Xe máy 2011: Hồi kết buồn của năm nhiều hy vọng
Trong khi các hãng xe máy ồ ạt đầu tư mở rộng sản xuất, thị trường năm 2011 lại bất ngờ rơi vào cảnh ế ẩm ngoài quy luật
Trong khi các hãng xe máy ồ ạt đầu tư mở rộng sản xuất, thị trường năm 2011 lại bất ngờ rơi vào cảnh ế ẩm ngoài quy luật. Xe rớt giá nhưng người tiêu dùng vẫn thờ ơ, bởi nỗi lo cháy xe chưa có lời giải đáp thuyết phục.
Chuẩn bị khép lại một năm buồn nhiều hơn vui của thị trường xe máy, VnEconomy xin gửi tới độc giả những vấn đề và sự kiện nổi bật nhất trong năm 2011.
1. Ồ ạt đầu tư mở rộng sản xuất xe máy
Trong một năm mà nền kinh tế nước nhà được đánh giá là khó khăn nhất trong vòng nhiều năm qua, thì không hẹn mà gặp, hàng loạt dự án đầu tư mở rộng sản xuất xe máy tại Việt Nam liên tiếp xuất hiện. Với nhiều kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa của thị trường trong tương lai, cả ba thương hiệu đang chiếm thị phần lớn trong nước là Honda, Yamaha và Piaggio lần lượt công bố kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất và nâng công suất lắp ráp.
Mở đầu làn sóng đầu tư trong năm 2011 là liên doanh xe máy đến từ Italia. Tháng 4/2011, Piaggio tiến hành động thổ xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp thứ 2 tại Vĩnh Phúc với mục tiêu nâng sản lượng từ 100.000 lên 300.000 xe/năm vào giữa năm 2012. Không chỉ xây thêm nhà máy mới, Piaggio còn quyết định mở rộng và xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển ngay tại khu liên hợp nhà xưởng hiện có.
Đến tháng 8/2011, Yamaha là liên doanh sản xuất xe máy thứ hai công bố kế hoạch thúc đẩy sản xuất nhằm mở rộng thị trường bằng dự án đầu tư hơn 26 triệu USD vào việc tăng công suất sản xuất xe máy hiện có. Với dự án này, Yamaha đặt mục tiêu tăng thêm 50% công suất lắp ráp để nâng sản lượng lên 1,5 triệu xe/năm, từng bước nâng khả năng cạnh tranh với đối thủ đồng hương Honda tại thị trường Việt Nam.
Những ngày cuối năm 2011, người tiêu dùng trên cả nước tiếp tục được chứng kiến lễ khởi công nhà máy sản xuất và lắp ráp xe máy thứ 3 của Honda tại Hà Nam vào ngày 19/12 với tổng vốn đầu tư lên đến 120,5 triệu USD. Sau khi nhà máy này đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2012), liên doanh xe máy có thị phần lớn nhất Việt Nam sẽ nâng tổng công suất lắp ráp lên mức 2,5 triệu xe/năm.
Những khoản đầu tư lớn từ ba “đại gia” xe máy trong nước vào việc mở rộng sản xuất đã chứng tỏ Việt Nam vẫn là “mỏ vàng” kinh doanh xe máy trong chiến lược của những nhà đầu tư ngoại quốc. Sau năm 2012, chỉ riêng với ba thương hiệu trên, sản lượng lắp ráp có thể sẽ vượt qua con số 4,3 triệu xe/năm. Bên cạnh đó, còn có một số lượng không nhỏ xe máy lắp ráp mang tên tuổi ít danh tiếng hơn cùng nguồn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Khi đó, người tiêu dùng trong nước sẽ có nhiều lựa chọn và dễ dàng hơn trong quá trình mua sắm phương tiện đi lại.
2. Liên tiếp cháy nổ xe máy
Hiện tượng cháy nổ xe máy và ôtô không phải chuyện mới, nhưng điều khiến dư luận thực sự quan tâm và lo ngại là các vụ cháy xe máy liên tục xảy ra trong năm 2011 với mật độ ngày càng dầy hơn trong hai tháng cuối năm. Chỉ tính riêng trong năm nay, số vụ cháy nổ liên quan đến xe máy đã vượt qua con số 20, mà nhìn chung đều chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng.
Xe máy bị cháy, nổ thuộc đủ các loại cả mới lẫn cũ, cả xe ga lẫn xe số, xe côn và ở nhiều tình huống phát sinh cháy khác nhau từ đang lưu thông đến đang dừng đỗ, thậm chí mới chỉ ấn nút nổ máy xe. Dù nguyên nhân cháy xuất phát từ đâu đi chăng nữa, thì kết quả các vụ cháy đều khá giống nhau khi chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn - ngoại trừ một số trường hợp ít ỏi chỉ bị cháy một phần - thậm chí còn gây chết người (như vụ nổ xe Honda Dream tại Bắc Ninh khiến hai người thiệt mạng).
Trong khi người dân vô cùng hoang mang, lo lắng cho tài sản và tính mạng của mình thì các cơ quan hữu trách cũng như các nhà sản xuất xe máy vẫn chưa xác minh được nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng này để người dân có biện pháp phòng tránh. Hầu hết thông báo từ các cơ quan chức năng đều nhận định nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu xuất phát từ sự cố chập điện hoặc đang để trong khu vực bị cháy gây bắt lửa, do tai nạn giao thông,... Còn các chuyên gia lại nghi ngờ nguyên nhân bắt nguồn từ việc lưu hành xe quá cũ, quá tải, sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại hoặc lắp thêm nhiều phụ kiện không đúng tiêu chuẩn.
Trong khi đó, những nhà sản xuất có xe nằm trong danh sách bị cháy, nổ đồng loạt khẳng định không phải do lỗi kỹ thuật cũng không phải do đặc tính thiết kế xe cho thị trường Việt Nam.
Dù gì đi chăng nữa, trước hàng loạt những vụ cháy nổ xe máy liên tiếp diễn ra trong năm qua, người dân hiện đang rất mong mỏi các cơ quan chức năng và nhà sản xuất cùng ngồi lại với nhau, hợp tác để nhanh chóng điều tra tìm ra nguyên nhân làm sáng tỏ hiện tượng bất thường này nhằm thực hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng Việt Nam.
3. Thị trường xe máy cuối năm ế ẩm
Những năm trước, dịp cuối năm luôn là thời điểm mà lượng xe máy được người tiêu dùng rước về nhà nhiều nhất. Khi đó, “thượng đế” phải rất vất vả thậm chí phải mất thêm khoản tiền “bôi trơn” mới có thể sở hữu được chiếc xe mong muốn. Nhà sản xuất và các cửa hàng kinh doanh đua nhau “làm giá” sản phẩm của mình và người tiêu dùng chỉ biết kêu trời vì những điều vô lý chỉ có ở thị trường ôtô, xe máy Việt Nam.
Năm nay thì khác, dù đã bước vào mùa mua sắm cả tháng nay nhưng người tiêu dùng vẫn tỏ ra thờ ơ và ít đoái hoài đến mặt hàng này mặc cho các nhà sản xuất và các đơn vị bán lẻ tung ra nhiều chiêu trò như khuyến mãi, bán thấp hơn giá đề xuất… để thu hút khách hàng đến với sản phẩm của mình.
Tình trạng ế ẩm đang diễn ra hầu hết tại các tỉnh thành trên toàn quốc với phần lớn các thương hiệu và dường như chưa có tín hiệu nào sáng sủa cho đến hết năm. Không chỉ xe mới khó bán, mà xe cũ cũng cực ế. Trong khi đó, nhiều cơ sở kinh doanh xe cũ còn gặp phải tình huống xưa nay hiếm là lượng người mua thì quá ít còn khách đến bán các loại xe ga đắt tiền và dòng xe ga phổ dụng tăng đột biến vào dịp cuối năm nay.
Nhiều người viện dẫn lý do xe máy ế ẩm dịp cuối năm là do tác động của khủng hoảng kinh tế khiến phần lớn các gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu, không mua sắm mới mà tiếp tục sử dụng phương tiện sẵn có. Một số hộ gia đình còn có giải pháp bán xe tay ga để chuyển đổi sang xe số, xe côn nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Thực tế các cơ sở kinh doanh xe máy cũng nhận định nguyên nhân xe bán ế đặc biệt là các dòng xe tay ga do bị ảnh hưởng từ tâm lý lo ngại sau hàng loạt các vụ cháy xe. Mặc dù vậy, giải thích cho việc giảm giá xe hàng loạt thì các cơ sở kinh doanh lại viện dẫn lý do nhà chế tạo tăng cường đầu tư, nâng công suất sản xuất xe máy nên các cửa hàng buộc phải cân đối lại giá bán để giải phóng hàng tồn kho.
Ngoài ra, có thể nói tình trạng ế ẩm và hạ giá những mẫu xe ăn khách vào thời điểm này một phần cũng là hệ quả tất yếu của việc nhiều người bán hàng coi người tiêu dùng như những "con rối" để găm hàng, ép giá trong thời gian dài.
