Hà Nội: Khó xử lý dứt điểm vi phạm trên đường vành đai 3 trên cao?
Như thông tin đã đăng tải, từ ngày 20/9, lực lượng thuộc Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động trên tuyến cầu Thanh Trì – Vành đai 3.
Theo đó, lực lượng CSGT sẽ sử dụng thiết bị nghiệp vụ quay phim, ghi hình các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm các hành vi là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông như: Dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định, điều khiển phương tiện vào làn khẩn cấp, không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn… để làm căn cứ xử lý vi phạm.
Đây là động thái tích cực của Cục CSGT nhằm chấn chỉnh tình hình trật tự an toàn giao thông tại các tuyến cao tốc nói chung và đường Vành đai 3 nói riêng. Theo ghi nhận, những lỗi vi phạm thường gặp trên tuyến đường vành đai 3 trên cao bao gồm: Điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước; đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc…
Mới đây, một hình ảnh “hiếm thấy” và rất nguy hiểm đã được người dân ghi lại là cảnh một đoàn xe gồm hơn 10 chiếc đồng loạt lùi xe trên đường Vành đai 3 trên cao trong sự "ngỡ ngàng" của các phương tiện đi cùng chiều.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các lỗi vi phạm và mức xử phạt vi phạm trên đường cao tốc đã được quy định rất rõ tại Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cụ thể, hành vi đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với ôtô, tước Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX từ 2 - 4 tháng đối với hành vi dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc. Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước GPLX từ 5 - 7 tháng đối với hành vi đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc.
“Người dân khi tham gia giao thông có trách nhiệm đảm bảo, tuân thủ các quy định về biển báo, cảnh báo giao thông, tuân thủ tốc độ, làn đường, chỉ dẫn và hướng dẫn của cảnh sát giao thông. Điều này là hết sức cần thiết để đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông và đảm bảo các phương tiện được lưu thông bình thường. Qua nhiều vụ tai nạn thương tâm, có thể nhận thấy, nếu mỗi người đi đường tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, nêu cao ý thức tự giác thì hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra”, Luật sư Hùng cho biết thêm.
Theo số liệu của Cục CSGT, trong 8 tháng năm 2022, lực lượng chức năng đã xử phạt gần 1.100 trường hợp lái xe vào làn khẩn cấp trên các tuyến cao tốc, đường vành đai. Trong đó, có 367 xe khách, 194 xe tải, 603 ô tô con và 33 xe container vi phạm.
Tại Hà Nội, mật độ lưu thông phương tiện trên Vành đai 3 được đánh giá cao gấp khoảng 2,5 lần so với lưu lượng tiêu chuẩn. Đây là nguyên nhân khiến tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.
Cục CSGT cũng nhận định, song song với việc ra quân tuần tra, kiểm soát lưu động trên tuyến đường này, lực lượng chức năng cũng tăng cường xử lý vi phạm qua hệ thống camera “phạt nguội” trên tuyến.
Mặt khác, do đặc thù là tuyến đường cao tốc đô thị gồm nhiều loại phương tiện cùng lưu thông như xe con, xe tải, xe khách nên Hà Nội cần thực hiện phân luồng từ xa, quy định hạn chế một số loại phương tiện theo khung giờ để giảm tải ùn tắc.
Về lâu dài, Hà Nội cần đầu tư, hoàn thiện hệ thống đường vành đai, nhất là Vành đai 4, khu vực quận Hà Đông và các huyện vùng ngoại thành để giảm tải áp lực cho Vành đai 3.
Cục CSGT cũng đưa ra khuyến cáo với người tham giao thông trên tuyến đường Vành đai 3 cần phát huy tinh thần nâng cao văn hóa giao thông, nhường nhịn nhau khi đến các điểm giao cắt và tuân thủ theo chỉ huy điều khiển giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông để tránh xung đột gây ùn tắc.