Bamboo Airways đặt mục tiêu lên sàn trong 3 năm tới
Năm 2024, hãng đặt mục tiêu có quy mô 09 tàu bay, tập trung vào dòng tàu bay thân hẹp của Airbus, bao gồm 6 tàu thuê khô và ba tàu thuê ướt, từ đó đặt kế hoạch doanh thu năm nay là 4.857 tỷ đồng…
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) diễn ra tại TP.HCM ngày 17/7/2024, ông Phan Đình Tuệ, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, cho biết đội máy bay của hãng đã giảm 19% so với năm 2022 do tiến hành tái cấu trúc đội tàu.
Cụ thể, từ 32 tàu bay với 25 đường bay trong nước và quốc tế, chỉ sau 01 năm tái cơ cấu, Bamboo Airways chỉ còn 08 tàu và 06 đường bay, nhưng tỷ lệ ghế suất tăng lên mức 87%, doanh thu hành khách trung bình tăng 14%, doanh thu phụ trợ tăng 25%.
Kết quả hoạt động năm 2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 6% so với năm 2022, đạt hơn 12.300 tỷ đồng, chủ yếu là do hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi khoảng 4.100 tỷ đồng và được các đối tác xoá nợ với tổng số tiền 1.272 tỷ đồng. Sau khi bù trừ khoản dự phòng/trích trước chi phí sửa chữa lớn 1.813 tỷ đồng được hạch toán theo chuẩn mực kế toán mới.
Bà Lê Thị Trúc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết năm 2023 tình hình hoạt động của hãng vẫn khó khăn. Tuy nhiên, đây là một năm bản lề để năm 2024 Bamboo Airways tiến tới việc tái cấu trúc.
Theo đó, lỗ gộp của hãng trong năm 2023 là khoảng 3.600 tỷ đồng. Tỷ lệ lỗ/tổng doanh thu thuần đã cải thiện 17 điểm phần trăm, từ mức 46% của năm 2022 giảm về mức 29% năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đã được đưa về mức dương 236 tỷ đồng, nhưng chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi (4.100 tỷ đồng) và thu nhập khác phát sinh từ việc được các đối tác xóa nợ (1.272 tỷ đồng). Trong đó, hãng cũng được các chủ tàu xóa nợ gần 79 triệu USD nhờ đàm phán trả sớm loạt máy bay.
Với tình hình tài chính năm 2024, lãnh đạo Bamboo Airways dự kiến cắt giảm được hơn 1.300 tỷ đồng từ việc giảm chi phí tài chính và tái cơ cấu đội ngũ. Tuy nhiên, hãng vẫn cần bù đắp tối thiểu khoảng 2.300 tỷ đồng trong năm 2024 để duy trì dòng tiền.
Trong 5 tháng đầu năm 2024 hãng đã được bù đắp gần 600 tỷ đồng và cần bổ sung thêm 1.700 tỷ đồng trong 7 tháng cuối năm nay. Sồ tiền này để hãng bù đắp lỗ kinh doanh, trả cho các khoản nợ còn tồn đọng cũ, cho các đối tác cũ, các chủ nợ cũ là điều không thể trì hoãn. Đồng thời, chi phí đó cũng bao gồm tiền đặt cọc cho tàu thuê bay mới để hãng tăng quy mô để tối ưu hiệu quả kinh doanh.
"Mỗi tháng, chi phí tài chính của Bamboo Airways giảm được khoảng vài chục tỷ đồng so với trước, cả năm sẽ tiết kiệm được khoảng 400 - 500 tỷ đồng", bà Quỳnh nói.
Năm 2024, hãng đặt mục tiêu có quy mô 09 tàu bay, tập trung vào dòng tàu bay thân hẹp của Airbus, bao gồm 06 tàu thuê khô và ba tàu thuê ướt.
Doanh thu kế hoạch là 4.857 tỷ đồng và dự kiến sẽ lỗ sau thuế 1.387 tỷ đồng. Nếu loại bỏ yếu tố chi phí tài chính cao và tái cấu trúc thì hãng dự kiến vẫn lỗ 501 tỷ đồng.
Về tái cấu trúc hãng, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng việc tái cấu trúc lĩnh vực hàng không là công việc khó khăn, song hãng vẫn đặt mục tiêu là 2024 sẽ là năm cuối cùng kinh doanh bị lỗ. Từ năm 2025 sẽ hòa vốn và tiến đến có lãi trong các năm tiếp theo. Trong vòng 03 năm đưa công ty lên giao dịch trên sàn chứng khoán.
Đội máy bay sẽ có 09 chiếc Airbus, tăng lên 12 chiếc vào cuối năm, thậm chí 18 máy bay vào cuối năm 2025 nếu điều kiện thị trường cho phép.
Ông Nam cũng cho biết thêm, Bamboo Airways đã thay đổi nhà cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất từ SAGS, HGS sang Pacific Airlines và triển khai tự phục vụ. Nhờ đó tiết kiệm 20% chi phí phục vụ mặt đất cho mỗi chuyến bay. Do đó, hãng sẽ tiết kiệm tối thiểu 20 triệu USD (khoảng 508 tỷ đồng) trong 05 năm tới.
Đồng thời công ty đàm phán thành công về việc chuyển đổi hệ thống phục vụ hành khách (PSS) từ Amadeus sang Navitaire, dự kiến triển khai vào tháng 4/2025.
Đại hội đồng cổ đông công ty cũng ủy quyền cho HĐQT, ban điều hành tìm kiếm nhà đầu tư trong và nước ngoài cho hãng phù hợp với các quy định pháp luật.