11:06 01/07/2024

Hàng không phục hồi nhưng vẫn khó khăn

Ánh Tuyết

Dù đà giảm của thị trường hàng không nội địa đã chậm lại và thị trường hàng không quốc tế tiếp tục đà phục hồi, song những thách thức mà ngành hàng không phải đối mặt vẫn rất lớn. Do vậy, các hãng hàng không mong mỏi sẽ có thêm chính sách để doanh nghiệp tăng tốc phục hồi...

Thị trường nội địa giảm nhiệt những tháng đầu năm khi chỉ đạt 17 triệu khách, giảm 19,4% so với cùng kỳ.
Thị trường nội địa giảm nhiệt những tháng đầu năm khi chỉ đạt 17 triệu khách, giảm 19,4% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam năm 2024, lượng khách vận chuyển bằng đường hàng không đạt 78,3 triệu khách và tăng 7,7% so năm 2023. Theo đó, vận chuyển quốc tế dự kiến chính thức phục hồi hoàn toàn, đạt 43,5 triệu khách, tăng 33,4% so năm 2023 và vượt đỉnh trước đại dịch (4,3%).

Còn thị trường nội địa dù nhanh chân hồi phục ngay từ năm 2023 (cao hơn năm 2019 khoảng 6,7%), nhưng dự báo giảm nhẹ trong năm 2024 do nhu cầu yếu và tình trạng thiếu hụt tàu bay của các hãng hàng không trong nước.

SỨC ÉP LÊN THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Nhìn lại diễn biến của thị trường hàng không Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024, theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023 và sắp tiệm cận thời kỳ trước dịch (bằng 98% cùng kỳ năm 2019).

Trong đó, thị trường quốc tế đạt 21,1 triệu khách, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3% so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, thị trường nội địa giảm nhiệt, chỉ đạt 17 triệu khách, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 92% so cùng kỳ năm 2019.

Hàng không phục hồi nhưng vẫn khó khăn - Ảnh 1

Một trong những biến số gây sức ép cho sự tăng trưởng của thị trường nội địa năm nay là do xu hướng giá vé máy bay tăng vọt sau đại dịch và có khả năng vẫn ở mức cao trong năm 2024 và vài năm tới, chủ yếu do biến động địa chính trị, các nhà sản xuất máy bay phải vật lộn với các vấn đề dai dẳng về chuỗi cung ứng.

Thống kê cho thấy kể từ năm 2019, giá vé tại Bắc Mỹ đã tăng 30%, châu Âu tăng 25% và dự kiến hè năm 2024 giá vé tại châu Âu sẽ tăng thêm khoảng 8,5%. Giá vé khu vực Đông Nam Á năm 2024 sẽ tăng 15%.

Chia sẻ gần đây, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết trên thế giới, giá vé máy bay đã tăng từ sau dịch, Việt Nam đến năm 2024 mới bắt đầu tăng.

Ông Tuấn cho biết trên thế giới, có những thị trường tăng 30-40% từ năm 2022, đối với hãng Cathay Pacific (Hong Kong), khi nào cung cầu cân bằng thì giá vé mới giảm, còn khi nào cung không đáp ứng được nhu cầu thì giá vẫn tăng.

Tại Việt Nam, theo thống kê, mức tăng trong 4 tháng đầu năm 2024 là 15-17% so với cùng kỳ, tùy thuộc chặng bay, ngày bay, giờ bay.

Cách đây khoảng một tháng, số liệu từ Vietnam Airlines cho thấy, giá vé tính trung bình ở tất cả đường bay chỉ ở mức khoảng bằng 76% so với giá trần, trong đó có những đường bay thấp hơn đáng kể, chỉ bằng khoảng 43%.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, mặt bằng chung giá vé máy bay đã giảm so với giai đoạn trước. Giá vé chưa gồm thuế, phí của các hãng trong tháng 5, tháng 6/2024 hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa ghi nhận dao động tương đương khoảng 13-80% mức tối đa theo quy định. Khi đặt vé xa hơn đến tháng 7, các hãng có sẵn các mức giá thấp hơn để hành khách lựa chọn với giá vé tương đương từ 20-70% mức tối đa trên các chặng bay.

