Kỳ vọng ngành công nghiệp hỗ trợ với ngành ô tô, xe máy năm 2024
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Năm 2023, cả thị trường ô tô và xe máy Việt Nam bị sụt giảm mạnh. Trong đó, doanh số ô tô đạt 301.989 xe, giảm 25% so với năm 2022 (theo VAMA); xe máy đạt 2.516.212 xe, giảm 16,21% so với năm 2022 (theo VAMM). Tiêu thụ ô tô, xe máy giảm, dẫn đến các nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng, giảm lượng xe nhập khẩu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng đầu-cuối. Trong đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước đối mặt với tình trạng cắt giảm đơn hàng, thậm chí mất thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Đại diện THACO Industries cho biết, năm 2023, doanh thu từ sản xuất linh kiện ô tô của tập đoàn ước đạt gần 8.700 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022; doanh thu xuất khẩu đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75% so với năm 2022. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn còn “khá khẩm” hơn nhiều doanh nghiệp khác trong ngành. Theo đánh giá của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), suy giảm doanh thu bình quân của doanh nghiệp CNHT năm 2023 có thể lên tới 40%.
Ngoài nguyên nhân từ việc giảm nhu cầu linh kiện, phụ tùng, các doanh nghiệp CNHT trong nước đang chịu sức ép lớn từ các doanh nghiệp mới nổi. Các doanh nghiệp này chuyển dịch từ các khu công nghiệp ở Trung Quốc sang Việt Nam để tìm vận may. Họ có công nghệ và nguồn tài chính vững chắc nên có thể sản xuất quy mô lớn và nhanh chóng; kế tiếp là xây dựng mạng lưới các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết, để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số khác phát triển theo hướng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nội địa để cùng chia lợi nhuận.
Trong khi đó, theo nhận định của VASI, trong số hơn 214 doanh nghiệp CNHT chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam, năng lực cạnh tranh của phần lớn doanh nghiệp nội địa còn khá yếu. Cụ thể, để gia nhập chuỗi cung ứng linh kiện ô tô, các doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, độ an toàn và các yếu tố môi trường. Với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 cần phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu sản xuất như chất lượng, chi phí, giao hàng. Riêng nhà cung cấp cấp 1 cần thỏa mãn thêm yêu cầu về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, ngay cả khi đã đáp ứng đủ các tiêu chí kể trên, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư, hoặc chưa đạt trình độ để chuyển giao công nghệ, hoặc cả hai.
Ví dụ, với sản phẩm cụm phanh ô tô, doanh nghiệp nội địa cần số vốn khoảng 100 tỷ đồng, song lợi nhuận cũng chỉ đạt khoảng 5-10%. Nghĩa là, doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh thị phần phải có sẵn vốn, có khả năng sản xuất quy mô cực lớn và đảm bảo tiến độ thực hiện. Nếu thiếu vốn, phải vay từ ngân hàng với lãi suất thả nổi trên 10% thì đây là bài toán “nhìn đã thấy lỗ”. Tuy nhiên, một doanh nghiệp FDI có sẵn vốn và nguồn cung linh kiện, hoàn toàn có thể nhận không chỉ một mà là nhiều đơn hàng của các nhà sản xuất.
Các chuyên gia nhận định, năm 2024, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ tích cực hơn nhiều so với năm 2023. Làn sóng FDI đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay. Việc các doanh nghiệp FDI mới đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh, nhưng đồng thời nhu cầu về linh kiện, phụ tùng phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy cũng tăng theo, đồng nghĩa với cơ hội sẽ nhiều hơn.
Dư địa lớn của ngành cơ khí chế tạo
Cả Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đều chung nhận định, ngành cơ khí là xương sống của ngành công nghiệp nói chung và CNHT ô tô, xe máy nói riêng. Việt Nam có thể đi tắt đón đầu ở một số lĩnh vực. Trong đó, ngành cơ khí Việt Nam đang có thế mạnh ở 3 phân ngành chính bao gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô.
