17:40 19/12/2011

Bộ Tài chính nói gì về kết quả kiểm tra doanh nghiệp xăng dầu?

Y Nhung

Lãnh đạo Bộ Tài chính nói về kết luận kiểm tra giá vốn hàng nhập khẩu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối

Theo kết quả kiểm tra vừa được Bộ Tài chính công bố, 4/4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều chi vượt định mức chi phí kinh doanh.
Theo kết quả kiểm tra vừa được Bộ Tài chính công bố, 4/4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều chi vượt định mức chi phí kinh doanh.
Sáng 19/12, Bộ Tài chính tổ chức họp báo công bố kết luận kiểm tra giá vốn hàng nhập khẩu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, gắn với câu chuyện lỗ lãi mà dư luận quan tâm thời gian qua.

Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính tại bốn doanh nghiệp cho thấy, chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp đã vượt định mức để tính giá cơ sở, là một yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.

Cụ thể, trong khoảng thời gian kiểm tra, kết luận cho thấy về cơ bản các doanh nghiệp không lỗ lớn hoặc có lãi. Nếu các doanh nghiệp thực hiện đúng chi phí định mức theo quy định thì đều có lãi.

Vấn đề ở đây là chi phí kinh doanh để tính vào giá cơ sở có những thời điểm vượt xa định mức dẫn tới lỗ. Và khẳng định của lãnh đạo Bộ Tài chính, khoản lỗ đó các doanh nghiệp phải tự chịu.

Liên quan đến kết luận kiểm tra của tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Cục trưởng cục Quản lý Giá Nguyễn Tiến Thỏa đã trao đổi cụ thể hơn với báo giới.

Có ý kiến cho rằng, mức chi phí kinh doanh xăng dầu hiện chỉ là tham khảo, nên không thể kết luận là doanh nghiệp đã chi vượt, đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Bà Vũ Thị Mai: Theo Thông tư 36/2009/TT- BCT của Bộ Công Thương thì không còn quy định chi phí thù lao cho đại lý mà chỉ là sự thỏa thuận giữa công ty và các tổng đại lý/đại lý.

Nhưng tại Thông tư 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính vẫn quy định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở trong đó đã bao gồm cả thù lao đại lý. Theo đó định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở là 600 đồng/lít đối với xăng và một số mặt hàng dầu.

Kết quả kiểm tra mới đây cũng đã cho thấy mức chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp đều vượt mức này. Có thời điểm, thù lao cho đại lý chỉ ở mức 100 đồng/lít, nhưng cũng có khi mức chi cho đại lý vượt cả trên mức 600 đồng/lít, thậm chí có lúc đạt gần 1.000 đồng/lít.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do không có một quyết định cụ thể về thù lao đại lý và chi phí kinh doanh định mức mà mới chỉ có chi phí kinh doanh định mức để tính giá cở sở.

Hiện ở nước ta, thị trường xăng dầu vẫn do một số doanh nghiệp chi phối nếu không khống chế định mức này doanh nghiệp sẽ tăng thù lao cho đại lý và gây nên cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Thông tin từ Bộ Công Thương còn cho rằng mức chi phí kinh doanh là 600 đồng/lít đang được áp dụng đã không còn phù hợp và Bộ Tài chính đã có “thỏa thuận” về mức chi phí kinh doanh mới đối với doanh nghiệp. Ông/bà có ý kiến gì về vấn đề này?

Bà Vũ Thị Mai: Đây là vấn đề Liên Bộ Tài chính - Công Thương đang đặt ra. Tuy nhiên, để thay đổi cần phải có sự khảo sát để đảm bảo với quy định mới sẽ cân bằng lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân.

