14:36 06/06/2022

Các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để quyết định khung học phí sẽ được áp dụng

Thanh Xuân

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Hội đồng nhân dân các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế-xã hội để quyết định khung học phí hoặc mức học phí áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông; mức này quy định không quá 7,5%/năm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã trả lời về lộ trình tăng học phí.

Thứ trưởng cho biết, trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 86 quy định về khung học phí, Nghị định có hiệu lực đến hết năm học 2020-2021. Sang năm 2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 81 quy định khung học phí của các cơ sở giáo dục công lập từ năm 2021, 2022 trở đi. Tuy nhiên, vào thời điểm triển khai Nghị định 81 do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên Bộ đề xuất và được chấp thuận giữ nguyên học phí.

Như vậy từ các năm sau trở đi, theo quy định của Nghị định 81, HĐND các địa phương căn cứ về điều kiện kinh tế-xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân… để quyết định khung học phí hoặc mức học phí áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông; mức này quy định không quá 7,5%/năm.

“Mức học phí, lộ trình tăng học phí phải phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn còn chia sẻ thêm: lộ trình học phí dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học, còn đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì lộ trình thực hiện đến năm 2030.

Đước biết để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện đúng quy định đối với các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023.

Cụ thể đối với giá dịch vụ giáo dục, đào tạo (học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo), Bộ đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/8/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học;

Thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chịu trách nhiệm giải trình trước người học, xã hội về các mức thu.