Ba dấu hiệu cho thấy Mỹ đã qua thời "nền kinh tế đại dịch"
Sau gần hai năm bị gián đoạn nghiêm trọng, dưới đây là 3 dấu hiệu cho thấy “nền kinh tế đại dịch” tại Mỹ đã kết thúc trong năm 2022...
Theo tất cả các định nghĩa về mặt kỹ thuật, Mỹ hiện vẫn đang ở trong đại dịch. Tính tới tháng 9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới chỉ tuyên bố là “đại dịch sắp kết thúc”, đặc biệt là khi số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng và có khả năng xảy ra một làn sóng dịch mới trong mùa đông khắc nghiệt.
Những thay đổi trong cuộc sống do đại dịch như đeo khẩu trang hiện vẫn được duy trì tại Mỹ, đặc biệt là khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) nước này khuyến cáo đeo khẩu trang tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao như New York và Los Angeles.
Tuy nhiên, thói quen tài chính của người dân Mỹ gần như đã trở lại các xu hướng trước đại dịch. Sau gần 2 năm bị gián đoạn nghiêm trọng, dưới đây là 3 dấu hiệu cho thấy “nền kinh tế đại dịch” tại Mỹ đã kết thúc trong năm 2022, theo CNBC.
CHI TIÊU TRỞ LẠI CHO DU LỊCH, GIẢI TRÍ
Đại dịch đã làm thay đổi đáng kể thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, sau khi đổ xô mua đồ điện tử và đồ gia dụng trong hai năm qua, người tiêu dùng nước này giờ đây đã bắt đầu chi tiêu trở lại vào những dịch vụ như du lịch và giải trí.
Theo Cơ quan phân tích kinh tế (BEA), chi tiêu cho hàng tiêu dùng lâu bền trong tháng 10 đã tăng khoảng 6% so với năm trước. Trong khi đó, chi tiêu cho dịch vụ tăng hơn 8% trong cùng kỳ.
Hai ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là du lịch và nhà hàng khách sạn giờ đây gần như đã phục hồi hoàn toàn. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), trong mùa thu vừa qua, lưu lượng hành khách của các hãng hàng không toàn cầu hiện đã đạt gần 74% so với mức vào tháng 9/2019.
Tại Mỹ, người dân giờ đây ăn uống tại nhà hàng thậm chí còn nhiều hơn vào năm 2019, theo dữ liệu từ nền tảng đặt bàn OpenTable.
Dù cả các hãng hàng không và nhà hàng ở Mỹ vẫn đang rơi vào cảnh thiếu lao động do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, nhưng tình trạng xếp hàng dài và bán cháy vé phổ biến trong năm nay cho thấy hầu hết người dân đã khôi phục hoạt động giải trí về mức bình thường.
TIẾT KIỆM ÍT HƠN
Dù kỳ vọng chi tiêu nhiều hơn trong năm 2022 khi có thể trở lại làm việc trực tiếp và ra ngoài vui chơi giải trí, tình trạng lạm phát cao và nỗi lo suy thoái đang khiến người Mỹ gặp khó khăn trong kiểm soát chi tiêu và duy trì thói quen tiết kiệm hình thành trong đại dịch.
Theo bà Angeli Gianchandani, một chuyên gia về hành vi tiêu dùng, những khoản trợ cấp tài chính của Chính phủ đã giúp người Mỹ đạt được các mục tiêu đó trong giai đoạn đại dịch nhưng giờ đây không còn nữa. Do đó, thói quen sử dụng tiền của người tiêu dùng một lần nữa lại thay đổi.
“Các khoản tiền trợ cấp Covid-19 và trợ cấp thất nghiệp cho phép người đân tiêu pha - họ tiêu tiền vì có tiền trong tay”, bà phân tích. “Trợ cấp của Chính phủ cho phép người dân tiêu pha nhiều hơn, nhưng họ cũng tiết kiệm được tiền vì không phải đi tới công sở, mua sắm quần áo hay làm tóc”.
“Tuy nhiên, thói quen chi tiêu thời đại địch đó giờ đây đã thay đổi và chuyển sang hướng ngược lại do lạm phát”, bà nói.
Sau khi thanh toán hết nợ thẻ tín dụng và gửi tiết kiệm với lãi suất cao chưa từng thấy trong giai đoạn đỉnh dịch, nhiều người tiêu dùng Mỹ giờ đây quay lại dựa vào thẻ tín dụng để chi trả các khoản chi tiêu hàng ngày.
ĐẦU TƯ KHÔNG CÒN SỨC HÚT
Năm 2021, thị trường chứng khoán Mỹ “nóng” lên nhờ những sự kiện như con sốt cổ phiếu GameStop và thị trường cũng tăng trưởng mạnh mẽ khi thế giới mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan bắt đầu đi xuống vào cuối năm 2021 và tiếp tục giảm sút trong suốt năm 2022.
Không chỉ các chỉ số chứng khoán chính đang tiến tới kết thúc một năm đầy ảm đạm, các hình thức đầu tư lớn khác tại Mỹ như mua nhà cũng đang đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Trong đại dịch, khi có nhiều thời gian rảnh ở nhà hơn, tiền tiết kiệm nhiều hơn và lãi suất thấp, người Mỹ đã chi tiêu và đầu tư thoải mái hơn. Tuy nhiên, giờ đây, khi giá cả hàng hóa tăng vọt, sức khỏe của nền kinh tế bất ổn và một số cuộc khủng hoảng khác xuất hiện (chiến tranh ở Ukraine, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị ở Mỹ), họ có xu hướng tìm kiếm sự ổn định.
“Với tình hình bất ổn mà chúng ta đang trải qua, người tiêu dùng sẽ một lần nữa thay đổi thói quen”, bà Gianchandani nhận định. “Từ nơi họ đến mua sắm, làm việc cho tới nơi đầu tư, người dân đang tìm kiếm những công ty có lập trường và thể hiện rõ ràng cách họ tạo ra giá trị cho cổ đông chứ không chỉ là lợi nhuận”.
Theo bà, trong bối cản hiện nay, các doanh nghiệp cần phải có khả năng tương tác với khách hàng một cách minh bạch và thẳng thắn, đồng thời giúp họ xây dựng lòng tin để vượt qua những thách thức này.