Bộ Y tế: Nguy cơ kháng thuốc khi tự ý dùng Tamiflu điều trị cúm
Theo Bộ Y tế, Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc...
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh nội dung này trong văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các Viện/Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; y tế các ngành về việc tăng cường giám sát kê đơn, sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm.
Theo phản ánh, thời gian vừa qua có tình trạng người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir để điều trị cúm. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nêu rõ, đây là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.
Do đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng virus để điều trị cúm. Đồng thời, chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện điều trị cúm theo các Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm của Bộ Y tế. Chú trọng công tác kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả, đặc biệt với thuốc kháng virus để điều trị cúm.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.
Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây cho thấy số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (không phải chủng độc lực cao, từ đầu năm 2022 đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)...).
Trước tình trạng số ca mắc cúm gia tăng, không ít người dân tự mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm tại nhà, khiến thuốc Tamiflu khan hiếm, giá bị đẩy lên cao. Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bản theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.