12:41 08/09/2022

Bị trừng phạt, Nga vẫn bán dầu cho châu Âu bằng cách nào?

Ngọc Trang

Dù bị các nước phương Tây trừng phạt liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu sang châu Âu qua các tuyến hàng hải ngầm…

Hai tàu chở dầu ở Vịnh Laconia ngoài khơi Hy Lạp vào ngày 24 tháng 8 - Ảnh: Nikkei Asia
Hai tàu chở dầu ở Vịnh Laconia ngoài khơi Hy Lạp vào ngày 24 tháng 8 - Ảnh: Nikkei Asia

Theo một phân tích của Nikkei Asia, trong 6 tháng kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, trên vùng biển thuộc Hy Lạp đã có 41 con tàu tiếp nhận dầu được chuyển tải từ các tàu chở dầu xuất phát từ Nga rồi đưa dầu đó tới các hải cảng ở châu Âu. Trong năm 2021, chỉ có 1 tàu thực hiện hoạt động này và có hành trình như vậy.

Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang tiến tới cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay. Tuy nhiên, việc chuyển dầu giữa các tàu ngay trên biển giúp che giấu nguồn gốc của số dầu đó và hoạt động này được dự báo có thể vẫn tiếp tục diễn ra sau khi lệnh cấm có hiệu lực.

LÁCH TRỪNG PHẠT QUA VÙNG BIỂN HY LẠP

Ngày 24/8, phóng viên của Nikkei Asia đã chụp được hình ảnh chuyển dầu từ một tàu chở dầu sang một tàu khác trên Vịnh Laconia, Hy Lạp. Trong đó, một tàu là Sea Falcon, đăng ký tại Hy Lạp, trước đó đã rời cảng Ust-Luga - một bến cảng dầu ở phía Tây Bắc Nga vào ngày 4/8. Tàu còn lại là Jag Lok gắn cờ Ấn Độ, khởi hành từ cảng Aliaga của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 4/8. Xung quanh hai tàu này có các tàu nhỏ hỗ trợ việc chuyển tải dầu.

Cận cảnh cho thấy tên của các tàu chở dầu tham gia một chuyến vận chuyển dầu thô, Sea Falcon (phải) và Jag Lok vào ngày 24/8 - Ảnh: Nikkei Asia
Cận cảnh cho thấy tên của các tàu chở dầu tham gia một chuyến vận chuyển dầu thô, Sea Falcon (phải) và Jag Lok vào ngày 24/8 - Ảnh: Nikkei Asia

“Việc này tiềm ẩn nguy cơ lớn xảy ra sự cố gây tràn dầu trên biển. Khí thải và rác thải từ các tàu chở dầu cũng là một vấn đề gây rắc rối cho cả ngành thủy hải sản và du lịch", Thalis Ladakakis, một người dân Hy Lạp, nhận xét và cho biết số lượng tàu chở dầu đã tăng vọt kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra hôm 24/2.

Để tìm hiểu hoạt động vận chuyển dầu Nga bằng đường biển, Nikkei đã sử dụng dữ liệu từ công ty Refinitiv của Anh để xem các tàu chở dầu rời các cảng của Nga, bắt đầu từ ngày 24/2, đã đi đến đâu và tiếp xúc với những tàu nào.

Cuộc khảo sát bao gồm dữ liệu về các vùng biển ngoài khơi Địa Trung Hải của Hy Lạp, nơi thường xuyên diễn ra hoạt động chuyển tải giữa các tàu. Các tín hiệu của Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) từ các tàu đã được theo dõi để xác định các tuyến đường của chúng. Sự thay đổi về độ chìm tàu – khoảng cách từ đáy tàu đến mặt nước, tăng lên khi tàu chất đầy hàng – cũng được xem xét để xác định số lần chuyển tải hàng.

Kết quả cho thấy, trong vòng 6 tháng tính tới ngày 22/8, 175 tàu đã thực hiện chuyển tải với các tàu chở dầu từ Nga trên vùng biển của Hy Lạp. Trong cùng kỳ năm ngoái chỉ có 9 tàu có hoạt động này. 

Kết quả theo dõi hành trình của 89 tàu trong số này, có 41 tàu đến Hy Lạp, Bỉ và một số cảng khác ở châu Âu, như đã đề cập ở trên.

Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các vùng biển gần Hy Lạp trong việc là một điểm trung chuyển dầu giữa Nga và châu Âu.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy Nga đã xuất khẩu 23,86 triệu thùng dầu theo hình thức chuyển tải dầu như thế này ở vùng biển Hy Lạp. Cùng kỳ năm ngoái, còn số này là 4,34 triệu thùng.

EU dự kiến cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu Nga qua đường biển từ ngày 5/12 tới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu Nga sang EU trong tháng 7 đạt 2,8 triệu thùng/ngày, giảm 26% so với hồi tháng 1. Dù việc mua dầu của Nga ở thời điểm hiện tại vẫn hợp pháp, các doanh nghiệp châu Âu đang xem xét lại mối quan hệ của họ với phía đối tác Nga trong bối cảnh chịu sự giám sát của thị trường cũng như các chính phủ.

KHÓ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC DẦU

Nikkei cũng phân tích hoạt động vận chuyển dầu của các tàu tới Anh trong tháng 6, sử dụng dữ liệu về tuyến đường và độ chìm tàu, cũng như hình ảnh vệ tinh từ công ty Planet Labs của Mỹ. Kết quả cho thấy một tàu chở dầu mang cờ Malta đã nhận dầu từ 2 tàu đi từ Nga và sau đó cập cảng Immingham, phía Đông nước Anh, vào ngày 4/6.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu năng lượng châu Âu Kpler cho thấy tàu này đã chở 300.000 thùng dầu do nhà hãng dầu quốc doanh Rosneft của Nga sản xuất. Công ty Trafigura có trụ sở tại Thụy Sĩ là đơn vị môi giới và bán số dầu này cho Prax Group, một công ty bán buôn dầu cỡ vừa của Anh.

Khi được hỏi về giao dịch này, Prax Group nói rằng không thể bình luận gì về thông tin hoạt động nhạy cảm liên quan tới các hoạt động vận chuyển dầu riêng lẻ.

 

Nếu trộn lẫn dầu Nga với các loại dầu xuất xứ từ nơi khác trong quá trình chuyển tải thì không ai có thể truy xuất nguồn gốc.

“Chúng tôi đang làm phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Anh và có thể khẳng định rằng chúng tôi hoàn toàn tuân thủ các lệnh trừng phạt liên quan”, công ty này trả lời Nikkei Asia.

Trong khi đó, Trafigura nói rằng: "Chúng tôi tương tác một cách cởi mở và thường xuyên với các khách hàng và các chính phủ có liên quan để hiểu yêu cầu của họ và đảm bảo chúng tôi cung cấp tài liệu đáp ứng những yêu cầu đó”.

Hoạt động chuyển tải dầu giữa các tàu diễn ra tương đối phổ biến. Hoạt động này đôi khi được thực hiện để gom dầu vào một tàu chở dầu lớn hơn nhằm nâng cao hiệu quả vận tải trên các tuyến biển dài. Trong trường hợp này, việc xác định nguồn gốc của dầu không hề dễ.

Các quốc gia thường yêu cầu nhà nhập khẩu khai báo xuất xứ của hàng hóa với cơ quan hải quan. Tuy nhiên, theo ông Yutaka Tsurusaki, một luật sư người Nhật am hiểu luật hàng hải, một số công ty khai báo địa điểm chuyển tải dầu là nơi xuất xứ hàng hóa để che dấu nguồn gốc.

"Dòng chảy dầu phải được theo dõi bởi chính quyền cảng, kể cả khi dầu được chuyển tải từ tàu này sang tàu khác nhiều lần. Họ cần phải có kinh nghiệm và kiến thức ở mức độ chưa từng có”, nhà phân tích Michelle Wiese Bockmann của Lloyd's List Intelligence nhận xét.

Theo ông Julien Mathonniere, chuyên gia kinh tế về thị trường dầu mỏ của Energy Intelligence Group, nếu trộn lẫn dầu Nga với các loại dầu xuất xứ từ nơi khác trong quá trình chuyển tải thì không ai có thể truy xuất nguồn gốc.

Trong hướng dẫn năm 2020 dành cho các công ty vận tải biển, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các công ty này cảnh giác với hành vi lừa đảo, nói rằng "hoạt động chuyển tải giữa các tàu thường được dùng để lách các lệnh trừng phạt bằng cách che giấu nguồn gốc và điểm đến của xăng dầu, than đá và những vật liệu được vận chuyển lén lút khác”.