Hiện tại, các hãng xe máy như Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam đều đã đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 95%, làm chủ công nghệ và hướng đến xuất khẩu. Chỉ tính riêng Honda Việt Nam đã chiếm đến 83% thị phần xe máy trong nước. Nhờ tỷ lệ nội địa hóa cao, từ nhiều năm qua, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn xe sản xuất, lắp ráp trong nước vì chất lượng tương đương hàng nhập khẩu, thiết kế thời trang, hiện đại và giá cả hợp lý.
Đối với các loại xe tải, thiết bị đồng bộ, máy nông nghiệp, máy xây dựng, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt từ 15-40%, thậm chí lên đến 70% đối với một số dòng xe do THACO sản xuất. Tuy nhiên, đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa còn khá thấp (dưới 20%). Nhiều linh kiện quan trọng, hàm lượng giá trị cao vẫn phải nhập từ nước ngoài. Trong khi đó, những sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam hiện nay như sản xuất khuôn mẫu các loại thì có khá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và cạnh tranh lẫn nhau.
Điều này cho thấy, dư địa để ngành cơ khí ô tô phát triển còn rộng mở. Một trong những hướng đi được THACO Industries chọn lựa đó là tham gia chuỗi cung ứng linh kiện OEM trọn gói cho các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu, phục vụ các lĩnh vực ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng. Bằng việc hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp, hiệp hội VASI, VAMI, HAMEE trong nhiều năm qua, có thể coi THACO là "đầu tàu" của ngành CNHT ô tô trong nước và đang có nhiều đóng góp lớn nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, tập đoàn này còn xuất khẩu các linh kiện OEM như: Khung ghế, nhíp, cốp xe, thùng xe đến các thị trường trọng điểm như: Bắc Mỹ, Bắc Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia...
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Năm 2023 là một năm thành công trong hoạt động ngoại giao khi Việt Nam lần lượt tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khuôn khổ các chuyến thăm cấp nhà nước, hàng loạt văn kiện, biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các bên, thể hiện quan hệ bang giao bền chặt, hữu nghị. Trong đó, một số lĩnh vực đang được các doanh nghiệp quan tâm, xây dựng quan hệ hợp tác như: khai thác đất hiếm, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam...
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam đã thu hút 1.075 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,85 tỷ USD, chiếm 33,7% số dự án FDI đầu tư mới của cả nước. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy tiếp tục là bạn hàng tin cậy của các nhà đầu tư và nhà sản xuất nước ngoài.
Các chuyên gia dự báo, năm 2024, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng trong việc thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là FDI chất lượng cao. Cụ thể, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tập trung vào lĩnh vực cơ khí chính xác, công nghệ cao, điện tử, sản xuất chất bán dẫn và điện khí hóa.
Về phía các đối tác truyền thống, Toyota Việt Nam (TMV) vẫn là doanh nghiệp có nhiều đóng góp lớn nhất trong hoạt động hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp CNHT tại Việt Nam. Theo đó, năm 2023 là năm thứ tư liên tiếp, TMV đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô với mục tiêu nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô, qua đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Theo báo cáo, năm 2023, hoạt động xuất khẩu linh kiện, phụ tùng của Toyota đạt doanh thu gần 74 triệu USD, đóng góp hơn 873 triệu USD vào Ngân sách Nhà nước, doanh thu tích lũy đạt gần 864 triệu USD.
Bằng việc truyền tải triết lý kinh doanh đã được đúc kết hàng chục năm, các doanh nghiệp Việt tham gia chương trình đã ghi nhận kết quả rất khả quan như: giảm tồn kho và diện tích nhà xưởng, tối đa hóa chi phí, tăng năng suất, cải thiện môi trường làm việc của người lao động. Năm 2023, TMV đã hỗ trợ thêm 13 nhà cung cấp, nâng tổng số nhà cung cấp được hỗ trợ lên con số 17. Hiện tại, Toyota đang có 60 nhà cung cấp, trong đó có 13 nhà cung cấp Việt Nam với tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 1.000 sản phẩm các loại. Hầu hết các sản phẩm đều đáp ứng được tiêu chuẩn Toyota, nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu.