“Bàn thêm về dự án bauxite là không trái lòng dân”
Những lo ngại về vấn đề môi trường của các dự án bauxite trở lại trên diễn đàn Quốc hội
Phát biểu sau cùng tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (2/11) của Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề “có thể dừng lại dự án bauxite để bàn bạc cho thấu đáo”.
Và, mặc dù đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên giải trình về 6 lo lắng liên quan đến vấn đề bùn đỏ, nhưng đại biểu Dương Trung Quốc cho biết ông chưa thể an lòng.
"Quốc hội yên tâm"
“Xin phép phát biểu dài hơn một chút”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tập trung phát biểu những vấn đề môi trường liên quan đến khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Theo Bộ trưởng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập và do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức hội đồng thẩm định, đã làm rất khoa học và bảo đảm độ an toàn về hệ thống môi trường với các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam.
“Tôi nói như thế để Quốc hội yên tâm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về một số ý kiến cử tri phân vân cách thẩm định này như thế nào, Bộ trưởng Nguyên cho biết, hội đồng thẩm định gồm 21 người, lớn hơn các hội đồng thẩm định khác khoảng ba lần. Nhưng đặc biệt hơn trong hội đồng thẩm định này bao gồm 18/ 21 người là nhà khoa học, đã đi ba nước để nghiên cứu. Một là đi Úc, bởi vì ở Úc các công nghệ về khai thác bauxite hiện đại nhất thế giới. Hai là đi Brazil với địa hình, đặc tính của mỏ giống của Việt Nam. Thứ ba là một đoàn đi Trung Quốc, ngay chính nơi có công nghệ chuyển giao cho Việt Nam.
“Chúng tôi đã chuẩn bị và bố trí làm việc, trạng bị các kiến thức cũng như các kinh nghiệm cho hội đồng rất cẩn thận, đi đến đâu đều có quay phim, chụp ảnh và đều mang các tài liệu về để thẩm định”, Bộ trưởng nói.
Xung quanh hồ bùn đỏ có 6 lo lắng chính, Bộ trưởng Nguyên xin “Quốc hội lắng nghe”. Thứ nhất, về chuyện nước có chảy vào hồ hay không thì "toàn bộ hệ thống mương hứng toàn bộ nước và lưu lượng nước ở đây đã tính đến biến đổi khí không để nước tràn vào".
Phân vân và lo lắng thứ hai là có bị thẩm thấu dọc xuống hay không, theo ông Nguyên thì “không thể thấm được” vì đã đạt tiêu chuẩn thế giới. Thứ ba là ở đây có động đất hay không và đến cấp mấy? Viện Vật lý địa cầu đã vào đo từ nhiều năm nay, đã xác định độ động đất tối đa là đến cấp 5, nhưng chúng tôi yêu cầu trong thiết kế ở đây là đến cấp 7, không thể cao hơn nữa được.
Thứ tư, lo có đứt gãy hay không thì theo Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, “khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gãy”.
Thứ năm là có vỡ hồ bùn đỏ hay không? Theo Bộ trưởng, thường trong khu chứa bùn đỏ này chia ra làm các lô, như ở Brazin, mỗi một hồ là khoảng 45 - 50 ha. Còn ở Việt Nam, để hệ số an toàn hơn trong diện tích 108 ha đã chia ra 8 hồ, so với các nước hồ của ta nhỏ hơn 1/3. Khi ta thải ra hồ thứ nhất, có sự cố vỡ thì hồ thứ hai phải hứng cái vỡ của hồ thứ nhất, tương tự như vậy. Khi đã thải đến hồ thứ ba thì hồ thứ nhất đã tháo nước và đã khô.
Vấn đề cuối cùng là đến hồ cuối cùng nếu vỡ thì giải pháp như thế nào, Bộ trưởng Nguyên cho biết đang yêu cầu TKV trong báo cáo đánh giá tác động của môi trường dành ra một diện tích khoảng 50 ha, nếu như hồ cuối cùng vỡ thì toàn bộ 50 ha này phải chứa.
“Hiện nay chúng tôi đang yêu cầu TKV phải xem xét và nghiên cứu để ra được giải pháp an toàn nhất, tuyệt đối không để cho bùn đỏ đầy tràn”, ông Nguyên giải trình.
Cử tri nào quan tâm đóng góp ý kiến cụ thể về những vấn đề liên quan đến môi trường thì chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp tài liệu để nghiên cứu, Bộ trưởng nói.
Cần bàn bạc thấu đáo
Đã từng gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội để nói về quan ngại về vấn đề môi trường của bauxite sau sự cố bùn đỏ Hungary, tại hội trường hôm nay, đại biểu Dương Trung Quốc tiếp tục đi sâu vào vấn đề này.
Câu hỏi đầu tiên vị đại biểu này đặt ra là tại sao báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội không nói gì đến vấn đề nêu trên và Quốc hội cũng không yêu cầu Chính phủ giải trình. Nêu vấn đề này trước hết để làm an lòng dân, sau nữa thể hiện tính nhạy bén và trách nhiệm giám sát thường xuyên của mình. "Dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bauxite đã là chuyện "ván đã đóng thuyền", ông Quốc nói.