4. Sự đổ bộ của các dòng xe nhỏ
Hầu hết các thương hiệu xe máy tại Việt Nam đều giới thiệu và bán ra thị trường một dòng xe máy có kích thước nhỏ trong năm 2011. Phân khúc xe nhỏ không chỉ dừng lại ở xe tay ga mà còn mở rộng ra với một số dòng xe môtô mang kiểu dáng mi-nhon độc đáo.
Chỉ trong vòng vài tháng cuối năm, cả ba “ông lớn” xe máy Việt Nam đều lần lượt ra mắt sản phẩm tí hon của mình. Yamaha mở màn với mẫu xe tay ga Nozza được phát triển và cải tiến từ chiếc Cuxi. Ít ngày sau, Honda cũng tung ra sản phẩm Vision cạnh tranh trực diện với người đồng hương bằng mức giá thấp hơn khá nhiều. Không chịu kém cạnh các đối thủ đến từ Nhật Bản, Piaggio cũng nhanh chân bán ra thị trường dòng xe Zip 100 thế hệ mới lắp ráp trong nước với mức giá ngang ngửa Honda Vision.
Sớm hơn một chút, những người yêu thích dòng xe môtô bất ngờ có thêm lựa chọn với mẫu Mini CDR125. Dòng xe lắp ráp trong nước này không chỉ có kiểu dáng nhỏ gọn mà còn được biết đến là dòng môtô có giá bình dân nhất từ trước tới nay.
Ngoài ra, với những người ưa thích sự độc đáo và cá tính, còn có chọn lựa khác là mẫu xe Sachs Madass 125. Cũng có kích thước nhỏ, nhưng mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc này khiến nhiều người phải chú ý bởi kiểu dáng chả giống ai.
5. Giải đua môtô chuyên nghiệp đầu tiên
Ít liên quan đến thị trường, nhưng là một tín hiệu đáng chú ý của "đời sống" xe máy tại Việt Nam, đó là Vietnam Motor Cub Prix. Tiền thân là giải đua môtô tranh cúp các câu lạc bộ mạnh toàn quốc, Vietnam Motor Cub Prix đã chính thức trở thành hệ thống đua môtô chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2011.
Hình thức tổ chức giải đua cũng như thể thức đua của Vietnam Motor Cub Prix bước đầu phải tuân thủ theo luật đua xe quốc tế. Cũng vì thế, hệ thống đua xe chuyên nghiệp năm nay đã xuất hiện thể thức đua với dòng môtô thể thao 4 kỳ (trước đây chỉ có dòng xe 2 kỳ), điều kiện bắt buộc để giải đua môtô Việt Nam hội nhập với thế giới.
Chuẩn bị khép lại một năm buồn nhiều hơn vui của thị trường xe máy, VnEconomy xin gửi tới độc giả những vấn đề và sự kiện nổi bật nhất trong năm 2011.
1. Ồ ạt đầu tư mở rộng sản xuất xe máy
Trong một năm mà nền kinh tế nước nhà được đánh giá là khó khăn nhất trong vòng nhiều năm qua, thì không hẹn mà gặp, hàng loạt dự án đầu tư mở rộng sản xuất xe máy tại Việt Nam liên tiếp xuất hiện. Với nhiều kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa của thị trường trong tương lai, cả ba thương hiệu đang chiếm thị phần lớn trong nước là Honda, Yamaha và Piaggio lần lượt công bố kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất và nâng công suất lắp ráp.
Mở đầu làn sóng đầu tư trong năm 2011 là liên doanh xe máy đến từ Italia. Tháng 4/2011, Piaggio tiến hành động thổ xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp thứ 2 tại Vĩnh Phúc với mục tiêu nâng sản lượng từ 100.000 lên 300.000 xe/năm vào giữa năm 2012. Không chỉ xây thêm nhà máy mới, Piaggio còn quyết định mở rộng và xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển ngay tại khu liên hợp nhà xưởng hiện có.
Đến tháng 8/2011, Yamaha là liên doanh sản xuất xe máy thứ hai công bố kế hoạch thúc đẩy sản xuất nhằm mở rộng thị trường bằng dự án đầu tư hơn 26 triệu USD vào việc tăng công suất sản xuất xe máy hiện có. Với dự án này, Yamaha đặt mục tiêu tăng thêm 50% công suất lắp ráp để nâng sản lượng lên 1,5 triệu xe/năm, từng bước nâng khả năng cạnh tranh với đối thủ đồng hương Honda tại thị trường Việt Nam.