Để chuẩn bị cho mùa du lịch hè và giai đoạn đến cuối năm, các hãng hàng không đang tăng tốc thuê ướt hay mua mới tàu bay; đồng thời, công bố các chương trình khuyến mại, cung ứng thêm nhiều vé ở các mức giá phù hợp, nhằm mục tiêu đáp ứng tốt nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân, góp phần kích cầu du lịch nội địa ngay dịp cao điểm hè.

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Đặng Anh Tuấn cho biết thêm giá vé máy bay hiện giảm nhiều do tổng công ty khai thác các chuyến bay sáng sớm và tối muộn để có cơ hội để điều chỉnh thêm mức giá.

Cũng theo lãnh đạo hãng bay này, giá vé còn được quyết định bởi sức mua thị trường, của người dân. Vietnam Airlines không bay một mình để có thể tự quyết định giá vé, bởi ở thị trường nội địa vẫn còn sự cạnh tranh của một số hãng hàng không khác.

Tại thị trường quốc tế, Vietnam Airlines phải cạnh tranh trực tiếp với 52-53 hãng bay có đường bay đi, đến Việt Nam và lên tới trên 150 đơn vị nếu tính cả liên danh, mua bán chỗ cùng hãng khác. Do đó, các hãng hàng không sẽ tính toán giá vé để đạt được hiệu quả cao nhất.

NHÂN TỐ ĐẨY GIÁ VÉ MÁY BAY

Theo ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay toàn cầu dự báo tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Bởi tình trạng các hãng hàng không phải đối mặt với chi phí nhiên liệu cao, các hãng đang có nhiều thay đổi về tính bền vững, bảo dưỡng tàu bay chậm trễ và vấn đề thiếu hụt nhân lực có thể tiếp tục diễn ra.

Phân tích cụ thể hơn các nhân tố khiến giá vé khó hạ nhiệt sâu, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), cho rằng giai đoạn vừa qua, trước các biến động kinh tế - chính trị quốc tế và việc nhà sản xuất triệu hồi sửa chữa động cơ, ngành hàng không thế giới và Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi các chi phí đầu vào tăng mạnh. Theo đó, có 5 yếu tố ảnh hưởng.

Thứ nhất, giá nhiên liệu hiện neo cao ở mức trên 100 USD/thùng. Dự báo chi phí vận tải hàng không của Vietnam Airlines trong cả năm 2024 sẽ phải tăng thêm 5.527 tỷ đồng so với năm 2019 vì giá nhiên liệu cao.

Thứ hai, tỷ giá biến động bất lợi trong khi nhiều chi phí của hãng thanh toán bằng USD và thu bán tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc thì bằng bản tệ. Dự báo chi phí vận tải hàng không của Vietnam Airlines trong cả năm 2024 sẽ tăng thêm 4.729 tỷ đồng so với năm 2019 vì tỷ giá biến động bất lợi.

Chỉ riêng hai khoản chi phí này cộng lại khiến hãng hàng không quốc gia tăng thêm 10.000 tỷ đồng chi phí so với năm 2019, chưa kể khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu đội tàu bay.

Thứ ba, giá thuê động cơ máy bay năm 2024 tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Ông Nề cho biết động cơ máy bay Airbus A321 có giá thuê 48-50 nghìn USD/tháng năm 2019, hiện tăng lên 80-100 nghìn USD/tháng vào năm 2024. Động cơ máy bay Boeing 787 có giá thuế 160 nghìn USD/tháng năm 2022 tăng lên 370 nghìn USD/tháng vào năm 2024.

Trong khi đó, việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO gây ra tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng, giảm 20% so với mức trung bình năm 2023, tương đương 40-45 tàu bay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2024 phát hành ngày 01/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hàng không phục hồi nhưng vẫn khó khăn - Ảnh 2