Gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ: Cần cam kết đầu ra, chấp nhận rủi ro nhưng phải vững chắc
Sáng ngày 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đại biểu Quốc hội Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh chương trình này là hy vọng của người dân và tương lai doanh nghiệp vào tương lai tốt đẹp, nhưng cần có câu trả lời rõ ràng về kết quả sẽ thu được từ gói chính sách trị giá hơn 346.000 tỷ đồng này. Theo bà Mai, cần cụ thể hóa hơn nữa các nội dung trong chương trình này và cam kết “sản phẩm đầu ra”, cùng với đó ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn.
Một nguyên tắc quan trọng của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các Nghị quyết về phân bổ ngân sách của Quốc hội là đảm bảo nguồn lực, hiệu quả, kết quả đầu ra. Đây cũng là chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế và là yêu cầu bắt buộc trong phân bổ, chi tiêu ngân sách.
“Mục tiêu cốt yếu của gói phục hồi này là chấp nhận bội chi và đi vay để sau thời hạn nhất định thu hồi được kết quả lớn hơn. Vì thế, vấn đề cốt lõi mà đề án cần trả lời là với hơn 346.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ thu được kết quả gì?”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.
Đề án phải quy định rõ kết quả nguồn lực đầu vào và hiệu quả đầu ra, nhưng điều này chưa được cụ thể hóa trong dự thảo chương trình. “Dự thảo nghị quyết có nêu mục tiêu của đề án sẽ GDP tăng từ 6,5-7%, phục hồi sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, nhưng nêu khái quát như vậy thì khó có thể đánh giá được hiệu quả”, bà Mai đánh giá và đề xuất: “Đề án có thể có sản phẩm vô hình, có sản phẩm hữu hình nhưng đều có thể tính toán được. Vì thế cần đưa ra cam kết cụ thể. Nếu không có cam kết về kết quả thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả thực tế sau này”.
Nêu ý kiến về nguồn lực cho chương trình, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị bổ sung các tiêu chí và nguồn lực cụ thể. Bà cho rằng việc phân bổ nguồn lực là phải dựa trên nguyên tắc, tiêu trí và điều kiện ràng buộc. Do đó, dù là phân bổ trực tiếp hay gián tiếp cũng cần có nguyên tắc và tiêu chí cụ thể cho từng gói chính sách.
Về danh mục dự án, bà Mai đề nghị rà soát lại để chỉ nên tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng.
“Chúng ta chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời gian nhất định sẽ thu được kết quả lớn hơn, vậy bỏ ra 346.000 tỷ đồng thì thu được kết quả gì? Cần rõ kết quả đầu ra. Nhưng đối chiếu với dự thảo nghị quyết thì chưa được cụ thể”, bà Mai đặt vấn đề. “Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần có bước đi vững chắc. Không chịu tác động của bất kỳ xu thế quốc tế nào vì mỗi quốc gia có con đường đi riêng khác nhau. Cũng như không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng hay thành tích. Vấn đề cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả”.
Cũng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) quan tâm tới phương án huy động vốn, phân bổ nguồn lực và kiểm soát dòng tiền. Theo ông, để huy động vốn cho chương trình, nên vay trong nước là chủ yếu bởi vay nước ngoài có những điều kiện ràng buộc phức tạp.
Còn về việc phân bổ nguồn lực, đại biểu cho rằng cần có “trọng tâm, trọng điểm”, hỗ trợ cho các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề như du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn… Song song với kiến nghị triển khai chương trình thông thoáng để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng nhấn mạnh rằng cần kiểm soát chặt chẽ dòng tiền bởi sẽ rất nguy hiểm nếu nguồn lực từ chương trình không được dùng trong sản xuất, kinh doanh mà chảy vào bất động sản, chứng khoán.
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội ngày 4/1, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trình bày Tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350.000 tỷ đồng.
Về dự kiến tác động đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ Chương trình sẽ mang lại tác động tích cực, kích cầu tiêu dùng, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.
Theo tính toán của Chính phủ, với chương trình này, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng thêm 2,9 điểm phần trăm so với kịch bản không thực hiện chính sách và năm 2023 tăng thêm 0,2 điểm phần trăm.