Những ngày cuối năm 2011, người tiêu dùng trên cả nước tiếp tục được chứng kiến lễ khởi công nhà máy sản xuất và lắp ráp xe máy thứ 3 của Honda tại Hà Nam vào ngày 19/12 với tổng vốn đầu tư lên đến 120,5 triệu USD. Sau khi nhà máy này đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2012), liên doanh xe máy có thị phần lớn nhất Việt Nam sẽ nâng tổng công suất lắp ráp lên mức 2,5 triệu xe/năm.
Những khoản đầu tư lớn từ ba “đại gia” xe máy trong nước vào việc mở rộng sản xuất đã chứng tỏ Việt Nam vẫn là “mỏ vàng” kinh doanh xe máy trong chiến lược của những nhà đầu tư ngoại quốc. Sau năm 2012, chỉ riêng với ba thương hiệu trên, sản lượng lắp ráp có thể sẽ vượt qua con số 4,3 triệu xe/năm. Bên cạnh đó, còn có một số lượng không nhỏ xe máy lắp ráp mang tên tuổi ít danh tiếng hơn cùng nguồn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Khi đó, người tiêu dùng trong nước sẽ có nhiều lựa chọn và dễ dàng hơn trong quá trình mua sắm phương tiện đi lại.
2. Liên tiếp cháy nổ xe máy
Hiện tượng cháy nổ xe máy và ôtô không phải chuyện mới, nhưng điều khiến dư luận thực sự quan tâm và lo ngại là các vụ cháy xe máy liên tục xảy ra trong năm 2011 với mật độ ngày càng dầy hơn trong hai tháng cuối năm. Chỉ tính riêng trong năm nay, số vụ cháy nổ liên quan đến xe máy đã vượt qua con số 20, mà nhìn chung đều chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng.
Xe máy bị cháy, nổ thuộc đủ các loại cả mới lẫn cũ, cả xe ga lẫn xe số, xe côn và ở nhiều tình huống phát sinh cháy khác nhau từ đang lưu thông đến đang dừng đỗ, thậm chí mới chỉ ấn nút nổ máy xe. Dù nguyên nhân cháy xuất phát từ đâu đi chăng nữa, thì kết quả các vụ cháy đều khá giống nhau khi chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn - ngoại trừ một số trường hợp ít ỏi chỉ bị cháy một phần - thậm chí còn gây chết người (như vụ nổ xe Honda Dream tại Bắc Ninh khiến hai người thiệt mạng).
Trong khi người dân vô cùng hoang mang, lo lắng cho tài sản và tính mạng của mình thì các cơ quan hữu trách cũng như các nhà sản xuất xe máy vẫn chưa xác minh được nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng này để người dân có biện pháp phòng tránh. Hầu hết thông báo từ các cơ quan chức năng đều nhận định nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu xuất phát từ sự cố chập điện hoặc đang để trong khu vực bị cháy gây bắt lửa, do tai nạn giao thông,... Còn các chuyên gia lại nghi ngờ nguyên nhân bắt nguồn từ việc lưu hành xe quá cũ, quá tải, sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại hoặc lắp thêm nhiều phụ kiện không đúng tiêu chuẩn.
Trong khi đó, những nhà sản xuất có xe nằm trong danh sách bị cháy, nổ đồng loạt khẳng định không phải do lỗi kỹ thuật cũng không phải do đặc tính thiết kế xe cho thị trường Việt Nam.
Dù gì đi chăng nữa, trước hàng loạt những vụ cháy nổ xe máy liên tiếp diễn ra trong năm qua, người dân hiện đang rất mong mỏi các cơ quan chức năng và nhà sản xuất cùng ngồi lại với nhau, hợp tác để nhanh chóng điều tra tìm ra nguyên nhân làm sáng tỏ hiện tượng bất thường này nhằm thực hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng Việt Nam.
3. Thị trường xe máy cuối năm ế ẩm
Những năm trước, dịp cuối năm luôn là thời điểm mà lượng xe máy được người tiêu dùng rước về nhà nhiều nhất. Khi đó, “thượng đế” phải rất vất vả thậm chí phải mất thêm khoản tiền “bôi trơn” mới có thể sở hữu được chiếc xe mong muốn. Nhà sản xuất và các cửa hàng kinh doanh đua nhau “làm giá” sản phẩm của mình và người tiêu dùng chỉ biết kêu trời vì những điều vô lý chỉ có ở thị trường ôtô, xe máy Việt Nam.
Năm nay thì khác, dù đã bước vào mùa mua sắm cả tháng nay nhưng người tiêu dùng vẫn tỏ ra thờ ơ và ít đoái hoài đến mặt hàng này mặc cho các nhà sản xuất và các đơn vị bán lẻ tung ra nhiều chiêu trò như khuyến mãi, bán thấp hơn giá đề xuất… để thu hút khách hàng đến với sản phẩm của mình.
Tình trạng ế ẩm đang diễn ra hầu hết tại các tỉnh thành trên toàn quốc với phần lớn các thương hiệu và dường như chưa có tín hiệu nào sáng sủa cho đến hết năm. Không chỉ xe mới khó bán, mà xe cũ cũng cực ế. Trong khi đó, nhiều cơ sở kinh doanh xe cũ còn gặp phải tình huống xưa nay hiếm là lượng người mua thì quá ít còn khách đến bán các loại xe ga đắt tiền và dòng xe ga phổ dụng tăng đột biến vào dịp cuối năm nay.
Nhiều người viện dẫn lý do xe máy ế ẩm dịp cuối năm là do tác động của khủng hoảng kinh tế khiến phần lớn các gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu, không mua sắm mới mà tiếp tục sử dụng phương tiện sẵn có. Một số hộ gia đình còn có giải pháp bán xe tay ga để chuyển đổi sang xe số, xe côn nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Thực tế các cơ sở kinh doanh xe máy cũng nhận định nguyên nhân xe bán ế đặc biệt là các dòng xe tay ga do bị ảnh hưởng từ tâm lý lo ngại sau hàng loạt các vụ cháy xe. Mặc dù vậy, giải thích cho việc giảm giá xe hàng loạt thì các cơ sở kinh doanh lại viện dẫn lý do nhà chế tạo tăng cường đầu tư, nâng công suất sản xuất xe máy nên các cửa hàng buộc phải cân đối lại giá bán để giải phóng hàng tồn kho.
Ngoài ra, có thể nói tình trạng ế ẩm và hạ giá những mẫu xe ăn khách vào thời điểm này một phần cũng là hệ quả tất yếu của việc nhiều người bán hàng coi người tiêu dùng như những "con rối" để găm hàng, ép giá trong thời gian dài.
4. Sự đổ bộ của các dòng xe nhỏ
Hầu hết các thương hiệu xe máy tại Việt Nam đều giới thiệu và bán ra thị trường một dòng xe máy có kích thước nhỏ trong năm 2011. Phân khúc xe nhỏ không chỉ dừng lại ở xe tay ga mà còn mở rộng ra với một số dòng xe môtô mang kiểu dáng mi-nhon độc đáo.
Chỉ trong vòng vài tháng cuối năm, cả ba “ông lớn” xe máy Việt Nam đều lần lượt ra mắt sản phẩm tí hon của mình. Yamaha mở màn với mẫu xe tay ga Nozza được phát triển và cải tiến từ chiếc Cuxi. Ít ngày sau, Honda cũng tung ra sản phẩm Vision cạnh tranh trực diện với người đồng hương bằng mức giá thấp hơn khá nhiều. Không chịu kém cạnh các đối thủ đến từ Nhật Bản, Piaggio cũng nhanh chân bán ra thị trường dòng xe Zip 100 thế hệ mới lắp ráp trong nước với mức giá ngang ngửa Honda Vision.
Sớm hơn một chút, những người yêu thích dòng xe môtô bất ngờ có thêm lựa chọn với mẫu Mini CDR125. Dòng xe lắp ráp trong nước này không chỉ có kiểu dáng nhỏ gọn mà còn được biết đến là dòng môtô có giá bình dân nhất từ trước tới nay.
Ngoài ra, với những người ưa thích sự độc đáo và cá tính, còn có chọn lựa khác là mẫu xe Sachs Madass 125. Cũng có kích thước nhỏ, nhưng mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc này khiến nhiều người phải chú ý bởi kiểu dáng chả giống ai.
5. Giải đua môtô chuyên nghiệp đầu tiên
Ít liên quan đến thị trường, nhưng là một tín hiệu đáng chú ý của "đời sống" xe máy tại Việt Nam, đó là Vietnam Motor Cub Prix. Tiền thân là giải đua môtô tranh cúp các câu lạc bộ mạnh toàn quốc, Vietnam Motor Cub Prix đã chính thức trở thành hệ thống đua môtô chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2011.
Hình thức tổ chức giải đua cũng như thể thức đua của Vietnam Motor Cub Prix bước đầu phải tuân thủ theo luật đua xe quốc tế. Cũng vì thế, hệ thống đua xe chuyên nghiệp năm nay đã xuất hiện thể thức đua với dòng môtô thể thao 4 kỳ (trước đây chỉ có dòng xe 2 kỳ), điều kiện bắt buộc để giải đua môtô Việt Nam hội nhập với thế giới.