Bình Thuận thúc tiến độ dự án hồ chứa nước gần 900 tỷ
Mục tiêu của dự án hồ chứa nước Ka Pét là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II là 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân...
Sáng ngày 08/7/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam.
Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam là dự án quan trọng Quốc gia được Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư năm 2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tháng 6/2023.
Quy mô của dự án gồm: Hồ điều tiết dung tích toàn bộ là 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích là 47,41 triệu m3; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 874 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 519,9 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,2 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II là 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.
Ngoài ra, dự án còn đóng vai trò phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.
Đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay Ban đang tập trung hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Đơn vị tư vấn thiết kế đã phối hợp với đơn vị tư vấn thẩm tra thống nhất ranh mốc tọa độ toàn dự án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát để tổ chức trồng rừng thay thế theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
UBND huyện Hàm Thuận Nam đã hoàn thành việc lập phương án sơ bộ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án với diện tích đất thu hồi 32,2 ha của 25 hộ gia đình; đến nay, các hộ dân có đất bị thu hồi thuộc dự án Hồ chứa nước Ka Pét đã thống nhất phương án bồi thường của Nhà nước.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Thuận Nam đã phối hợp cùng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, UBND xã Mỹ Thạnh hoàn thành việc đo đạc, kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc tại khu vực Lăng Cậu Hoa và thống nhất đề xuất lựa chọn vị trí di dời Lăng Cậu Hoa.
Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam là dự án rất quan trọng. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này, các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.
Đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, các Sở, ngành, địa phương có ý kiến gửi cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh trước ngày 10/7/2024, trên cơ cở đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh bổ sung, hoàn chỉnh trình Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Đồng thời, các Sở, ngành, địa phương có ý kiến liên quan đến Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án gửi cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh bổ sung, hoàn chỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 7/2024.
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của El Nino, tỉnh Bình Thuận xảy ra nắng nóng kéo dài, khô hanh, độ ẩm thấp, lượng bốc hơi nhanh đã làm giảm đáng kể nước trong hồ. Một số hồ chứa quy mô nhỏ như: Tân Lập, Tà Mon, Tân Hà, lâm trường Sông Dinh, Sông Khán, Trà Tân với khả năng tích trữ nguồn nước không nhiều đã và đang cạn kiệt.
Một số công trình cấp nước như: Hàm Đức, Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc); Long Hải, Ngũ Phụng (Phú Quý); Đức Bình (Tánh Linh)... được đầu tư đã lâu (từ năm 2004), công suất nhỏ, khai thác nguồn nước ngầm, nước từ các dòng suối nhỏ nên không đảm bảo nguồn nước thô cung cấp cho hoạt động nhà máy vào mùa khô.
Cùng với tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là địa phương nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Từ năm 2016 đến nay, mùa mưa chỉ tập trung nhiều vào 3 tháng (7, 8, 9).
Trong khi đó, các công trình trữ nước vào mùa mưa phục vụ sinh hoạt và sản xuất các tháng mùa khô còn thiếu, không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhiều dự án hồ chứa nước lớn đã nằm trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng.