Vượt khó, doanh nghiệp chủ động biến nguy thành cơ - Ảnh 1
Vượt khó, doanh nghiệp chủ động biến nguy thành cơ - Ảnh 2

“Chúng tôi đang đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bá Thiện II tại huyện Bình Xuyên với tổng diện tích quy hoạch 308 ha.  Ở giai đoạn đầu của dự án, Vina-CPK đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng với diện tích khoảng 204 ha.

Tỷ lệ lấp đầy tại diện tích đã giải phóng mặt bằng tại KCN Bá Thiện II đạt 100% với nhiều doanh nghiệp lớn đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: TAL Việt Nam, Nippont Paint, VPIC 1, Assa Abloy… Hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư tại KCN Bá Thiện II tuy trải rộng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhưng đều tập trung vào những ngành sản xuất, kinh doanh công nghệ cao và công nghệ thân thiện với môi trường.

Đối với phần diện tích còn lại của dự án (khoảng 104 ha), công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được Vina-CPK phối hợp với UBND huyện Bình Xuyên tích cực triển khai từ năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020 và 2021 nên bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn này bị gián đoạn. Cùng với đó, việc một số hộ dân không đồng ý với phương án đền bù theo đơn giá đất tại giai đoạn này nên gây không ít khó khăn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc và sự quyết tâm của chủ đầu tư, đặc biệt là sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 01/2021  ngày 8/3/2021 về chính sách thưởng bàn giao mặt bằng và di chuyển nhanh để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên toàn tỉnh và UBND huyện Bình Xuyên có QĐ số 1155/2021 ngày 27/04/2021 về việc điều chỉnh giá đất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án đã được đẩy mạnh thực hiện lại từ cuối năm 2021 và đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Vượt khó, doanh nghiệp chủ động biến nguy thành cơ - Ảnh 3

Với mục tiêu hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng trong năm 2023,  trong thời gian qua, Vina-CPK luôn tích cực phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên và UBND xã Trung Mỹ để đảm bảo các quy trình triển khai theo đúng quy định của pháp luật, nhưng đồng thời cũng xem xét đưa ra cơ chế chính sách hỗ trợ thêm cho người dân bên cạnh các chính sách chung của Nhà nước. Theo đó, Vina-CPK cam kết và đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nguồn lực sẵn sàng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân ngay khi cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và phương án được phê duyệt.

Trước nhu cầu tìm hiểu và muốn thuê đất của các nhà đầu tư vào KCN Bá Thiện II rất lớn, trong đó hầu hết là các nhà đầu tư nước ngoài, Vina-CPK và UBND huyện đang tập trung mọi nguồn lực để giải phóng mặt bằng dứt điểm cho toàn bộ diện tích khoảng 104ha còn lại, trong đó ưu tiên tập trung xử lý dứt điểm trước khoảng 82 ha phần diện tích đất tại xã Trung Mỹ để bàn giao cho Vina-CPK đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư. Đối với diện tích còn lại thuộc thị trấn Bá Hiến và xã Thiện Kế sẽ được tiếp tục tập trung triển khai thực hiện ngay sau khi thu hồi xong phần đất thuộc xã Trung Mỹ.

Tới cuối năm 2022 vừa qua hơn 50 ha trong tổng số 82 ha của xã Trung Mỹ đã thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đang hoàn thiện thủ tục để giao đất cho công ty nhằm đẩy nhanh công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đón các nhà đầu tư lớn đang quan tâm và mong muốn triển khai sớm dự án.

Công ty và chính quyền huyện Bình Xuyên và các xã liên quan đang tích cực triển khai các bước bao gồm các thực hiện các dự án tái định cư để di chuyển các hộ dân nằm trong điều án, đặt mục tiêu sẽ hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án xong hết phần diện tích còn lại trong năm 2023 này”.

Vượt khó, doanh nghiệp chủ động biến nguy thành cơ - Ảnh 4

“Trong những tháng cuối năm, các chỉ số xuất khẩu giảm, nhiều tín hiệu và dự báo không khả quan cho những tháng đầu năm của Việt Nam cũng như toàn thế giới về tình hình tăng trưởng của lĩnh vực chế biến chế tạo, đặc biệt với ngành hàng điện, điện tử tiêu dùng. Đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm nay, ảnh hưởng đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng nhiều hơn là sản phẩm công nghiệp. Tác động này xảy ra trên diện rộng tại ba điểm đến chính của xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc  và châu Âu.

Haast Việt Nam là nhà sản xuất thành lập từ năm 2019, tuy mới thành lập nhưng có sự quyết tâm và đầu tư bài bản, với những định vị khác biệt khi sở hữu diện tích nhà xưởng lớn, phòng R&D chuyên biệt, máy móc thiết bị hiện đại và đồng bộ, hướng tới cung cấp giải pháp tổng thể, trọn gói và chất lượng cao thay vì gia công đơn thuần. Năm 2022 được coi là năm bản lề để Haast thực sự định hình được chiến lược kinh doanh hiệu quả, xác định nhóm ngành nghề cùng phân khúc khách hàng tập trung, đi sâu vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thiết kế giải pháp cho khách hàng. Trước dự đoán không khả quan về tình hình tăng trưởng năm 2023, lãnh đạo Haast Việt Nam và Tập đoàn Giza Group đã đưa ra nhiều phương án chủ động để đảm bảo thích ứng linh hoạt trong giai đoạn thách thức này.

Vượt khó, doanh nghiệp chủ động biến nguy thành cơ - Ảnh 5

Thứ nhất, tăng cường kết nối với đối tác sản xuất hiện hữu để thấu hiểu vấn đề, nắm bắt được phương án kinh doanh và kế hoạch của khách hàng, qua đó phối hợp hiệu quả, hỗ trợ nhau trong giai đoạn khó khăn.

Thứ hai, chủ động tìm kiếm khách hàng mới để tối đa công suất sản xuất, thông qua đối tác hiện hữu của mình, cũng như của các công ty thành viên trong tập đoàn.

Thứ ba, nghiên cứu sâu về nhu cầu của khách hàng đối tác, tìm kiếm thị trường ngách, chủ động nghiên cứu phát triển sản phẩm, đề xuất các sản phẩm mới, qua đó tạo nhu cầu và thị trường mới. Ngoài các sản phẩm smart home mà team R&D của Haast đang cho thành hình theo đơn đặt hàng của khách hàng từ Bắc Mỹ, Công ty cũng kết hợp với đối tác để nghiên cứu phát triển một số loại vật liệu mới, đi đầu trên thị trường.

Thứ tư, nâng cao năng lực quản trị sản xuất, chất lượng nhân sự để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của khách hàng các thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Bởi vì  đơn hàng có thể giảm trước mắt nhưng khách hàng vẫn đòi hỏi các công ty như Haast có sự chủ động, linh hoạt đáp ứng được các yêu cầu.

Thứ năm, chủ động tìm kiếm, kết nối và xây dựng hệ thống đối tác sản xuất của Haast, nhằm biến Haast trở thành một hub sản xuất, đơn vị OEM, ODM trong lĩnh vực thiết bị di chuyển, gia dụng thông minh, một nhà nghiên cứu và phát triển sản phẩm gốc hoàn thiện. Trên thực tế, việc có khả năng cung ứng dịch vụ toàn diện, khiến các khách hàng hiện hữu chuyển dịch đơn hàng nhiều hơn cho Haast sản xuất trong năm tới.

Việc cắt giảm hoặc thiếu hụt đơn hàng trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến vận hành, sản lượng của Haast. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, công ty vẫn đang tăng cường vận động, hoàn thiện liên tục để đáp ứng được đòi hỏi của khách hàng, sẵn sàng cho sự trở lại của thị trường”.

Vượt khó, doanh nghiệp chủ động biến nguy thành cơ - Ảnh 6

“Hãng điều hòa Daikin (Nhật Bản) là một trong những nhà sản xuất thiết bị điều hòa không khí lớn nhất thế giới. Với khả năng phát triển một dòng sản phẩm đầy đủ từ máy điều hòa đến môi chất lạnh, Daikin đã xây dựng được sự hiện diện mạnh mẽ ở 5 khu vực chính bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Daikin hiện có 81 nhà máy sản xuất trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, nhà máy sản xuất điều hòa hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á mang thương hiệu Daikin đã đi vào hoạt động từ năm 2018. Nhà máy này đã đạt được năng suất sản xuất ổn định và trở thành đơn vị trọng điểm cung ứng sản phẩm cho Việt Nam và trong tương lai sẽ xuất khẩu đi các khu vực khác. Đạt được kết quả này phần lớn nhờ vào sự đầu tư ấn tượng về công nghệ tiên tiến và sự kiểm soát chất lượng theo chuẩn Nhật Bản của Daikin vốn nổi tiếng trên khắp thế giới.

Hiện, nhà máy tại Việt Nam là nhà máy Daikin đầu tiên trên thế giới lắp đặt dây chuyền theo dạng module với công nghệ tiên tiến nhất và được xem là tiêu chuẩn cho các dây chuyền tiếp theo của tập đoàn trên toàn cầu. Dây chuyền theo module cho phép lắp đặt sản xuất dễ dàng và linh hoạt, mở đường cho việc cập nhật công nghệ mới, từ đó liên tục đổi mới để tiếp cận dây chuyền sản xuất hiện đại nhất.

Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều nhà máy Daikin trên thế giới, tôi có thể khẳng định rằng Daikin Việt Nam không thua kém bất kỳ nhà máy nào khác. Từ khâu cấp linh kiện đầu vào đến sản phẩm hoàn thiện xuất ra kho đều được vận chuyển tự động bằng hệ thống xe tự hành AGV và băng chuyền hiện đại. Việc lưu chuyển thông tin hay chỉ thị sản xuất từ khâu sản xuất linh kiện đến sản phẩm hoàn thiện cũng hoàn toàn tự động...

Chính sách của Daikin là nơi nào bán điều hoà thì sẽ xây dựng nhà máy ngay tại đó. Việt Nam cũng là một trong những thị trường đang phát triển và trong tương lai sẽ càng ngày càng được mở rộng. Tại Việt Nam, chỉ có Daikin là sản xuất điều hoà không khí cao cấp. Do vậy, Daikin sẽ mở rộng nhà máy và sản xuất những sản phẩm tốt hơn nữa để nhanh chóng đưa tới tay người tiêu dùng.

Mặc dù trên thị trường có rất nhiều thương hiệu khác, nhưng thế mạnh của Daikin là dịch vụ. Nếu như có vấn đề, người tiêu dùng có thể liên lạc và Daikin sẽ ngay lập tức xử lý để mang đến những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng sản phẩm của Daikin. Đây là điểm làm nên sự khác biệt giữa Daikin và các thương hiệu khác”.

Vượt khó, doanh nghiệp chủ động biến nguy thành cơ - Ảnh 7

VnEconomy 07/02/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 6-2023 phát hành ngày 06-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Vượt khó, doanh nghiệp chủ động biến nguy thành cơ - Ảnh 8