Tới đây, chi phí này có thể sẽ tính theo từng khu vực và từng vùng, do các vùng khác nhau chi phí kinh doanh, vận chuyển là khác nhau. Như vậy, mới đảm bảo làm sao doanh nghiệp kinh doanh có lãi và đảm bảo xăng dầu phục vụ nền kinh tế và người dân.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Trên thực tế, Bộ Tài chính cũng thấy mức cũ không còn phù hợp, nhưng để thay đổi và mức giá mới là bao nhiêu, phải có khảo sát, đánh giá thực tế. Kết quả kiểm tra vừa rồi chính là căn cứ. Tuy nhiên, trong thời gian chưa đưa ra mức giá mới thì vẫn giữ nguyên cũ, các Bộ không thể điều hành bằng các thỏa thuận với nhau và thỏa thuận với doanh nghiệp. Khi có những quy định mới, Bộ Tài chính sẽ có thông báo bằng văn bản gửi tới doanh nghiệp.

Vậy chi vượt định mức kinh doanh doanh nghiệp dẫn đến lỗ, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào và khoản chênh lệch này người tiêu dùng, Nhà nước có phải gánh?

Bà Vũ Thị Mai: Mục tiêu của đợt kiểm tra này là kiểm tra giá vốn nhập khẩu của doanh nghiệp từ 30/6 đến 26/8, chứ không phải là đợt kiểm tra để phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp doanh nghiệp chi vượt mức để tính giá cơ sở là chưa chia sẻ với người dân và Nhà nước.

Song, khi quyết toán thuế của doanh nghiệp trong năm 2011 vào ngày 31/3/2012, doanh nghiệp đã được đoàn kiểm tra chỉ ra các sai sót này phải có sự điều chỉnh lại cho phù hợp hơn.
 
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Người tiêu dùng không phải chịu khoản chênh lêch này do chi vượt nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn giữ ổn định. Nhà nước cũng không cấp bù khi doanh nghiệp chi vượt định mức mà doanh nghiệp tự trang trải lấy trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh của mình.

Cũng không có chuyện việc doanh nghiệp tự kê khai vào giá cơ sở để đề nghị tăng giá. Tổ điều hành giá xăng dầu chỉ chấp nhận mức chi phí kinh doanh là 600 đồng/lít.

Còn khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá, doanh nghiệp đầu mối sẽ được hỗ trợ giải quyết vấn đề như thế nào?

Bà Vũ Thị Mai: Trong tháng 2/2011, tỷ giá giữa USD và VND đã được điều chỉnh tăng tới 9,3%. Xăng dầu nhập khẩu tại Việt Nam lại chiếm số lượng rất lớn nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng bị ảnh hưởng từ việc điều chỉnh tỷ giá này.

Nhưng từ năm 2009, kinh doanh xăng dầu đã thực hiện theo cơ chế của thị trường có sự quản lý của Nhà nước, vì vậy Nhà nước không cấp bù lỗ đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng đầu mối mà sẽ thông qua các công cụ như điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu, công cụ quỹ bình ổn giá… để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp và của Nhà nước.

Phải chăng việc điều hành kinh doanh xăng dầu vẫn còn bất cập. Trong vấn đề này, trách nhiệm các bộ ngành là gì?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Về điều hành giá xăng dầu, chúng ta phải nhìn vào cái tổng thể, thời gian qua cái lớn thứ nhất, chúng ta đã đảm bảo đủ xăng dầu để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng.

Cái lớn thứ hai, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ thực hiện được bình ổn giá chứ không phải là cố định giá. Người tiêu dùng cũng được hưởng mức giá bình ổn mặc dù thời gian qua trên thị trường thế giới giá xăng dầu có nhiều biến động. Điều này đã góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành kinh tế, nếu không giữ bình ổn thì nó sẽ làm cho giá của nhiều mặt hàng khác bị đội lên, tạo mặt bằng giá mới.

Còn những bất cập trong thời gian tới hoàn toàn có thể khắc phục khi chúng ta đã phát hiện ra. Doanh nghiệp qua đợt kiểm cũng có thể thấy được trách nhiệm của mình việc hoạch toán kinh doanh.