16:34 21/11/2011

Điều hành giá xăng dầu: Bức xúc cử tri, tâm tư đại biểu

Nguyên Vũ

Bộ Tài chính kiên trì quan điểm nên duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu, cho dù thừa nhận còn nhiều bất cập

Theo Bộ Tài chính thì giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở, nên trước mắt chưa thể để các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối tự đăng ký, quyết định giá.
Theo Bộ Tài chính thì giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở, nên trước mắt chưa thể để các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối tự đăng ký, quyết định giá.
Cử tri liên tục kiến nghị cần xem xét lại, trong khi Bộ Tài chính kiên trì khẳng định sự cần thiết. Câu chuyện về quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn chưa có hồi kết êm thuận.

Không có quỹ, lạm phát "đã cao hơn"

Điều hành giá xăng dầu trong đó có việc sử dụng quản lý quỹ bình ổn giá mặt hàng này là vấn đề được cử tri quan tâm, kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội. Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 Quốc hội khóa 12 vừa được gửi đến các vị đại biểu khóa 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri ở nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, trong đó có việc lập và cơ chế thu, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tuy nhiên, tại văn bản vừa gửi đến Quốc hội, Bộ Tài chính tái khẳng định, nếu không có quỹ này thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn.

Nếu không sử dụng quỹ, bắt buộc phải điều chỉnh giá xăng dầu tăng (bằng mức sử dụng quỹ) sẽ tác động làm tăng giá thành lúa 1 - 09%, cà phê 0,93 - 1,17%, đánh bắt hải sản xa bờ 10,95 - 11,5%, thép 3%, vận tải 6%..., làm tăng trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng từ 0,33 - 0,494%, Bộ Tài chính tính toán.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý giá cũng thừa nhận, việc trích lập quỹ để tại doanh nghiệp thiếu minh bạch, doanh nghiệp dễ sử dụng vào mục đích kinh doanh như phần vốn lưu động bổ sung khi chưa sử dụng, vừa tạo bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (do thị phần, quy mô trích lập quỹ rất khác nhau) vừa không bổ sung được phần lãi phát sinh để bảo toàn, tăng trưởng quỹ.

Mặc dù vậy, Bộ vẫn kiến nghị duy trì quỹ do sự cần thiết nghiên cứu để tập trung về quản lý, cho phép doanh nghiệp đầu mối chủ động sử dụng theo đăng ký với cơ quan nhà nước, sẽ hậu kiểm và quyết toán vào cuối năm.

Sẽ sửa đổi chu kỳ tính giá cơ sở

Về cơ chế điều hành giá xăng dầu, theo Bộ Tài chính thì giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở, nên trước mắt chưa thể để các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối tự đăng ký, quyết định giá.

Khi điều kiện thuận lợi, cần khôi phục lại mức giá cơ sở theo quy định, lúc đó sẽ để doanh nghiệp tự định giá trong giới hạn theo quy định của Nghị định 84.

Một số nội dung cơ bản để hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành mặt hàng rất nhạy cảm này cũng được Bộ Tài chính nêu tại báo cáo. Đó là sẽ xem xét để sửa đổi chu kỳ tính giá cơ sở 10 ngày để phù hợp hơn với tần suất điều chỉnh giá, thay cho 30 ngày như hiện nay.

Đồng thời, nghiên cứu đưa lợi nhuận ra ngoài giá cơ sở để rạch ròi lỗ - lãi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nghiên cứu quy định rõ hơn về chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức phù hợp với từng loại hình kinh doanh, bổ sung các quy định về kiểm tra, kiểm toán, công bố, minh bạch thông tin và chế tài xử lý vi phạm.

Nghe giải thích và “hứa” đã khá nhiều, song tại kỳ họp này nhiều vị đại biểu vẫn gửi văn bản chất vấn cả Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về điều hành giá xăng dầu.

Đại biểu Trương Thị Ánh (Tp.HCM) đặt câu hỏi, giá xăng dầu điều chỉnh tăng liên tục trong năm 2011 có phải do ngành này thực sự đang lỗ, hay do “công tác quản lý điều hành về giá của Bộ thời gian qua lỏng lẻo, chưa thực sự kiên quyết điều hành giảm giá khi cần thiết?”.

"Các công ty xăng dầu hiện nay lỗ hay lãi, có hay không hiện tượng “làm giá” giữa một nhóm nhỏ các doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực này?", đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Huệ.

Nêu vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là thực chất Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang lỗ hay lãi, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Nếu lãi thì tại sao nhiều năm nhà nước phải bù lỗ, nếu lỗ thì tại sao vừa qua Petrolimex lại báo lãi?".

Chiều 21/11, đại biểu Hùng cho biết, ông vẫn đang chờ câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương.