Bao giờ hệ thống Kho bạc đạt mục tiêu "ba không"
Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về kết quả công tác trọng tâm năm 2023 vừa qua, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, vẫn còn một số trở ngại để hiện thực hoá: không có khách hàng giao dịch trực tiếp, không tiền mặt và không chứng từ giấy.
Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết, đến năm 2030 sẽ đạt trọn vẹn mục tiêu hình thành Kho bạc Nhà nước "ba không" như nói trên. Về mục tiêu "không khách hàng giao dịch tại trụ sở kho bạc", kể từ khi triển khai dịch vụ công trực tuyến đến nay gần như không có khách hàng đến giao dịch trực tiếp; hiện chỉ có một số nhóm, khối giao tiếp trực tiếp và chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
CHƯA THỂ SỐ HOÁ HỒ SƠ HOÀN TOÀN
Năm 2023, 100% các đơn vị đã tham gia giao dịch trên Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, trừ khối an ninh quốc phòng, chiếm 99,5% hồ sơ kiểm soát chi ngân sách nhà nước; 100% thủ tục được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng tiếp tục nghiên cứu rà soát cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục theo hướng cải cách, lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước.
Về chứng từ giấy, theo bà Huệ, cơ bản các giao dịch và các hồ sơ thanh toán cũng chuyển qua dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên còn hai đầu việc hệ thống kho bạc vẫn phải tiếp tục triển khai.
Thứ nhất, những hồ sơ liên quan đến hợp đồng của các khoản chi đầu tư do dung lượng quá lớn, không thể scan để gửi trên dịch vụ công, do đó bắt buộc phải mang trực tiếp đến kho bạc. Sắp tới, Kho bạc Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nhận hợp đồng điện tử và cải thiện về chứng từ giấy.
Thứ hai, cùng với các dự án đang triển khai rất quyết liệt, dự án chuỗi điện tử năm 2024 sẽ đem lại bước cải cách đáng kể. Nhờ đó, đến năm 2030, Kho bạc Nhà nước sẽ đạt trọn vẹn mục tiêu "3 không".
TIỀN MẶT GẦN NHƯ VẮNG BÓNG
Thông tin về công tác thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Pháp chế, đánh giá năm vừa qua, công tác thu chi tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước giảm đáng kể.
"Năm 2023, số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,069% so với tổng thu ngân sách nhà nước, giảm 0,091% so với năm 2022. Số chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,097% so với tổng chi ngân sách nhà nước, giảm 0,263% so với năm 2022".
Báo cáo của Kho bạc Nhà nước.
Để đạt kết quả khả quan này, hệ thống Kho bạc Nhà nước triển khai rất nhiều biện pháp, từ sửa đổi cơ chế chính sách, xây dựng đề án thanh toán không dùng tiền mặt và quyết liệt triển khai giảm thu chi bằng tiền mặt.
Trả lời thắc mắc về một số khoản thu, chi bằng tiền mặt tồn đọng trong hệ thống kho bạc dù tỷ lệ khiêm tốn, ông Nguyễn Văn Quang, cho biết Thông tư số 136/2018/TT-BTC quy định một số khoản thu chi vẫn được dùng tiền mặt.
Đó là các khoản thanh toán cá nhân của những đơn vị hưởng lương ngân sách nhưng chưa thể thực hiện thanh toán bằng chuyển khoản, những nơi điều kiện tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hạn chế khi chuyển khoản như vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, có một số khoản chi bằng tiền mặt chi trả hỗ trợ người dân, chi đền bù giải phóng mặt bằng trực tiếp cho người dân.
Cũng theo quy định của Thông tư số 136, một số khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 5 triệu đồng, đơn vị được phép thanh toán bằng tiền mặt. Với khoản chi mua sắm hàng hóa dưới 100 triệu đồng, đơn vị mua sắm hàng hóa cũng có thể rút tiền mặt từ kho bạc, còn từ 100 triệu đồng trở lên rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại.
Theo ghi nhận, đây là năm thứ 2 thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã hiện đại hóa phương thức thu, chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường trao đổi, phối hợp, kết nối với các đơn vị liên quan, thúc đẩy các kênh thanh toán điện tử nhằm gia tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân như tiếp tục thực hiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình với cơ quan thuế, hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và các hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại.
Đến nay, Kho bạc Nhà nước hợp tác trong tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với 20 hệ thống ngân hàng thương mại, với số lượng tài khoản của các đơn vị Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng là 3.309 tài khoản.
Đáng chú ý, Kho bạc Nhà nước kiểm soát và chủ động thanh toán theo định kỳ đối với các khoản chi mà đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước sử dụng trước, thanh toán sau (điện, nước, viễn thông) theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước cho phép Kho bạc Nhà nước trích tài khoản của đơn vị chi trả cho nhà cung cấp theo giá trị hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị đã sử dụng.
Nhờ đó, giảm đáng kể số lượng hồ sơ giao dịch, ước tính khoảng 90.684 hồ sơ giao dịch/tháng và giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động. Do ngày thanh toán được ấn định trước, việc triển khai chương trình góp phần tăng hiệu quả cho công tác dự báo ngân quỹ.
MỤC TIÊU KHO BẠC KHÔNG TIỀN MẶT CÓ KHẢ THI?
Với mức giảm đáng kể như vậy nhưng do vẫn tồn đọng một số khoản nêu trên, vậy Kho bạc Nhà nước liệu có đạt mục tiêu 100% thu chi ngân sách không dùng tiền mặt?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Pháp chế, cho biết khi xây dựng đề án không dùng tiền mặt và quyết tâm thực hiện đến năm 2025, hệ thống Kho bạc Nhà nước hướng đến mục tiêu không còn chi tiền mặt, về thu tiền mặt sẽ giảm tới mức thấp nhất.
Bởi theo ông Quang, quy định hiện nay của Luật Quản lý thuế nêu rõ người nộp thuế, phí, lệ phí có quyền chọn phương thức nộp bằng tiền mặt hay chuyển khoản, chọn địa điểm nộp tại kho bạc hay kênh thanh toán khác. Do đó, kho bạc sẽ hướng tới trong công tác thu chi tiền mặt chủ yếu là thu tiền mặt ở mức thấp nhất, chi tiền mặt sẽ phấn đấu tối đa.
Để triển khai nhiệm vụ này, về thu ngân sách, hệ thống Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung mở rộng các kênh thanh toán phối hợp thu với ngân hàng thương mại, tài khoản chuyên thu của ngân hàng thương mại, đẩy mạnh các phương thức thu nộp điện tử qua cổng thông tin của cơ quan thuế, hải quan, các trung gian thanh toán.
Về chi ngân sách nhà nước, ông Quang cho biết đang nghiên cứu sửa đổi cơ chế, nhất là Thông tư 136 về chi tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước đã ban hành từ năm 2017. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng các phạm vi, địa bàn bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, kho bạc đã triển khai nhiều năm nhưng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước,khảo sát những địa bàn, những nơi có khả năng cung ứng dịch vụ thanh toán tốt để thực hiện, nhất là vùng sâu vùng xa.
Theo đánh giá của Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, nhờ triển khai các giải pháp trên đã giảm thanh toán thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc, tỷ trọng thu chi bằng tiền mặt hiện chưa đến 0,1%, trong bối cảnh nhiều hoạt động khác trong nền kinh tế vẫn dùng tiền mặt lớn.