Châu Âu đề xuất trần giá khí đốt Nga, Tổng thống Putin cảnh báo “khoá van” hoàn toàn
Những diễn biến căng thẳng này đẩy cao nguy cơ một số quốc gia thuộc hàng giàu nhất thế giới phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông 2022...
Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/9 đề xuất áp một trần giá đối với khí đốt Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo sẽ cắt toàn bộ cung cấp năng lượng nếu EU có một động thái như vậy. Những diễn biến căng thẳng này đẩy cao nguy cơ một số quốc gia thuộc hàng giàu nhất thế giới phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông 2022.
Giá khí đốt vốn đã cao chóng mặt ở châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục leo thang trong những tháng mùa đông sắp tới, buộc các chính phủ trong khu vực phải triển khai các kế hoạc chi tiêu khổng lồ để ngăn sự đổ vỡ của các công ty cung cấp năng lượng và hỗ trợ người tiêu dùng đang ngập trong cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí chưa từng có tiền lệ.
Giữa lúc căng thăng gia tăng, Tổng thống Putin nói rằng các hợp đồng mua bán năng lượng giữa Nga và châu Âu có thể bị phá bỏ nếu EU áp trần giá lên khí đốt Nga. Người đứng đầu điện Kremlin cảnh báo rằng phương Tây đang có nguy cơ bị đóng băng giống như đuôi của một con chó sói trong một câu truyện cổ tích nổi tiếng của Nga.
“Chúng tôi sẽ không cung cấp bất kỳ thứ gì nếu việc đó đi ngược lại lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu, than, dầu sưởi, chúng tôi sẽ không cung cấp gì hết”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tuy nhiên, lời cảnh báo của nhà lãnh đạo không cản được EU có thêm bước tiến trong ý định áp trần giá lên khí đốt Nga. Ngoài ra, EU cũng công bố kế hoạch áp trần lên giá điện từ các nhà máy phát điện không dùng khí đốt làm đầu vào.
Theo dự kiến, bộ trưởng bộ năng lượng các nước thành viên EU sẽ họp khẩn vào ngày thứ Sáu để thảo luận về các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.
“Chúng tôi sẽ đề xuất một trần giá để áp lên khí đốt Nga. Chúng ta cần cắt giảm nguồn thu mà Nga dùng để rót vào cuộc chiến ở Ukraine”, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu.
Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng Hà Lan - quốc gia liên tục phản đối việc áp trần giá khí đốt - sẽ ủng hộ việc áp trần giá đối với khí đốt Nga. Tuy nhiên, một bộ trưởng của Séc trước đó nói rằng vấn đề này không nên được đưa vào chương trình của cuộc họp ngày thứ Sáu. Séc hiện đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của EU.
Ông Putin đã lường trước được việc EU sẽ bàn việc áp trần giá lên khí đốt Nga và tuyên bố Nga sẽ đáp trả. “Chúng tôi sẽ không cung cấp bất kỳ thứ gì nếu việc đó đi ngược lại lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu, than, dầu sưởi, chúng tôi sẽ không cung cấp gì hết”, ông phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Vladivostok.
Trước khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine, châu Âu nhập khẩu từ Nga 40% lượng khí đốt mà 30% lượng dầu mà khu vực này tiêu thụ hàng năm.
Eurelectric, một tổ chức đại diện cho doanh nghiệp ngành điện ở châu Âu, chỉ trích kế hoạch áp trần giá 200 Euro/megawatt giờ lên điện từ các nhà máy phát điện không chạy bằng khí đốt.
“Nguyên nhân mấu chốt của vấn đề là sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt và sự lệ thuộc của chúng ta vào năng lượng hoá thạch nhập khẩu. Các chính phủ nên tìm cách giải quyết vấn đề này thay vì dùng đến những biện pháp can thiệp thị trường điện theo kiểu bóp méo và đối phó”, Tổng thư ký Kristian Ruby của Eurelectric nói.
Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty cung cấp điện-khí đốt của châu Âu đã tăng điểm mạnh sau thông tin về trần giá điện, vì giới đầu tư và phân tích cho rằng mức trần giá đưa ra tốt hơn so với dự kiến ban đầu.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Nga cắt vô thời hạn việc cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất giữa nước này với EU. Lý do được hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga đưa ra cho việc “khoá van” Nord Stream 1 là sự cố rò rỉ dầu tại một turbine của đường ống.
Châu Âu cáo buộc Nga dùng năng lượng làm “vũ khí” để trả đũa sự trừng phạt mà EU áp lên Nga liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine. Moscow phủ nhận cáo buộc này, nói rằng việc giảm cung cấp khí đốt chẳng qua do vấn đề kỹ thuật và do những trở ngại xuất phát từ chính các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.
Phát biểu ngày 7/9, ông Putin nói lện trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến việc cung cấp linh kiện, khiến cho đường ống Nord Stream 1 không thể tiếp tục hoạt động.
Giá khí đốt tăng quá cao đã khiến nhiều doanh nghiệp ở châu Âu phải cắt giảm sản xuất và các chính phủ trong khu vực phải chi nhiều tỷ USD để hỗ trợ người tiêu dùng vượt qua “bão giá”. Tân thủ tướng Anh Liz Truss dự kiến sẽ công bố kế hoạch của Chính phủ mới vào ngày thứ Năm, trong đó chi phí cho việc đóng băng giá điện ở Anh có thể lên tới 100 tỷ Bảng.