15:01 29/08/2007

Bán cổ phần: Doanh nghiệp “gõ cửa” nhà đầu tư lớn

Nhiều cuộc đấu giá bán cổ phần của doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết gần đây đã không thành công

Lợi từ phía tổ chức đầu tư là dễ giải ngân, còn doanh nghiệp vẫn huy động được nguồn vốn tốt trong bối cảnh thị trường đi xuống.
Lợi từ phía tổ chức đầu tư là dễ giải ngân, còn doanh nghiệp vẫn huy động được nguồn vốn tốt trong bối cảnh thị trường đi xuống.
Nhiều cuộc đấu giá bán cổ phần của doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết gần đây không thành công do sự quan tâm của nhà đầu tư đến cơ hội mua cổ phần qua đấu giá rất mờ nhạt.

Đây quả thực là vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi để được mang “hàng” ra bán, doanh nghiệp đã phải tốn không ít công sức và tiền bạc, đó là chưa nói đến chuyện uy tín của doanh nghiệp cũng bị tổn hại phần nào do cổ phiếu ế ẩm...

Trước thực tế thị trường như vậy, một số doanh nghiệp đang tính đến phương án tạm lùi thời gian đấu giá chờ đến khi thị trường có dấu hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, đây có phải là phương án hợp lý?

Đấu giá cổ phần và bài toán thặng dư vốn

Đối với mỗi doanh nghiệp, thông thường có 3 cách để tăng vốn: phát hành cho cổ đông hiện hữu; bán cho cổ đông chiến lược hay nhà đầu tư tổ chức hoặc chào bán rộng rãi ra công chúng.

Với cách thứ nhất, bán cho cổ đông hiện hữu, nếu bán với giá thấp, doanh nghiệp sẽ không có nhiều thặng dư vốn, khiến bài toán đảm bảo hiệu quả kinh doanh trên vốn chủ sở hữu đối với lãnh đạo doanh nghiệp là không đơn giản. Ngược lại, chào bán giá cao sẽ khó tìm được sự ủng hộ từ cổ đông.

Chào bán cho cổ đông chiến lược cũng là một cách hay, nhưng để áp dụng cách thức này, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng yêu cầu về quản trị minh bạch và việc tìm kiếm đối tác không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Cách thứ ba từng được áp dụng nhiều hồi đầu năm 2007 là chào bán rộng rãi cho công chúng. Với một mức giá khởi điểm không quá xa mức giá thị trường, doanh nghiệp vừa có khoản thặng dư cao, mà công tác điều hành, quản trị lại... ít bị can thiệp. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có rất ít doanh nghiệp thành công từ cách phát hành này.

Với những doanh nghiệp niêm yết, như đã thành "dớp", mức giá khởi điểm mà doanh nghiệp đưa ra để đấu giá bán cổ phần mới (đương nhiên thấp hơn thị giá cùng thời điểm) và sau đó là mức đấu giá thành công bình quân, thông thường sẽ là đích đến của giá cổ phiếu trên sàn. Tiêu biểu cho diễn biến có thể kể đến cổ phiếu PPC, SJS.

Có lẽ vì vậy mà nhà đầu tư không mặn mà gì với việc tham gia đấu giá. Đơn giản vì nếu đấu giá, nhà đầu tư sẽ phải làm thủ tục tham gia và phải chờ vài tháng trời cổ phiếu mới về đến tài khoản, trong khi trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu trên sàn đủ sức để “rơi” về mức giá đấu, do thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Đấu giá ế ẩm, doanh nghiệp giải quyết như thế nào?

Ông Trần Ngọc Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sông Đà 10 cho rằng, trong điều kiện thị trường như hiện nay, phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu vẫn an toàn hơn so với chào bán ra công chúng. Bản thân ông Lan cũng cảm thấy lo lắng cho khả năng thành công của đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng sắp tới.

Tuy nhiên, ông Lan cho biết thêm: "Nhiều khả năng SDT sẽ thành công vì thời điểm dự kiến chào bán cũng là khoảng thời gian mà thông thường thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ấm trở lại".

Theo thông tin từ một số quỹ, đối với những doanh nghiệp có lượng phát hành "ế ẩm", một cách giúp họ giải quyết số hàng này chính là tìm đến các quỹ đầu tư hoặc các công ty chứng khoán để chào bán. Với các thoả thuận ràng buộc nhất định về khoản đầu tư, việc hợp tác này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Một cách khác “im hơi, lặng tiếng” hơn mà nhiều doanh nghiệp đang làm là tổ chức mời đấu giá trực tiếp đến các tổ chức lớn. Theo đó, doanh nghiệp phát hành gửi trực tiếp thư mời cho các tổ chức và sau đó tổ chức cuộc đấu giá giữa các tổ chức đăng ký mua với nhau. Trong số này có thể kể đến Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Việc doanh nghiệp chưa niêm yết tìm đến các tổ chức đầu tư, như quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… để chào bán cổ phần phát hành mới tạo thêm cơ hội giải ngân cho các tổ chức này. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, đây là một động thái tích cực, vì họ không phải mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm những cơ hội đầu tư tốt, trong bối cảnh tại thị trường chứng khoán chính thức nhiều cổ phiếu “ngon” đã hết room.

Lợi từ phía tổ chức đầu tư là dễ giải ngân, còn doanh nghiệp vẫn huy động được nguồn vốn tốt trong bối cảnh thị trường đi xuống. Hơn thế nữa, việc thuyết phục được các tổ chức đầu tư góp vốn cũng làm tăng uy tín của doanh nghiệp đối với cổ đông và thị trường, đồng thời, các cổ đông lớn sẽ tạo thêm áp lực giúp doanh nghiệp tăng cường minh bạch quản trị, tăng hiệu quả hoạt động.