Thị trường xe máy: “Ngoại” lặng sóng, “nội” dập dồn

Đức Thọ
Liên tiếp 5 tháng trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu xe máy chỉ dao động ở mức trên 5.000 chiếc và 7-8 triệu USD giá trị
“Sân chơi” của các nhà nhập khẩu hầu như chỉ còn là xe phân khối lớn và xe thể thao - Ảnh: Minh Nghi.
“Sân chơi” của các nhà nhập khẩu hầu như chỉ còn là xe phân khối lớn và xe thể thao - Ảnh: Minh Nghi.
Liên tiếp 5 tháng trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu xe máy chỉ dao động ở mức trên 5.000 chiếc và 7-8 triệu USD giá trị.

Sau khi vượt lên mức 5.400 chiếc và 7 triệu USD hồi tháng 6, kim ngạch nhập khẩu xe máy nguyên chiếc đã không còn sự đột biến. Tháng 9/2011, lượng xe máy nhập khẩu cũng chỉ dừng ở 5.000 chiếc, đạt giá trị kim ngạch 7 triệu USD.

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã đưa ra con số ước tính kim ngạch nhập khẩu xe máy tháng đầu tiên của quý 4 vẫn giữ nguyên lượng của tháng 9 trong khi tăng giá trị lên ngang bằng tháng 8 là 8 triệu USD.

Cộng dồn từ đầu năm đến hết tháng 10/2011, tổng kim ngạch nhập khẩu xe máy ước đạt 60.000 chiếc và 83 triệu USD, giảm 26,5% về lượng và 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự lặng sóng của kim ngạch nhập khẩu xe máy thời gian vừa qua, nhất là khi thị trường đã bắt đầu bước vào giai đoạn sôi động cuối năm mà chưa có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, dường như đang phản ánh khá rõ nét sức ép ngày càng lớn từ các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trong khi xe nhập khẩu “lình xình” thì các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam đã bước vào cuộc chạy đua sản phẩm từ khá sớm. Ngay từ tháng 9, hàng loạt mẫu xe mới đã liên tiếp được tung ra thị trường.

Khởi đầu là sự xuất hiện của Yamaha Nozza với kiểu dáng nữ tính. Nhưng chưa kịp “ấm chỗ”, Yamaha đã bị “người đồng hương” Honda gây sức ép với cái tên Vision. Chen chân ở một phân khúc, cả hai mẫu xe cùng có xuất xứ Nhật Bản lập tức tạo nên một cuộc cạnh tranh nóng bỏng, đặc biệt là về khả năng… “đội giá”.

Cuối tháng 9, đến lượt Suzuki tung ra sản phẩm chiến lược của mình là chiếc Hayate 125 SS. Mới đây nhất, Honda tiếp tục giới thiệu phiên bản sơn từ tính cho mẫu xe Air Blade. Dự kiến từ nay đến cuối năm, các liên doanh xe máy sẽ tiếp tục làm nóng thêm thị trường bằng một số mẫu xe mới.

Giới phân tích cho rằng, hiện tượng kim ngạch nhập khẩu xe máy không có gì đột biến trong khi xe lắp ráp trong nước liên tục “nóng” đang chứng minh xu hướng phát triển của không chỉ thị trường mà còn của ngành công nghiệp xe máy.

Nếu như xe nhập khẩu đang dần thu gọn về phân khúc hạng sang và môtô phân khối lớn thì các phân khúc còn lại đang dần bị các liên doanh thâu tóm. Thậm chí nhóm xe hạng sang cũng không còn là “miếng bánh béo bở” của riêng các nhà nhập khẩu khi cả Honda lẫn Piaggio đều tham gia lắp ráp trong nước. “Sân chơi” của các nhà nhập khẩu hầu như chỉ còn là xe phân khối lớn và xe thể thao.

Mặt khác, sự phát triển của xe máy “nội” cũng được xem là xu thế tất yếu khi xét trên khía cạnh năng lực sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo các hãng xe máy hiện đang tham gia vào nhiều phân khúc trên thế giới thì việc sản xuất xe sang, xe thể thao tại Việt Nam là rất khó. Trong khi đó, nhu cầu về các loại xe số thông thường và xe tay ga khác còn rất lớn.

Điểm đáng mừng là tỷ lệ nội địa hóa của các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang tăng nhanh và ở mức cao. Hiện hầu hết các loại xe máy trong nước đều đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên mức 50%, một số dòng xe của Honda Việt Nam như Vision, Wave hay Super Dream thậm chí đã vượt mức 80%.

Kim ngạch nhập khẩu xe máy nguyên chiếc 4 tháng gần đây

Lượng (chiếc) Giá trị (triệu USD)
Tháng 7/20115.7007
Tháng 8/20115.9008
Tháng 9/20115.0007
Tháng 10/2011 (ước tính)5.0008
Cộng dồn 10 tháng 2011 (ước tính)60.00083
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tin mới

BMW đặt cược vào thiết kế và tái chế để giảm chi phí pin xe điện

BMW đặt cược vào thiết kế và tái chế để giảm chi phí pin xe điện

Giám đốc tài chính Nicolas Peter cho biết BMW đang đặt cược vào vấn đề thiết kế và tái chế hiệu quả để giảm chi phí pin và tránh đầu tư vào khai thác mỏ. Điều này khiến nhà sản xuất ô tô của Đức khác biệt với một số đối thủ hiện đang đào sâu vào chuỗi cung ứng.
THACO INDUSTRIES phát triển cơ khí chế tạo, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

THACO INDUSTRIES phát triển cơ khí chế tạo, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Xác định tính tự chủ của một nền công nghiệp là từ công nghiệp hỗ trợ cùng với đó là cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng về gia công, chủ yếu là gia công cơ khí, THACO INDUSTRIES đã tiên phong đầu tư phát triển cơ khí chế tạo công nghệ cao, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các đối tác nhằm nâng cao năng lực gia công cơ khí, thực hiện chiến lược tự chủ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mỹ - Nhật Bản đạt được thỏa thuận thương mại về khoáng sản cho sản xuất pin xe điện

Mỹ - Nhật Bản đạt được thỏa thuận thương mại về khoáng sản cho sản xuất pin xe điện

Mỹ - Nhật Bản vừa công bố một thỏa thuận thương mại về khoáng sản phục vụ sản xuất pin xe điện. Đây là chìa khóa để củng cố chuỗi cung ứng pin của hai quốc gia và cấp cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản quyền tiếp cận rộng hơn với khoản tín dụng thuế EV theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mới trị giá 7.500 USD của Mỹ.