Cho biết “tất cả những điều Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu trước tôi cũng chưa thực sự làm an lòng tôi”, đại biểu Quốc phân tích “như Bộ trưởng nói, tất cả việc triển khai xây dựng báo cáo về môi trường diễn ra cách đây đã một năm”, như thế vẫn là những thông tin cũ.
Hơn thế nữa, chính Bộ trưởng Nguyên từng nói rằng đó là về lý thuyết còn trên thực tiễn là chưa rõ. “Người ta đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn như thế nào, chúng ta thấy thấp thoáng câu chuyện Vinashin, câu chuyện Thủ tướng không cho phép mà người đứng đầu vẫn thực hiện, vì thế cho nên không thể làm an lòng người dân được”.
Theo đại biểu Quốc, nếu theo dõi diễn biến ngay trong thời gian 10 ngày khi kỳ họp thứ 8 đang diễn ra cho đến hôm nay, chỉ cần qua những phương tiện truyền thông của nhà nước, người dân cũng có thể cảm nhận được rằng mối quan ngại của mình về dự án này càng ngày càng có cơ sở. Những ý kiến mang tính chất phản biện khoa học và đầy tinh thần trách nhiệm của những người yêu cầu phải dừng hay xem xét lại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên ngày càng nhiều về số lượng, càng có sức nặng thuyết phục về chất lượng.
Trong khi đó, trả lời từ các quan chức có trách nhiệm của Chính phủ vẫn còn bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại về hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, về những rủi ro về sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Đề cập đến trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc cho rằng, dự án bauxite có thể tìm thấy bài học từ sự đổ vỡ của Vinashin, nếu như Quốc hội buông lỏng quyền giám sát. “Vinashin làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, hậu quả của dự án bauxite nếu xảy ra sẽ liên quan đến vận mệnh của quốc gia”, ông Quốc nhấn mạnh.
Với những phân tích của mình, đại biểu Dương Trung Quốc nêu chính kiến, “cho dù mọi sự so sánh có thể là khập khiễng, từ bài học kéo pháo của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn có thể tìm thấy sự đồng thuận, đi đến những quyết định dũng cảm và sáng suốt. Ví như sau khi cân nhắc kỹ lại một lần nữa, có thể dừng lại dự án bauxite để bàn bạc cho thấu đáo. Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã kéo dài nhiều năm vì sự lựa chọn phương án tối ưu và cái tối ưu phải thuộc về lợi ích dân tộc của mình, vì thế việc dừng lại để bàn thêm dự án bauxite là điều không trái với lòng dân”, ông Quốc kết thúc bài phát biểu, và Quốc hội hết giờ làm việc buổi sáng.
Và, mặc dù đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên giải trình về 6 lo lắng liên quan đến vấn đề bùn đỏ, nhưng đại biểu Dương Trung Quốc cho biết ông chưa thể an lòng.
"Quốc hội yên tâm"
“Xin phép phát biểu dài hơn một chút”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tập trung phát biểu những vấn đề môi trường liên quan đến khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Theo Bộ trưởng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập và do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức hội đồng thẩm định, đã làm rất khoa học và bảo đảm độ an toàn về hệ thống môi trường với các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam.
“Tôi nói như thế để Quốc hội yên tâm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về một số ý kiến cử tri phân vân cách thẩm định này như thế nào, Bộ trưởng Nguyên cho biết, hội đồng thẩm định gồm 21 người, lớn hơn các hội đồng thẩm định khác khoảng ba lần. Nhưng đặc biệt hơn trong hội đồng thẩm định này bao gồm 18/ 21 người là nhà khoa học, đã đi ba nước để nghiên cứu. Một là đi Úc, bởi vì ở Úc các công nghệ về khai thác bauxite hiện đại nhất thế giới. Hai là đi Brazil với địa hình, đặc tính của mỏ giống của Việt Nam. Thứ ba là một đoàn đi Trung Quốc, ngay chính nơi có công nghệ chuyển giao cho Việt Nam.
“Chúng tôi đã chuẩn bị và bố trí làm việc, trạng bị các kiến thức cũng như các kinh nghiệm cho hội đồng rất cẩn thận, đi đến đâu đều có quay phim, chụp ảnh và đều mang các tài liệu về để thẩm định”, Bộ trưởng nói.
Xung quanh hồ bùn đỏ có 6 lo lắng chính, Bộ trưởng Nguyên xin “Quốc hội lắng nghe”. Thứ nhất, về chuyện nước có chảy vào hồ hay không thì "toàn bộ hệ thống mương hứng toàn bộ nước và lưu lượng nước ở đây đã tính đến biến đổi khí không để nước tràn vào".
Phân vân và lo lắng thứ hai là có bị thẩm thấu dọc xuống hay không, theo ông Nguyên thì “không thể thấm được” vì đã đạt tiêu chuẩn thế giới. Thứ ba là ở đây có động đất hay không và đến cấp mấy? Viện Vật lý địa cầu đã vào đo từ nhiều năm nay, đã xác định độ động đất tối đa là đến cấp 5, nhưng chúng tôi yêu cầu trong thiết kế ở đây là đến cấp 7, không thể cao hơn nữa được.
Thứ tư, lo có đứt gãy hay không thì theo Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, “khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gãy”.
Thứ năm là có vỡ hồ bùn đỏ hay không? Theo Bộ trưởng, thường trong khu chứa bùn đỏ này chia ra làm các lô, như ở Brazin, mỗi một hồ là khoảng 45 - 50 ha. Còn ở Việt Nam, để hệ số an toàn hơn trong diện tích 108 ha đã chia ra 8 hồ, so với các nước hồ của ta nhỏ hơn 1/3. Khi ta thải ra hồ thứ nhất, có sự cố vỡ thì hồ thứ hai phải hứng cái vỡ của hồ thứ nhất, tương tự như vậy. Khi đã thải đến hồ thứ ba thì hồ thứ nhất đã tháo nước và đã khô.
Vấn đề cuối cùng là đến hồ cuối cùng nếu vỡ thì giải pháp như thế nào, Bộ trưởng Nguyên cho biết đang yêu cầu TKV trong báo cáo đánh giá tác động của môi trường dành ra một diện tích khoảng 50 ha, nếu như hồ cuối cùng vỡ thì toàn bộ 50 ha này phải chứa.
“Hiện nay chúng tôi đang yêu cầu TKV phải xem xét và nghiên cứu để ra được giải pháp an toàn nhất, tuyệt đối không để cho bùn đỏ đầy tràn”, ông Nguyên giải trình.
Cử tri nào quan tâm đóng góp ý kiến cụ thể về những vấn đề liên quan đến môi trường thì chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp tài liệu để nghiên cứu, Bộ trưởng nói.
Cần bàn bạc thấu đáo
Đã từng gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội để nói về quan ngại về vấn đề môi trường của bauxite sau sự cố bùn đỏ Hungary, tại hội trường hôm nay, đại biểu Dương Trung Quốc tiếp tục đi sâu vào vấn đề này.
Câu hỏi đầu tiên vị đại biểu này đặt ra là tại sao báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội không nói gì đến vấn đề nêu trên và Quốc hội cũng không yêu cầu Chính phủ giải trình. Nêu vấn đề này trước hết để làm an lòng dân, sau nữa thể hiện tính nhạy bén và trách nhiệm giám sát thường xuyên của mình. "Dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bauxite đã là chuyện "ván đã đóng thuyền", ông Quốc nói.
Cho biết “tất cả những điều Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu trước tôi cũng chưa thực sự làm an lòng tôi”, đại biểu Quốc phân tích “như Bộ trưởng nói, tất cả việc triển khai xây dựng báo cáo về môi trường diễn ra cách đây đã một năm”, như thế vẫn là những thông tin cũ.
Hơn thế nữa, chính Bộ trưởng Nguyên từng nói rằng đó là về lý thuyết còn trên thực tiễn là chưa rõ. “Người ta đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn như thế nào, chúng ta thấy thấp thoáng câu chuyện Vinashin, câu chuyện Thủ tướng không cho phép mà người đứng đầu vẫn thực hiện, vì thế cho nên không thể làm an lòng người dân được”.
Theo đại biểu Quốc, nếu theo dõi diễn biến ngay trong thời gian 10 ngày khi kỳ họp thứ 8 đang diễn ra cho đến hôm nay, chỉ cần qua những phương tiện truyền thông của nhà nước, người dân cũng có thể cảm nhận được rằng mối quan ngại của mình về dự án này càng ngày càng có cơ sở. Những ý kiến mang tính chất phản biện khoa học và đầy tinh thần trách nhiệm của những người yêu cầu phải dừng hay xem xét lại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên ngày càng nhiều về số lượng, càng có sức nặng thuyết phục về chất lượng.
Trong khi đó, trả lời từ các quan chức có trách nhiệm của Chính phủ vẫn còn bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại về hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, về những rủi ro về sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Đề cập đến trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc cho rằng, dự án bauxite có thể tìm thấy bài học từ sự đổ vỡ của Vinashin, nếu như Quốc hội buông lỏng quyền giám sát. “Vinashin làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, hậu quả của dự án bauxite nếu xảy ra sẽ liên quan đến vận mệnh của quốc gia”, ông Quốc nhấn mạnh.
Với những phân tích của mình, đại biểu Dương Trung Quốc nêu chính kiến, “cho dù mọi sự so sánh có thể là khập khiễng, từ bài học kéo pháo của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn có thể tìm thấy sự đồng thuận, đi đến những quyết định dũng cảm và sáng suốt. Ví như sau khi cân nhắc kỹ lại một lần nữa, có thể dừng lại dự án bauxite để bàn bạc cho thấu đáo. Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã kéo dài nhiều năm vì sự lựa chọn phương án tối ưu và cái tối ưu phải thuộc về lợi ích dân tộc của mình, vì thế việc dừng lại để bàn thêm dự án bauxite là điều không trái với lòng dân”, ông Quốc kết thúc bài phát biểu, và Quốc hội hết giờ làm việc buổi sáng.