12:09 22/10/2010

Hai hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên “về lý thuyết thì an toàn”

Nguyên Thảo

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói công nghệ xử lý bùn đỏ của Hungary và Việt Nam khác nhau hoàn toàn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên.
Liên quan đến sự cố bùn đỏ tại Hungary, trả lời báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cũng cho rằng “phải xem xét kỹ lại hai hồ bùn đỏ của Việt Nam”.

Ông Nguyên cho biết, sau khi sự cố bùn đỏ tại Hungary xảy ra, Bộ đã báo cáo Chính phủ, đề nghị thành lập đoàn công tác gồm liên bộ Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương và Ban Tuyên giáo sang khảo sát tại Hungary.

“Hiện nay phía Hungary đã nhận lời, nhưng thời điểm thì chưa khẳng định cụ thể”, ông Nguyên nói.

Khẳng định rằng “theo đánh giá hiện nay với hai hồ bùn đỏ thì khẳng định là đảm bảo an toàn”, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyên cũng giải thích do các hồ chưa vận hành, nên hiện mới chỉ “khẳng định an toàn về mặt lý thuyết” và “về mặt chạy mô hình”.

“Nhưng qua sự cố tại Hungary thì phải đưa hệ số an toàn lên cao hơn. Hiện nay theo tinh thần chỉ đạo và qua thực tế là mình chưa có kinh nghiệm gì, thì chắc là sau chuyến đi khảo sát tại Hungary, cần phải xem xét kỹ lại hai hồ bùn đỏ của Việt Nam”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Một trong những lý do để khẳng định là “an toàn”, theo Bộ trưởng Nguyên, là công nghệ xử lý bùn đỏ của Hungary và Việt Nam khác nhau hoàn toàn. Trước khi xây dựng hai hồ bùn đỏ ở Tân Rai và Nhân Cơ thì Bộ đã khảo sát mô hình bùn đỏ của Brazil và Úc. Họ đã trồng cây trên bùn đỏ 20 năm nay rồi, cây cũng đã lên cao.

“Mô hình của ta đi theo hai nơi này chứ không phải của Hungary”, ông Nguyên nói.

Nhắc lại sự “yên tâm” về hai hồ bùn đỏ của Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyên khẳng định công nghệ của hồ bùn đỏ Việt Nam đã được thẩm định rất cẩn thận bởi hội đồng quốc gia và cả chuyên gia nước ngoài, hệ số an toàn đã gấp hai lần, động đất tính cấp 7 nhưng đã tính trừ hao lên cấp 9.

“Ở Hungary là cả cái hồ to đùng, còn công nghệ của Tây Nguyên hơi khác, là chia ra từng lô một, mỗi lô 5 ha, kín hết lô này mới đổ lô khác”, ông Nguyên nói.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về việc giám sát ngay tại thời điểm này, Bộ trưởng Nguyên cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập tổ giám sát gồm gồm đầy đủ các cơ quan chức năng, giám sát từng ngày, 24/24h, nhật ký xây dựng hồ bùn đỏ đều phải ghi vào sổ giám sát. Và “chưa có công trình nào mà có tổ giám sát quốc gia như hai cái hồ bùn đỏ này”.

Liên quan đến vấn đề môi trường của các dự án bauxite ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyên nhắc lại ba vấn đề: bùn đỏ, công nghệ khai thác đến đâu thì phục hồi rừng đến đấy, và chất thải của nhà máy.

Những vấn đề này đã thẩm định rất cẩn thận và còn quá trình triển khai thì đã thành lập tổ giám sát rồi, ông nói.

Trong ít phút trả lời phỏng vấn, người đứng đầu Bộ Tài nguyên Môi trường hơn một lần nhắc lại với báo chí rằng “cứ yên tâm về hai hồ bùn đỏ của Việt Nam”.

Kỳ họp Quốc hội thứ tám mới bước sang ngày làm việc thứ ba, song đã không ít vị đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước vấn đề môi trường tại các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên và cho biết sẽ tập trung chất vấn nội dung này.