19:05 06/10/2021

Bất chấp "cú sốc" Covid-19, doanh thu phí bảo hiểm vượt mốc 150 nghìn tỷ

Trâm Anh

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, kéo lùi tăng trưởng nhiều ngành kinh tế, song dường như ngoại lệ với lĩnh vực bảo hiểm. 9 tháng, doanh thu phí bảo hiểm tăng 15,38%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 23,37%...

Thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng mạnh trong đại dịch.
Thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng mạnh trong đại dịch.

Thông tin từ Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 650.165 tỷ đồng, tăng 20,62% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 547.943 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 535.867 tỷ đồng, tăng 23,37% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 54.172 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 481.695 tỷ đồng.

Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 423.821 tỷ đồng, tăng 22,45% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.806 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 396.015 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 152.755 tỷ đồng, tăng 37,39% so với cùng kỳ, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.442 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 118.313 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 151.993 tỷ đồng, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 43.890 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 108.103 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 37.977 tỷ đồng, tăng 11,69% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 14.568 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 23.409 tỷ đồng.

Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 8.877 đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 5.922 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 2.955 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ. 

 
"Trong giai đoạn 2000-2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời kì dài, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới hay tác động bất lợi khác. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân trên 20%/năm".
Bộ Tài chính.

Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm thực thi, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã tạo khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển.

Thời điểm năm 2020, chỉ có 15 doanh nghiệp, đến nay thị trường bảo hiểm đã có 75 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 23 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tạo kênh huy động vốn quan trọng cho nền nền kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho hàng triệu người.

Mới đây nhất, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Nhiều quy định mới được sửa theo hướng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và khắc phục những bất cập hiện nay. Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đánh giá dự thảo giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của khách hàng. 

Theo đó, dự thảo bổ sung nội dung: “Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Song song với đó, bên mua bảo hiểm cũng phải nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Luật này để tránh xảy ra tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm.