19:05 14/07/2021

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Địa phương “đừng” phát sinh thêm thủ tục nhận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng

Phúc Minh

“Các chính sách hỗ trợ ban hành theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã cởi mở hết mức và rất thông thoáng. Vì vậy, các địa phương đừng thêm thủ tục nào nữa, chỉ có bớt đi để chính sách hỗ trợ sớm đến được đối tượng thụ hưởng”…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh - Mạnh Dũng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh - Mạnh Dũng.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, sáng 14/7.

NGUY CƠ ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG LAO ĐỘNG

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đợt dịch lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến thị trường lao động và việc làm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đợt bùng phát dịch thứ 4 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm, trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, những lĩnh vực đã bị ảnh hưởng lớn từ năm 2020 nay càng tác động sâu hơn khiến đời sống người lao động trong các khu vực càng khó khăn như: thương mại, dịch vụ, giao thông, du lịch…

Đáng chú ý, tác động của dịch không chỉ khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, mà còn có thể đứt gãy cả chuỗi cung ứng nguồn lao động, điều này đang trở nên hiện hữu hơn.

“Đặc biệt, do tác động của đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng mới đã xâm nhập vào “thành trì” quan trọng nhất đó là khu vực công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sử dụng lực lượng lao động lớn. Đây là khu vực tăng trưởng cơ bản, nhưng cũng là khu vực có lực lượng lao động rất lớn, trong số 11 triệu lao động trực tiếp thì khu vực này đã có khoảng 3,8 triệu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

Theo thống kê, đến nay đợt dịch lần thứ 4 đã khiến 130.000 lao động của tỉnh Bắc Giang bị dừng hoạt động. Sau hơn 1 tháng, tới nay mới có khoảng 80.000 lao động đi làm trở lại. Sau Bắc Giang, Bắc Ninh, 2 tuần gần đây, nhiều tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Vũng Tàu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt là TP.HCM có tới 1,6 triệu lao động, Bình Dương có 1,2 triệu, Đồng Nai có 1 triệu lao động đang bị tác động lớn do các biện pháp giãn cách xã hội của Chỉ thị 16.

“Rõ ràng vấn đề công ăn việc làm, đời sống của người lao động đang đặt ra những gánh nặng rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, tỷ lệ nhận bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng cao. Nguy cơ không dừng lại đây, mà dự báo sẽ còn tiếp tục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LÀ RẤT CẤP THIẾT

Trước tình hình đó, việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 42 (gói 62.000 tỷ đồng), lần này thủ tục sẽ tập trung giảm bớt phiền hà, thời gian.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Mạnh Dũng. 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Mạnh Dũng. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay Bộ đã nhận được 33/63 văn bản chỉ đạo của các địa phương ban hành thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Riêng với TP.HCM, chỉ trong 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đã triển khai giải ngân hơn 100 tỷ đồng, 226.000 lao động tự do được giải ngân. Bắt đầu từ 15/7, TP.HCM sẽ chuyển sang hỗ trợ đối tượng người lao động có hợp đồng lao động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh kể từ cuối tháng 4, đến nay tiếp tục tác động mạnh mẽ tới công nhân lao động, với trên 9.450 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 35 tỉnh, thành phố, chiếm tỷ lệ hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng.

Đến nay, đã có khoảng 6 vạn F1, 16 vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Dự báo, con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày, vì vậy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là rất cấp thiết.

Nhấn mạnh lần nữa việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là phải khẩn trương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các địa phương cần tập trung triển khai hỗ trợ ngay trong tuần này, không nên chậm trễ nữa. “Địa phương, đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân, để xảy ra trục lợi là có tội với dân, thậm chí cần thiết đơn vị nào chậm có thể công khai trên báo chí”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó,các địa phương cần chủ động chính sách hỗ trợ với nhóm lao động tự do, linh hoạt về kinh phí và hình thức hỗ trợ. “Bên cạnh hỗ trợ bằng tiền, có thể thêm các hình thức khác như: ATM gạo, siêu thị 0 đồng. Đúng là tiền cũng quý nhưng không đủ, trong điều kiện giãn cách đôi khi có tiền cũng không mua được nhu yếu phẩm.

Tôi nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ đã ban hành cởi mở hết mức và rất thông thoáng, nên các địa phương đừng thêm thủ tục nào nữa, nếu có bớt đi được thì chúng tôi rất hoan nghênh. Các hướng dẫn cũng rất cụ thể, chính sách đưa ra dễ nhớ, dễ kiểm tra vì vậy các địa phương không nên cầu toàn và quá nặng nề về thủ tục nữa”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận cũng cho biết, đến nay ngân hàng đã sẵn sàng triển khai chính sách hỗ trợ, các phòng giao dịch sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng khẳng định, thủ tục đã quy định rõ trách nhiệm là rút ngắn thời gian, ưu tiên chính sách dễ thì làm trước để đến được đối tượng thụ hưởng nhanh nhất, đặc biệt không đề nghị doanh nghiệp và người lao động bổ sung hồ sơ.