Bổ sung nguồn “năng lượng” giúp doanh nghiệp vượt khó
Tình hình kinh doanh khó khăn những tháng cuối năm 2022 tiếp tục kéo sang những tháng đầu năm 2023. Điều này được phản ánh rõ nét trong báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh tháng 1/2023, theo đó số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại tăng so với cùng kỳ…
Sau những con số “kỷ lục” của năm 2022, nhiều chỉ số trong báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh tháng 1/2023 đã chững lại.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1/2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 99,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 68,6 nghìn lao động, tăng 0,7% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với tháng 12/2022
NHIỀU CHỈ SỐ GIẢM
So với cùng kỳ năm trước đã giảm 16,6% về số doanh nghiệp, giảm 48,5% về số vốn đăng ký và giảm 11% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 8,2% so với tháng trước và giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu tính cả 279 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2023 là 378,1 nghìn tỷ đồng, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có 15,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 146,8% so với tháng 12/2022 và giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2023 lên 25,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, theo khu vực kinh tế, tháng 01/2023 có 125 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 43,9% so với tháng 01/2022; 2.540 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 22,9%; 8.178 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 13,8%.
“Sự sụt giảm này có nguyên nhân là tháng 1/2023 trùng với hai kỳ nghỉ Tết kéo dài, thời gian làm việc ít”, báo cáo nhận định. Tuy vậy, cũng trong tháng 1/2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022; có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,4%; có 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%.
Như vậy, chỉ trong tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên tới gần 43.900 doanh nghiệp, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn nhiều so với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn hai năm gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại. Sức ép lạm phát còn cao, nhất là do các tác động từ bên ngoài; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Đặc biệt trong quý 4/2022, khi những tác động từ bên ngoài và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế tác động mạnh đến thị trường thì hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới tình hình sản xuất, đầu tư, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực; lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm... Điều này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh...
Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, khiến cho số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua có sự gia tăng.
Trong năm 2022, có 143,19 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với năm 2021 và gấp 1,6 lần mức bình quân các năm giai đoạn 2017-2021. Xu hướng này tiếp tục kéo dài trong tháng đầu năm 2023, khiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng.
TĂNG KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU CHO DOANH NGHIỆP
Kết quả khảo sát doanh nghiệp quý 4/2022 cho thấy: có 84,7% doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn, trong đó chủ yếu là các vấn đề về chi phí nguyên liệu đầu vào, nhân công ngày một gia tăng (51,8% doanh nghiệp lựa chọn); tiếp cận thị trường, tìm kiếm khách hàng, vận chuyển (48,7% doanh nghiệp lựa chọn); sức mua giảm sút, hàng tồn kho (44,1% doanh nghiệp lựa chọn); và tiếp cận nguồn vốn (38,6% doanh nghiệp lựa chọn)...
Riêng đối với vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, kết quả khảo sát cho thấy 43% doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay cao, 35,8% doanh nghiệp có ý kiến thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian; 35,3% doanh nghiệp không tiếp cận được cái gói hỗ trợ lãi suất của Nhà nước; 31,7% doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.
Trong khi đó, chỉ số ít doanh nghiệp cho rằng khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng đến từ những nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp: 27,9% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không đáp ứng điều kiện của các tổ chức tín dụng; 15,1% doanh nghiệp thiếu phương án kinh doanh có tính khả thi; 9,9% doanh nghiệp có hệ thống quản trị kế toán, tài chính chưa hoàn thiện...
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đây là thời điểm cần bổ sung thêm các nguồn năng lượng tích cực mới cho giai đoạn phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Theo đó, Chính phủ sẽ đồng hành, hỗ trợ, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tiếp thêm niềm tin và động lực để cộng đồng doanh nghiệp phát triển”.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 6-2023 phát hành ngày 06-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam