10:16 06/09/2022

EU muốn áp trần giá khí đốt Nga, liệu có khả thi?

Đức Anh

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất 2 lựa chọn để áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga sang EU qua đường ống. Tuy nhiên việc này có thể dẫn tới các điều khoản “bất khả kháng” trong hợp đồng nhập khẩu với phía Nga và “có thể làm leo thang căng thẳng địa chính trị”...

Một cơ sở lưu trữ khí đốt ở Rehden, Đức - Ảnh: Bloomberg
Một cơ sở lưu trữ khí đốt ở Rehden, Đức - Ảnh: Bloomberg

Trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung khiến giá khí đốt và giá điện ở châu Âu tăng chóng mặt, Ủy ban châu Âu (EC) đang đề xuất các biện pháp nhằm bảo vệ người dân và các ngành công nghiệp. Trong đó, một trong các đề xuất được đưa ra là áp đặt giá trần đối với khí đốt Nga vận chuyển sang châu Âu qua đường ống. 

Trong một tài liệu mà tờ Financial Times có được ngày 5/9, EC muốn các nước thành viên thực hiện áp đặt "trần giá bán buôn khẩn cấp" đối với khí đốt từ Nga và có 2 lựa chọn để triển khai việc này.

Một là áp đặt một giới hạn chung lên giá khí đốt nhập khẩu từ Nga. Hai là đưa ra một hệ thống giá trần khác nhau ở mỗi nước thành viên, tùy thuộc vào mức tiêu thụ năng lượng. 

Các biện pháp này nằm trong một kế hoạch tổng thể lớn hơn nhằm giảm tác động của tình trạng giá khí đốt và giá điện leo thang do Nga cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Các đề xuất này được đưa ra trong ngày mà Nga cảnh báo nguồn cung khí đốt từ Nga qua đường ống huyết mạch Nord Stream 1 sang châu Âu sẽ bị cắt cho tới khi phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Trong một đăng tải trên Twitter, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, nói rằng các đề xuất sẽ hướng tới áp giá trần đối với khí đốt qua đường ống từ Nga, hạn chế nhu cầu điện và sử dụng doanh thu từ các công ty năng lượng để hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp dễ bị tổn thương vì giá cao.

Thủ tướng Italy Mario Draghi trước đó cũng đã đề xuất các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) áp đặt giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga. Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron ngày 5/9 cho biết ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, một số thành viên của khối tỏ ra quan ngại với ý tưởng này do lo ngại Nga sẽ trả đũa bằng cách cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho EU.

Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong ngày 5/9 sau khi tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga, Gazprom, hôm thứ Sáu tuyên bố sẽ khoá Nord Stream 1 vô thời hạn. Đường ống này lẽ ra được mở lại vào ngày thứ Bảy sau cuộc bảo trì kéo dài 3 ngày.

Gazprom nói rằng lý do đưa ra quyết định trên là các biện pháp trừng phạt của phương Tây và vấn đề kỹ thuật. Trong khi đó, châu Âu cáo buộc Nga “vũ khí hóa” nguồn cung năng lượng để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine.

“Tổng thống Nga Vlidimir Putin đang dùng năng lượng như một vũ khí bằng cách cắt nguồn cung và thao túng thị trường năng lượng. Ông ta sẽ thất bại, còn châu Âu sẽ thắng thế”, bà von der Leyen nói.

 

Các kịch bản áp giá trần được đưa ra trong ngày mà Nga cảnh báo nguồn cung khí đốt từ Nga qua đường ống huyết mạch Nord Stream 1 sang châu Âu sẽ bị cắt cho tới khi phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Bà cho biết EC cũng đang lên kế hoạch để hỗ trợ các nhà sản xuất điện đang gặp khó khăn với vấn đề ký quỹ. Tại châu Âu, các công ty tiện ích được phép bán điện trước ở một mức giá nhất định, nhưng phải duy trì một khoản “ký quỹ tối thiểu” phòng trường hợp họ vỡ nợ trước khi sản xuất điện. Khi giá điện tăng, tiền ký quỹ bắt buộc tăng lên, khiến các công ty chật vật xoay tiền mặt để đáp ứng yêu cầu.

Theo các nhà phân tích, việc áp giá trần khí đốt Nga cũng sẽ làm giảm nguồn thu của Nga từ hoạt động xuất khẩu để dùng cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn tới các điều khoản “bất khả kháng” trong hợp đồng nhập khẩu với phía Nga và “có thể làm leo thang căng thẳng địa chính trị”.

EC dự kiến thảo luận về những đề xuất trên với đại diện các nước thành viên EU vào thứ Tư tuần này (7/9), trước khi bộ trưởng năng lượng các nước tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 9/9. Bà Von der Leyen sau đó sẽ có bài phát biểu thông báo về các đề xuất của EU vào ngày 14/9.