15:23 25/10/2023

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, công dân không thể bị theo dõi khi sử dụng thẻ căn cước gắn chip điện tử và QRcode

Đỗ Phong

Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định việc sử dụng thẻ căn cước có gắn Chip điện tử và mã QRCode không theo dõi và không thể theo dõi. Bộ công an và bất cứ cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi trên thẻ này...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ngày 25/10.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ngày 25/10.

Sáng 25/10/2023, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước và cho rằng việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, bao quát được phạm vi, đối tượng áp dụng gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Việt Nam; phù hợp với xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân. Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.

TÍCH HỢP CẢ QR CODE VÀ CHÍP ĐIỆN TỬ TRÊN THẺ CĂN CƯỚC

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, một số ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất với quy định hiện hành; cân nhắc một số thông tin chưa phù hợp; đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước.

Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp ngày 25/10 .(Ảnh-Quochoi.vn).
Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp ngày 25/10 .(Ảnh-Quochoi.vn).

Việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu đồng tình với quy định sử dụng thẻ căn cước gắn chip được tích hợp thông tin nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch khác, không xung đột với các quy định chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên, không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước có liên quan với các giấy tờ đang quản lý trong điều kiện bảo đảm bảo và mật an toàn thông tin cho đối tượng có thẻ.

Liên quan đến việc sử dụng thẻ gắn chip song song với sử dụng mã QR, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cân nhắc theo hướng chỉ sử dụng chip điện tử trên thẻ căn cước là đảm bảo các điều kiện sử dụng, khai thác thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự mà không nên tích hợp mã QR cùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ngày 25/10.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ngày 25/10.

Cùng quan điểm về mã QR và chíp điện tử, đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn Nam Định đề nghị Bộ Công an và Ban soạn thảo quan tâm tới vấn đề này. Đây là vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân. Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, mã QR rất dễ bị lộ thông tin cá nhân và đề nghị không nên để mã QR trên thẻ căn cước.

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho biết một số công dân phản ánh băn khoăn căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu có bị theo dõi?. Để công dân an tâm, đại biểu đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này.

Trước băn khoăn của đại biểu, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định việc sử dụng thẻ căn cước có gắn Chip điện tử và mã QRCode không theo dõi và không thể theo dõi. Bộ công an và bất cứ cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi trên thẻ này.

Bộ Công an có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh con người, công dân để những người sử dụng thẻ căn cước này không bị theo dõi bởi bất kỳ tổ chức cá nhân nào, không thể lợi dụng được việc sử dụng thẻ, cũng như bảo đảm an ninh an toàn về dữ liệu công dân đã được khai báo, tích hợp vào thẻ.

CÂN NHẮC VIỆC THU THẬP THÔNG TIN SINH TRẮC HỌC VỀ MỐNG MẮT VÀ NHÓM MÁU

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để triển khai Đề án 06, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết; đồng thời dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong các trường thông tin quy định, có 7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ. Các trường thông tin còn lại nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại. Các thông tin này sẽ được cập nhật qua cung cấp tự nguyện của người dân và được chia sẻ qua các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ các giao dịch hành chính, dân sự.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Về thông tin sinh trắc học quy định 2 trường hợp, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn Tp.Hồ Chí Minh đề nghị chỉ nên giới hạn thu thập thông tin trong trường hợp tố tụng, hình sự, người bị áp dụng biên pháp xử lý hành chính.

Tranh luận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức, đoàn Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp…

Đại biểu Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt nên việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.

Về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm có cả nhóm máu, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đắk Nông đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai, và cũng không thống nhất với Luật Cư trú.

Về quản lý người gốc Việt nhưng chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống ở nước ta, theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương nhấn mạnh, dự thảo quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chứ không phải cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp.

 
"Đại hội 13 của Đảng đã đề ra đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở... phục vụ kịp thời và hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội của đời sống nhân dân; bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Dự án luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, yêu cầu mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân mà còn ý nghĩa cho việc phát huy giá trị, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, giá trị, tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu mục tiêu đề án 06 đang triển khai".
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.