhất là ngành hàng không hay là dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, việc làm.
Theo tờ trình của Chính phủ, gói chính sách hỗ trợ này có tổng giá trị gần 350.000 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 64.000 tỷ đồng cho giảm thuế, phí và lệ phí; khoảng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022 để giảm chi phí cho doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng.