17:54 19/01/2023

Bộ Công an dự tính thay đổi một số thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) của Bộ Công an đề xuất đổi "Quê quán" thành "Nơi đăng ký khai sinh", đổi "Nơi thường trú" thành "Nơi cư trú", hay bỏ dấu vân tay...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó đưa ra nhiều quy định về căn cước công dân, đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước.

Cụ thể, trên mặt trước của căn cước công dân, dự thảo đề xuất sửa đổi "Quê quán" thành "Nơi đăng ký khai sinh"; đổi "Nơi thường trú" thành "Nơi cư trú". Số căn cước công dân cũng được đề xuất đổi thành mã số định danh cá nhân (vẫn là dãy số 12 chữ số như trước đây).

Tại mặt sau của căn cước công dân, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), đồng thời chữ ký và danh tính của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được đề xuất đổi thành dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”.

Ngoài những điểm mới nêu trên, Bộ Công an cũng đề xuất chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Còn căn cước công dân gắn chip sẽ được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Trường hợp căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Dự thảo còn đề xuất cấp căn cước công dân cho công dân là trẻ em dưới 6 tuổi; bổ sung quy định về quản lý, cấp căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt (không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam) để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ.

Liên quan đến đề xuất này, đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) cho biết trường hợp mẫu căn cước công dân gắn chip mới được ban hành vẫn có giá trị cho đến khi phải đổi thẻ theo quy định.