Nhiệt độ môi trường ảnh hưởng đến pin xe điện như thế nào?
Trong bảng thông số kỹ thuật, các nhà sản xuất xe điện đều tính toán chỉ số vận hành của từng sản phẩm theo từng điều kiện về địa hình, thói quen lái xe và nhiệt độ môi trường. Cụ thể, với phong cách lái xe thông thường của người dùng, nền nhiệt độ môi trường khoảng 200C, tốc độ di chuyển 60 km/h được xác định là tiêu chuẩn để đánh giá quãng đường di chuyển của xe điện có thể đạt được.
Một nghiên cứu của chuyên trang Efahrer.com cho thấy, nhiệt độ môi trường có tác động lớn đến phạm vi hoạt động của pin xe điện. Nhiệt độ lạnh làm chậm thời gian phản ứng của các hóa chất trong pin, đồng thời xe cũng phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để vận hành hệ thống sưởi giữ nhiệt độ cân bằng trong cabin, dẫn đến hao pin nhanh hơn.
Cụ thể, trong cùng một điều kiện vận hành, khi nền nhiệt độ xuống dưới 100C, quãng đường di chuyển của xe giảm từ 25-30%; khi nhiệt độ xuống dưới 00C, quãng đường di chuyển có thể giảm trên 50%. Ngược lại, khi nhiệt độ lên trên ngưỡng 400C vào mùa hè cũng khiến phạm vi di chuyển của xe điện giảm đến 50%.
Chị Minh Ngọc, một người dùng Audi Q3 e-tron tại Đức cho biết: “Số liệu này cũng chỉ mang tính chất tham khảo bởi điều kiện lái xe thực tế của mỗi người dùng sẽ khác nhau; ví dụ như đường bằng phẳng hay gồ ghề, lên dốc hay xuống dốc, tốc độ di chuyển, phong cách lái xe điềm đạm hay mạnh mẽ. Cá nhân tôi lái xe ở Đức cũng thấy rõ tình trạng hao pin nhanh chóng vào mùa đông khi nền nhiệt độ có thể xuống đến -100C hoặc -200C, khiến xe giảm hiệu suất khoảng 50%, thậm chí cao hơn nếu sử dụng nhiều tính năng sưởi trong xe”.
Trong khi đó, tại Việt Nam, người dùng mẫu xe điện VF e34 từng phàn nàn về lỗi giảm công suất khiến xe chạy “rùa bò” khi để dưới trời nắng quá lâu. Mặc dù việc cập nhật phần mềm mới sẽ giúp xe hoạt động tối ưu hơn, nhưng khó tránh khỏi phát sinh lỗi khi nhiệt độ chênh lệch quá lớn. Hiện chưa có ghi nhận nào của người dùng Việt về tình trạng lỗi xe khi di chuyển trong điều kiện lạnh giá. Một số ý kiến cho rằng, có thể do nền nhiệt độ tại Việt Nam không quá thấp như ở các vùng ôn đới, hệ thống đường sá tại những vùng lạnh giá nhất như Mẫu Sơn, Phia Oắc cũng chưa thực sự thuận lợi để tiến hành thử nghiệm, so sánh.
Mặc dù vậy, tin vui là thời tiết lạnh chỉ khiến hao pin nhanh hơn, khả năng ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin thấp và hiệu suất hoạt động của xe điện sẽ bình thường khi nhiệt độ ấm trở lại.
Trong khi đó, đối với xe chạy xăng, đặc biệt là xe máy dầu thì người dùng Việt khá chật vật ngay khi nhiệt độ xuống dưới 100C. Cụ thể, ở mức nhiệt từ 80-90C, dầu diesel bị kết tủa trên bề mặt bầu lọc dầu, che kín hết bề mặt lọc, làm giảm lượng nhiên liệu cấp cho buồng đốt, khiến xe khó nổ máy. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này kéo dài có thể gây “chết” ắc-quy và nhiều hỏng hóc khác. Tương tự, đối với xe chạy xăng cũng rất dễ rơi vào tình trạng khó đề nổ mỗi khi trời lạnh sâu.
Các tài xế chạy đường dài thường chia sẻ cho nhau một số mẹo nhỏ giúp xe dễ khởi động hơn trong mùa đông như: bật khóa điện nhiều lần để sấy nóng không khí; dội nước sôi từ từ vào khu vực bơm cao áp và bầu lọc nhiên liệu để tăng dần nhiệt độ nhiên liệu; hoặc trang bị thêm bộ phận làm ấm nhiên liệu cho xe…
Còn đối với xe điện, do mức ảnh hưởng không quá lớn nên người dùng có thể cân nhắc chọn mua mẫu xe điện có công suất, dung lượng pin phù hợp với nhu cầu, thời gian sạc nhanh chóng để đảm bảo chuyến hành trình không bị ngắt quãng.