10:00 01/09/2022

Từng là “ngôi sao” trong đại dịch, Netflix, Zoom và loạt doanh nghiệp đang trượt dài khi thế giới mở cửa trở lại

Hoài Thu

Từng phát triển bùng nổ nhờ đại dịch Covid-19, Peloton, Netflix hay Zoom giờ đây đang rơi vào khó khăn khi tăng trưởng giảm tốc, giá cổ phiếu lao dốc...

Trong quý 2, Netflix mất thêm 970.000 thuê bao, sau khi mất 200.000 thuê bao quý trước đó - Ảnh: Getty Images
Trong quý 2, Netflix mất thêm 970.000 thuê bao, sau khi mất 200.000 thuê bao quý trước đó - Ảnh: Getty Images

Trong đại dịch Covid-19, không có nhiều công ty có được sự tăng trưởng nở rộ như hãng thiết bị thể thao Peloton. Đại dịch khiến nhiều người không thể hoặc không muốn đến phòng tập, do đó họ đổ xô mua thiết bị thập thể dục và đăng ký các lớp tập trực tuyến. Năm 2020, Peloton đã có quý lãi đầu tiên khi doanh thu tăng 139%, còn giá cổ phiếu tăng tới 434%.

Tuy nhiên, sự nở rộ này không kéo dài lâu. Khi các phòng tập mở cửa trở lại và các gói tập trực tuyến cũng như doanh số thiết bị giảm xuống, triển vọng của công ty bắt đầu trở nên ảm đạm.

Ngày 25/8, sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2021 với khoản lỗ lớn hơn dự báo, CEO của Peloton, ông Barry McCarthy, đã viết trong một lá thư gửi các nhà đầu tư rằng: "Những người chỉ trích sẽ nhìn vào kết quả tài chính quý 4 của chúng tôi và thấy rằng doanh thu sụt giảm, tỷ suất lợi nhuận gộp âm và lỗ hoạt động sâu hơn. Họ sẽ nói rằng những điều này đe dọa khả năng tồn tại của chúng tôi".

Ông McCarthy cho rằng bất chấp những điều này, những điều tuyệt vời vẫn chờ đón Peloton ở phía trước bởi công ty đã có bước tiến đáng kể trong nỗ lực cải tổ và hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại không có niềm tin như vậy. Từ cuối năm 2020 đến nay, cổ phiếu Peloton đã mất hơn 90% giá trị.

Peloton không phải là “kẻ chiến thắng” trong đại dịch duy nhất trở thành “kẻ  chiến bại” sau dịch. Nhiều công ty đã thuyết phục bản thân - và các nhà đầu tư - rằng họ có vị thể tốt để tiếp tục phát triển sau đại dịch nhưng điều này đã không xảy ra.

Peloton không duy trì được tăng trưởng sau khi đại dịch qua đi - Ảnh: CNN
Peloton không duy trì được tăng trưởng sau khi đại dịch qua đi - Ảnh: CNN

Đại dịch buộc người dân phải ở nhà và hàng triệu người phải bắt đầu làm việc ở nhà. Nhiều người đã dùng số tiền mà họ tiết kiệm được nhờ không phải đi lại tới công sở hoặc không đi du lịch để mua đồ đạc cùng nhiều vật dụng khác để trang hoàng nhà cửa.

Tuy nhiên, “cơn sốt” mua sắm hàng gia dụng đó đã qua. Người tiêu dùng giờ đây chuyển sang mua các mặt hàng ưu tiên hơn, đặc biệt là giữa lúc giá cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu tăng vọt, buộc các gia đình phải giảm chi tiêu vào những mặt hàng không thiết yếu.

Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng này đã tác động lớn tới các công ty bán lẻ, bao gồm cả những chuỗi bán khổng lồ như Walmart và Target.

Một trường hợp điển hình cho những công ty lao đao vì sự thay đổi này là nhà bán lẻ hàng gia dụng trực tuyến Wayfair – công ty vừa thông báo sẽ cắt giảm 5% nhân sự. Khi thông báo kế hoạch này, CEO của Wayfair thừa nhận công ty đã quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng sau đại dịch.

"Chúng tôi đã mở rộng đáng kể để bắt kịp tốc độ phát triển thương mại điện tử trong ngành hàng gia dụng. Chúng tôi nhận thấy đại dịch đang đẩy nhanh việc áp dụng mua sắm thương mại điện tử và cá nhân tôi đã cố gắng thuê một đội ngũ hùng hậu để phục vụ sự tăng trưởng đó”, CEO Niraj Shah của Wayfair nói trong thông báo về việc sa thải gửi nhân viên. “Tuy nhiên, năm nay, sự tăng trưởng đó đã không mang lại kết quả như mong đợi. Đội ngũ nhân sự của chúng ta đang quá cồng kềnh trong tình hình hiện nay và không may là chúng ta cần phải thực hiện điều chỉnh”.

Cũng giống như Peloton, Wayfair đã từ “kẻ chiến thắng” thành “kẻ thua cuộc” với doanh thu 6 tháng đầu năm nay giảm 14%. Công ty này cũng lỗ ròng 697 triệu USD, so với khoản lãi 149 triệu USD cùng kỳ năm 2021. Giá cổ phiếu Wayfair, sau khi tăng 482% từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, hiện đã mất sạch thành tích tăng đó.

Không chỉ các công ty bán lẻ, nền tảng họp trực tuyến Zoom cũng đó mặt các thách thức tương tự dù từng là “ngôi sao” giữa đại dịch. Hiện tại, hàng triệu người vẫn đang làm việc từ xa, ít nhất vài buổi trong tuần, và Zoom vẫn có lãi. Tuy nhiên, lợi nhuận nửa đầu năm nay của công ty này đã giảm 71% do chi phí tăng.

lợi nhuận nửa đầu năm nay của Zoom đã giảm 71% do chi phí tăng - Ảnh: iStock
lợi nhuận nửa đầu năm nay của Zoom đã giảm 71% do chi phí tăng - Ảnh: iStock

Tuần trước, Zoom báo cáo doanh thu thấp hơn dự báo và dự báo triển vọng tương lai gây thất vọng cho các nhà đầu tư, kéo tụt 17% giá cổ phiếu ngay công ngày công bố kết quả kinh doanh.

Tính từ đầu năm, mã này đã giảm 56% và đã sụt tới 86% so với mức đỉnh thiết lập vào cuối tháng 10/2020 khi đại dịch vào giai đoạn đỉnh điểm và chưa phổ biến nhiều loại vaccine.

Còn với Netflix, trước khi đại dịch xảy ra, nền tảng phát video trực tuyến đã thành công vang dội. Dù đối mặt cạnh tranh gay gắt, Netflix vẫn có một năm 2019 thành công với loạt phim bom tấn, giúp giá cổ phiếu tăng 21% trong năm này, còn doanh thu tăng 28%. Netflix đã có thêm 27 triệu thuê bao trên toàn cầu trong năm này.

Nền tảng này chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ chưa từng thấy trong các đợt phong tỏa phòng dịch ở nhiều nước trên thế giới. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, Netflix có thêm 16 triệu thuê bao và kết thúc năm này với số lượng thuê bao lần đầu tiên vượt mốc 200 triệu. Giá cổ phiếu công ty này cũng tăng gấp hơn 2 lần từ khi đại dịch bùng phát năm 2020 lên mức kỷ lục 691,69 USD vào tháng 11/2021.

Tuy nhiên sau đó, cạnh tranh càng trở nên khốc liệt hơn. Quý 1 năm nay, Netflix mất 200.000 thuê bao trên toàn cầu – lần giảm đầu tiên trong một thập kỷ, ngược lại hoàn toàn mức dự báo tăng thêm 2,5 triệu thuê bao được đưa ra trước đó. Trong quý 2, nền tảng này tiếp tục mất thêm 970.000 thuê bao.

Không chỉ mất đi thuê bao đăng ký, Netflix cũng đang mất đi niềm tin của nhà đầu tư. Cổ phiếu công ty này hiện đã mất hơn 2/3 giá trị so với hồi đầu năm, dù đã phục hồi từ mức thấp nhất 12 tháng hồi tháng 5, thời điểm nhà đầu tư lo sợ rằng số lượng thuê bao sẽ còn giảm mạnh hơn nữa.